daigai

Well-Known Member
LINK TẢI LUẬN VĂN MIỄN PHÍ CHO AE KET-NOI
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Theo cách tiếp cận của Ngôn ngữ học tri nhận, ẩn dụ ý niệm (ADYN) là cách của tư duy, thể hiện cách con người nhận thức, “cắt nghĩa” về thế giới mà mình đang sống. Con người dùng những trải nghiệm mang tính nghiệm thân tạo ra các ADYN để biểu hiện các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, trong xã hội và chính bản thân mình. Bởi vậy, ADYN là cánh cửa để khám phá những khía cạnh đặc sắc trong thế giới tinh thần, trí tuệ, văn hóa của con người.
Hôn nhân và gia đình là hai phạm trù vô cùng quan trọng trong đời sống của con người, có vai trò quyết định, chi phối đến cuộc sống của mỗi cá nhân. Ai cũng được sinh ra từ một gia đình. Thiếu gia đình, con người trở nên côi cút bơ vơ trong cuộc đời. Lớn lên ai cũng phải nghĩ đến chuyện hôn nhân. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc, một gia đình bình yên để ta tìm về sau bao nhiêu vất vả khó nhọc trong cuộc mưu sinh chính là ước mơ và là sự phấn đấu của tất cả những người trưởng thành. Có thể nói, hôn nhân và gia đình là hai phạm trù góp phần quan trọng trong việc khẳng định sự tồn tại của một con người trong một xã hội được tổ chức, có văn hoá.
Văn học là “tấm gương phản chiếu cuộc sống”, trong đó văn xuôi là tấm gương cho chúng ta thấy sự chân thực nhất về con người và ngôn ngữ đời thường. Có thể nói mỗi tác phẩm văn xuôi là một bộ phim truyện. Ở đó, cuộc sống diễn ra như nó vốn có. Những hành động, suy nghĩ, đi đứng, nói năng của con người được đưa vào trang văn với tất cả những biểu hiện muôn màu của đời thực. Từng nhân vật là từng con người mà ở đâu đó chúng ta đã gặp, từng lời nói của họ là từng ngôn từ mà ở đâu đó ta đã nghe. Những câu văn, những câu kể của người viết cũng không xa rời ngôn ngữ đời thường, chúng tựa như những lời kể chuyện mà ai đó đang thủ thỉ với chúng ta. Bởi vậy, có thể khẳng định rằng, ngôn ngữ văn xuôi là ngôn ngữ gần gũi với ngôn ngữ đời thường nhất.
Từ những lí do trên, chúng tui chọn vấn đề Ẩn dụ ý niệm về hôn nhân, gia đình trong tiếng Việt (trên cứ liệu văn xuôi hiện đại) làm đề tài cho luận án. Chúng tui muốn áp dụng một cách tiếp cận mới của ngôn ngữ học hiện đại để tìm hiểu một vấn đề muôn thuở, nhưng chưa bao giờ hết thú vị và luôn lôi cuốn sự quan tâm của con người.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của luận án là vận dụng lý thuyết ADYN nói riêng cũng như lý thuyết Ngôn ngữ học tri nhận nói chung làm cơ sở để lý giải các ADYN về hôn nhân và gia đình của người Việt (trên cứ liệu văn xuôi hiện đại). Qua đó, làm rõ đặc trưng tri nhận, bản sắc văn hóa của người Việt trong quan niệm về hôn nhân, gia đình.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Hệ thống hóa những vấn đề lý thuyết làm cơ sở lý luận của đề tài: ADYN và các khái niệm ngôn ngữ liên quan đến ADYN; quan niệm về hôn nhân, gia đình của người Việt gắn với văn hoá phương Đông.
- Khảo sát, tổng hợp ngữ liệu và nhận diện các ADYN, xác định mô hình ánh xạ của các ADYN về hôn nhân, gia đình của người Việt.
- Phân tích cơ chế ánh xạ từ miền nguồn đến miền đích của các ADYN về hôn nhân, gia đình. Đồng thời, phân tích, lý giải các quan niệm và đặc trưng văn hóa trong tư duy của người Việt về vấn đề hôn nhân, gia đình.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các ẩn dụ ý niệm về hôn nhân, gia đình trong tiếng Việt, lấy từ ngữ liệu văn xuôi hiện đại.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là các khía cạnh của ẩn dụ ý niệm, gồm ý niệm miền đích, ý niệm miền nguồn, sự sánh xạ từ miền đích đến miền nguồn và cơ sở trải nghiệm, động lực hình thành của các ẩn dụ ý niệm trong các ADYN về hôn nhân, gia đình của người Việt (trên cứ liệu văn xuôi hiện đại).
4. Phương pháp nghiên cứu
Để tiến hành các nhiệm vụ nghiên cứu trên, chúng tui sử dụng các phương pháp và thủ pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp phân tích, miêu tả: phân tích cấu trúc ADYN, xác định miền đích, miền nguồn, hệ thống ánh xạ; miêu tả ý niệm, miền ý niệm, ADYN; cơ sở trải nghiệm và động lực hình thành của các ý niệm về hôn nhân, gia đình của người Việt.
- Thủ pháp so sánh: so sánh các vấn đề có liên quan đến ý niệm của người Việt về hôn nhân, gia đình từ truyền thống đến hiện đại; so sánh ý niệm về hôn nhân, gia đình của người Việt và các dân tộc khác (nếu có). Từ đó, lý giải về sự thay đổi và sự ổn định trong cách ADYN về hôn nhân, gia đình của người Việt theo thời gian; sự tương đồng và khác biệt trong cách ý niệm hóa về hôn nhân, gia đình của người Việt và một số dân tộc khác trên thế giới.
- Thủ pháp thống kê, phân loại: thống kê, phân loại các biểu thức ngôn ngữ của các ADYN về hôn nhân, gia đình để chỉ ra tần suất xuất hiện của các biểu thức này, sử dụng các yếu tố định lượng để đưa ra các nhận định về một số đặc điểm trong cách ý niệm của người Việt về hôn nhân, gia đình.
5. Những đóng góp mới của luận án
- Về lí luận: Luận án góp phần củng cố năng lực giải thích của Ngôn ngữ học tri nhận, khẳng định hiệu quả của việc ứng dụng lý thuyết ADYN vào nghiên cứu các ý niệm trong văn học cũng như trong đời sống.
- Về thực tiễn: Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu về cách tư duy, quan niệm của người Việt về hôn nhân và gia đình trong tiếng Việt (trên cứ liệu văn xuôi hiện đại) từ góc nhìn của Ngôn ngữ học tri nhận. Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, học tập và giảng dạy Ngôn ngữ học nói chung, Ngôn ngữ học tri nhận nói riêng; có thể áp dụng vào việc phân tích giảng văn theo cách tiếp cận của ngôn ngữ học hiện đại.
6. Bố cục của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án gồm 3 chương:
- Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và các vấn đề hữu quan
Trình bày tổng quan tình hình nghiên cứu về ADYN nói chung, ADYN về hôn nhân và gia đình nói riêng trên thế giới và ở Việt Nam. Xác định các vấn đề lý thuyết quan yếu về ADYN làm cơ sở nghiên cứu của đề tài. Trình bày quan niệm về hôn nhân và gia đình của người Việt và sự chi phối của các yếu tố văn hóa đến những quan niệm này.
- Chương 2: Ẩn dụ ý niệm về hôn nhân
Khảo sát các ADYN có MĐ HÔN NHÂN, có MĐ (NGƯỜI) VỢ và MĐ (NGƯỜI) CHỒNG. Lý giải cơ sở tri nhận, động lực hình thành và phân tích mô hình ánh xạ của các ADYN cụ thể. Giải mã quan niệm của người Việt về hôn nhân, về người vợ và người chồng qua từng ADYN.
- Chương 3: Ẩn dụ ý niệm về gia đình
Khảo sát các ADYN có MĐ GIA ĐÌNH, có MĐ BỐ MẸ và MĐ CON CÁI. Lý giải cơ sở tri nhận, động lực hình thành và phân tích mô hình ánh xạ của các ADYN cụ thể. Giải mã quan niệm của người Việt về gia đình, cha mẹ và con cái qua từng ADYN.




Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CÁC VẤN ĐỀ HỮU QUAN

1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Tình hình nghiên cứu về ẩn dụ ý niệm
1.1.1.1. Các nghiên cứu về ẩn dụ ý niệm ở nước ngoài
ADYN là một lĩnh vực quan trọng của Ngôn ngữ học tri nhận. Nó đã được các nhà ngôn ngữ học trên thế giới phân tích một cách toàn diện trong mối tương quan chặt chẽ với các thành tố khác của ngôn ngữ học tri nhận. Điều này đã được chứng minh qua rất nhiều công trình nghiên cứu, chẳng hạn như: Metaphors We live by (George Lakoff và Mark Johnson, 1980), Metaphors of Anger, Pride and Love: A Lexical Approach to the Structure of Concepts (Kövecses, 1986), The Body in the Mind: The Bodily Basis of Meaning, Imagination and Reason, (Mark Johnson, 1987), trình bày về sơ đồ hình ảnh, cấu trúc AD và cơ sở vật chất của chúng; trong Women, Fire, and Dangerous Things: What Categories Reveal About the Mind, (George Lakoff, 1987), Foundation of Cognitive Grammar (Langaker, 1987), More than cool reason: A field guide to poetic metaphor, (Lakoff và Turner, 1989), Metaphor in Cognitive Linguistics (Gibbs và Steen, 1997), Foundation of meaning: Primary metaphor and primary scenses, (Joseph Grady, 1997), Metaphor: A Practical Introduction (Kövecses, 2002), The Way We Think: Conceptual Blending and the Mind’s Hidden Complexities, Fauconnier và Turner, 2002), Metaphors in Education Discourse (Cameron, 2003), Metaphor in Culture: Universality and Variation (Kövecses, 2005), Cognitive Linguistics – An Introduction, (V.Evans và M.Green, 2006), Why we mix metaphors (and mix them well): Discourse coherence, conceptual metaphor, and beyond (Kimmel, 2010), Where Metaphors Come From. Reconsidering Context in Metaphor (Kövecses, 2015), v.v.
1.1.1.2. Các nghiên cứu về ẩn dụ ý niệm ở Việt Nam
Việc nghiên cứu ADYN ở Việt Nam được tiến hành trên hai hướng. Một là, nghiên cứu và giới thiệu lý thuyết. Hai là, ứng dụng lý thuyết này vào nghiên cứu ngôn ngữ.
Ở hướng nghiên cứu thứ nhất, lý thuyết ADYN chủ yếu được giới thiệu và mô tả ở những công trình của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học có uy tín của Việt Nam: Các công trình của Lý Toàn Thắng, bao gồm Ngôn ngữ học tri nhận từ lý thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt (2005), Ngôn ngữ học tri nhận những nội dung quan yếu (2015); Các công trình của Trần Văn Cơ, bao gồm Ngôn ngữ học tri nhận (ghi chép và suy nghĩ) (2007), Khảo luận Ẩn dụ tri nhận (2009), Ngôn ngữ học tri nhận - Từ điển (2011)... Bên cạnh đó, ADYN và những khái niệm có liên quan còn được trình bày trong các công trình dịch từ tiếng nước ngoài như Dẫn luận ngôn ngữ học tri nhận (2011) của Triệu Diễm Phương do Đào Hà Ninh dịch ; Dẫn luận ngôn ngữ học tri nhận (2016) của David Lee do Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Hoàng An dịch; Chúng ta sống bằng ẩn dụ (1980) của George Lakoff, Mark Johnson do Nguyễn Thị Kiều Thu dịch (2017).
Ở hướng nghiên cứu thứ hai, việc ứng dụng lý thuyết ADYN vào nghiên cứu ngôn ngữ cũng đạt được nhiều thành quả. Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ đã sử dụng lý thuyết này để tìm hiểu các biểu hiện tư duy đặc trưng của người Việt được phản ánh trong ngôn ngữ, bên cạnh đó còn so sánh đối chiếu cách ý niệm của người Việt với các dân tộc khác để tìm ra sự gặp gỡ cũng như những nét độc đáo của dân tộc ta trong cách ý niệm về những sự vật hiện tượng trong cuộc sống của mình. Có thể kể tên một số công trình tiêu biểu như: Miền ý niệm sông nước trong tri nhận của người Nam Bộ (Trịnh Sâm, 2003), Sự tri nhận và biểu đạt thời gian trong tiếng Việt qua các ẩn dụ không gian (Nguyễn Hòa, 2007), Miền ý niệm sông nước trong tri nhận của người Việt (Trịnh Sâm, 2011), Ẩn dụ ý niệm “vàng” trong tiếng Việt nhìn từ góc độ miền nguồn (Đặng Thị Hảo Tâm, 2012)...
Ngoài những công trình trên, rất nhiều luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, khóa luận tốt nghiệp cũng vận dụng lý thuyết ADYN vào nghiên cứu.
1.1.2. Tình hình nghiên cứu ẩn dụ ý niệm về hôn nhân, gia đình
1.1.2.1. Các nghiên cứu ẩn dụ ý niệm về hôn nhân ở nước ngoài và ở Việt Nam
a. Những nghiên cứu ẩn dụ ý niệm về hôn nhân ở nước ngoài
Trên thế giới, ADYN về hôn nhân cũng được quan tâm nghiên cứu trong ngôn ngữ của nhiều quốc gia. Có thể kể đến một số bài tiêu biểu sau: Cultural models and metaphors for marriage: An analysis of discourse at Japanese wedding receptions (Cynthia Dickel Dunn, 2008) phác thảo mô hình văn hóa hôn nhân được biểu hiện trong lời phát biểu tại các lễ cưới của người Nhật Bản; A contrastive study of Chinese and English metaphors of marriage (Winifred Yuk Ying Leung, 2008) so sánh ý niệm về hôn nhân của người Trung Quốc với người Anh trên cứ liệu 300 tiêu đề báo chí của hai quốc; Conceptual metaphor in discourses of women and marriage in seventeenth-century Comedy (Csenge E Aradi, 2014), phân tích những ADYN về phụ nữ và các ADYN về hôn nhân trong xã hội Anh và Pháp; A Critical Discourse Analysis of the Conceptual Metaphor in Egyptians' Internet Language of Marriage (Muhammad Abdo, 2015) trình bày về ADYN hôn nhân được biểu hiện trong ngôn ngữ trên mạng xã hội của giới trẻ Ai Cập; Exploring the cultural cognition and conceptual metaphor of marriage in Indonesia (Joko Kusmanto, 2016) khám phá văn hóa tri nhận và những ADYN về hôn nhân của Indonesia.
Nhìn chung, trên thế giới, ADYN về hôn nhân được nghiên cứu cả trong ngôn ngữ đời thường lẫn ngôn ngữ văn chương. Ngoài việc tìm hiểu biểu hiện của ý niệm này trong một nền văn hóa, các tác giả còn so sánh đối chiếu nó trong những nền văn hóa khác nhau để tìm ra sự gặp gỡ của các dân tộc trong cách cắt nghĩa về hôn nhân, đồng thời khẳng định bản sắc riêng của từng dân tộc trong việc nhìn nhận về vấn đề này.
b. Những nghiên cứu ẩn dụ ý niệm về hôn nhân ở Việt Nam
Các nghiên cứu có liên quan đến ADYN về hôn nhân trong tiếng Việt không nhiều, theo khảo sát của chúng tôi, có một số công trình, bài viết tiêu biểu sau: Luận án A study on idioms denoting social relationships in Vietnamese and English from the perspectives of cognitive linguistics (Nguyễn Thị Kim Anh, Đại học Vinh, 2017) nghiên cứu thành ngữ chỉ mối quan hệ xã hội ở Việt Nam và Anh từ góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận. Tác giả đã trình bày những biểu thức ý niệm cụ thể về hôn nhân như HÔN NHÂN LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH, HÔN NHÂN LÀ VẬT CHỨA; bài báo Conceptual metaphor marriage is a unity of two complementary parts: a case in Vietnamese proverbs and folk verses (Lê Đình Tường, 2016) nghiên cứu biểu hiện của ADYN HÔN NHÂN LÀ SỰ HÒA HỢP CỦA HAI PHẦN BỔ SUNG CHO NHAU trong tục ngữ và ca dao Việt Nam.
1.1.2.2. Các nghiên cứu ẩn dụ ý niệm về gia đình ở nước ngoài và ở Việt Nam
a. Những nghiên cứu ẩn dụ ý niệm về gia đình ở nước ngoài
ADYN về gia đình dường như được đề cập rất ít trong các nghiên cứu ở nước ngoài. Với vai trò là miền đích trong ADYN, “gia đình” được đề cập trong một số diễn ngôn chính trị trong các cuộc tranh cử ở Hoa Kỳ, ví dụ như các ADYN về gia đình trong Conceptual Metaphors of Family in Political Debates in the USA (Karen L. Adams, 2009) như ADYN MỖI GIA ĐÌNH HẠT NHÂN LÀ KIỂM SOÁT VIÊN (a nuclear family is mastery), CÁC GIA ĐÌNH HẠT NHÂN LÀ CÁC ỨNG VIÊN (nuclear families are candidates).
b. Những nghiên cứu ẩn dụ ý niệm về gia đình ở Việt Nam
Ở nước ta, cho đến nay, điểm qua các đề tài có liên quan đến ý niệm gia đình trong tiếng Việt, chỉ có một luận văn thạc sĩ đề cập đến ADYN về gia đình là Đặc điểm tri nhận về gia đình của người Việt trong tương quan so sánh với người Hàn (Qua trường từ vựng ngữ nghĩa về gia đình và tục ngữ) (Đào Thị Quỳnh Trang, 2011). Trong luận văn này, tác giả có so sánh cách tri nhận của người Việt và người Hàn về gia đình trên ngữ liệu trường từ vựng ngữ nghĩa và tục ngữ về gia đình, qua đó, đề cập đến một số điểm giống và khác nhau trong quan niệm của người Việt và người Hàn về các thành viên trong gia đình.
1.2. Một số khái niệm liên quan đến đề tài
1.2.1. Ý niệm và ý niệm hóa
Theo các nhà ngôn ngữ học tri nhận, Ý niệm (concept) là đơn vị của ý thức con người, là kết quả của quá trình tri nhận, được hình thành khi con người cấu trúc hóa thông tin về những gì mình trải nghiệm. Ý niệm gồm hai phần: phần trung tâm (khái niệm miêu tả sự vật hiện tượng, mang tính phổ quát toàn nhân loại) và phần ngoại vi (các yếu tố thuộc cảm xúc và văn hóa mang tính dân tộc vô cùng sâu sắc). Ý niệm có thể được biểu hiện bằng một từ nhưng cũng có thể được diễn đạt bằng cả một câu.
Ý niệm hóa (conceptualization) là quá trình mã hóa thông tin, tạo nên các ý niệm và hệ thống các ý niệm.
1.2.2. Nghiệm thân và lược đồ hình ảnh
a. Lý thuyết nghiệm thân (embodiment): Theo A Glossary of Cognitive Linguistics (Vyvyan Evans, 2007), tri nhận nghiệm thân được hiểu là “tư duy con người và việc tổ chức các ý niệm là một chức năng của cách thức mà trong đó các cơ quan cụ thể của cơ thể chúng ta tương tác với môi trường mà chúng ta sống” (tr.77).
b. Lược đồ hình ảnh (image schema): Johnson (1987) cho rằng: Lược đồ hình ảnh là một dạng cấu trúc hình thức (gestalt structure) biểu thị toàn bộ những hiểu biết và kinh nghiệm được tổ chức và hợp nhất của chúng ta. Lược đồ hình ảnh được hình thành từ sự trải nghiệm mang tính nghiệm thân của con người, cụ thể là từ những trải nghiệm vật lý được tái diễn liên tục trong một loạt hoạt động hàng ngày của chúng ta. Sự lặp lại của các trải nghiệm hình thành nên lược đồ hình ảnh. Đến lượt mình, các lược đồ hình ảnh lại đảm nhận vai trò là cơ sở của các ý niệm khác trong tư duy của con người, ví dụ như, từ lược đồ khối lượng - việc đếm (mass – count), chúng ta có các ý niệm cụ thể như: CHẤT LƯỢNG LÀ SỐ LƯỢNG, NHIỀU HƠN THÌ TỐT HƠN; hay từ lược đồ đường đi (path), chúng ta có các ý niệm như: CUỘC ĐỜI LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH, HÔN NHÂN LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH.
1.2.3. Không gian tinh thần và sự pha trộn ý niệm
Theo A Glossary of Cognitive Linguistics (Vyvyan Evans, 2007), “không gian tinh thần là các vùng không gian ý niệm có chứa các dạng thông tin đặc trưng. Chúng được cấu tạo trên cơ sở ngôn ngữ tổng quát, ngữ dụng và các chiến lược văn hóa để chọn lọc thông tin” (tr.134)
Sự pha trộn ý niệm chính là sự tích hợp, ánh xạ đa chiều của các không gian tinh thần. Fauconnier (1997) khẳng định rằng: trong suy nghĩ và trong hành động bày tỏ những hiểu biết của mình, chúng ta xây dựng một không gian tinh thần và tiến hành hoạt động trên chúng để giải mã ý nghĩa trong phát ngôn của người nói. Có ba loại không gian tinh thần: không gian chung (generic space), không gian đầu vào (input space) và không gian pha trộn (the blend). Không gian chung được hiểu là bối cảnh so sánh (tertium comparationis) cho các không gian đầu vào. Nó chứa đựng đặc điểm, phẩm chất chung của các không gian đầu vào. Không gian chung ánh xạ lên từng không gian đầu vào, phản ánh những đặc điểm phổ biến và thường xuyên của các không gian này và chỉ rõ tính chất ánh xạ xuyên không gian mang tính cốt lõi giữa chúng. Không gian pha trộn được thiết lập bởi sự tích hợp của một số đặc tính từ các không gian đầu vào (có thể là từ hai không gian đầu vào trở lên).
1.2.2. Ẩn dụ ý niệm
1.2.2.1. Khái niệm ẩn dụ ý niệm
Trong A Glossary of cognitive linguistic (Từ điển ngôn ngữ học tri nhận) (2007), Evans định nghĩa ADYN là: Một hình thức phóng chiếu mang tính ý niệm liên quan đến sự ánh xạ hay sự tổ chức tương ứng giữa hai miền ý niệm riêng biệt. Ẩn dụ ý niệm thường bao gồm một loạt các ánh xạ thông thường liên quan đến các khía cạnh của hai miền ý niệm riêng biệt. Mục đích của một tập hợp ánh xạ là để cung cấp cấu trúc từ một miền ý niệm, miền nguồn, bằng cách chiếu cấu trúc lên miền ý niệm đích. Điều này cho phép những suy luận của miền nguồn được áp dụng cho miền đích. Vì lý do này, các ẩn dụ ý niệm được tuyên bố là công cụ cơ bản và không thể thiếu của tư duy (tr.136).
1.2.2.2. Miền đích và miền nguồn
Cấu trúc của một ADYN luôn có hai miền ý niệm: miền nguồn (source domain) và miền đích (target domain). Mỗi miền ý niệm là sự tổ chức mạch lạc của sự trải nghiệm. Chúng liên hệ với nhau theo mô hình MIỀN ĐÍCH LÀ MIỀN NGUỒN (Kövecses, 2010). Miền đích (MĐ) được hiểu thông qua miền nguồn. Miền nguồn (MN) thường cố định, cụ thể, hữu hình. MĐ thường trừu tượng, mơ hồ, khó hiểu hơn MN. Trong thực tế có vô số ADYN trùng MN hay MĐ với nhau.
1.2.2.3. Sự ánh xạ trong ẩn dụ ý niệm
Mối quan hệ giữa hai miền ý niệm trong quá trình ẩn dụ là một tập hợp các tương ứng (correspondences) có hệ thống giữa MN và MĐ theo nghĩa là các yếu tố cấu thành MN tương ứng với các yếu tố cấu thành của MĐ. Các tương ứng ý niệm này được gọi là ánh xạ (mapping) (Kövecses, 2010). Ánh xạ luôn mang tính chất một chiều: từ MN tới MĐ mà không có chiều ngược lại. Ánh xạ mang tính chất bộ phận.
1.2.2.4. Đặc điểm của ẩn dụ ý niệm
a. Tính đơn hướng: Tính đơn hướng của ADYN do đặc tính ánh xạ quy định. Trong cấu trúc của ADYN, sự ánh xạ mang tính chất một chiều: từ MN sang MĐ. Bởi vậy, hệ quả là, ADYN cũng mang tính chất một chiều.
b. Tính che giấu và nhấn mạnh: Trong cấu trúc của ADYN, MĐ được làm rõ nhờ MN, tuy nhiên, không phải tất cả các đặc tính của MĐ đều được làm sáng tỏ. Một số thuộc tính của MĐ sẽ được ưu tiên miêu tả, trong khi đó, một số thuộc tính khác lại bị che lấp đi.
c. Tính hệ thống: Các ADYN không hề tồn tại cô lập, chúng tồn tại trong hệ thống. Mỗi ADYN bao gồm một tập hợp những ánh xạ, đến lượt mình, những ánh xạ này lại cấu trúc hóa nên những ADYN cụ thể hơn.
d. Tính tầng bậc: ADYN mang tính tầng bậc, có ADYN bậc trên (ẩn dụ thượng danh), có ADYN bậc dưới (ẩn dụ hạ danh).
e. Tính phổ quát: Đặc tính sinh học của loài người khiến chúng ta có những trải nghiệm mang tính nghiệm thân giống nhau. Văn hóa chung của nhân loại đưa cho mọi con người trên trái đất này “công cụ” quan sát tương tự nhau về thế giới. Bởi vậy, các dân tộc khác nhau trên thế giới có chung ADYN.
d. Tính biến thiên văn hóa: Sự chi phối của đặc trưng văn hóa đưa đến tính biến thiên văn hóa của ADYN, bao gồm sự biến thiên trong phạm vi một ADYN cho một mục tiêu nhất định; sự biến thiên trong các chi tiết cụ thể của ADYN cho một mục tiêu nhất định; sự biến thiên ở sự nhấn mạnh ADYN cho một mục tiêu nhất định hay theo cách khác.
e. Tính tương hòa văn hóa: ADYN được tạo nên từ trải nghiệm của con người qua cái nhìn của văn hóa dân tộc. Bởi vậy, ADYN luôn tương hòa với những giá trị tiêu biểu của văn hóa dân tộc, phù hợp với đặc trưng tư duy và phong tục tập quán của dân tộc.
ADYN có MĐ HÔN NHÂN được khảo sát có 7 miền ý niệm nguồn, gồm CUỘC HÀNH TRÌNH, SỰ KẾT HỢP, THỨC ĂN, VẬT CHỨA, SÔNG NƯỚC, HOẠT ĐỘNG KINH DOANH, SINH THỂ và VẬT THỂ. Sự tương đồng trong cấu trúc được cảm nhận và các tương liên tri nhận giữa hôn nhân với các miền ý niệm này đã thúc đẩy người Việt dùng những hiểu biết, nhận thức, kinh nghiệm mang tính nghiệm thân về chúng để cấu trúc nên các ADYN về hôn nhân. Các đặc tính của những MN này đã được ánh xạ một cách có chọn lọc lên MĐ HÔN NHÂN và tạo ra 14 ADYN cụ thể. Hôn nhân đã được xem xét, miêu tả với cái nhìn đa diện, nhiều chiều. Những ADYN có MĐ HÔN NHÂN này bộc lộ các quan niệm khác nhau của người Việt về hôn nhân. Có những quan niệm mang đậm màu sắc văn hóa Việt, có những quan niệm là cách tư duy chung của nhiều cộng đồng dân tộc về hôn nhân. Những quan niệm như HÔN NHÂN LÀ NGÔI NHÀ, HÔN NHÂN LÀ DÒNG SÔNG, HÔN NHÂN LÀ CON ĐÒ/ CON THUYỀN, HÔN NHÂN LÀ BẾN SÔNG... mang đặc trưng tư duy, nhận thức của con người Việt với cái gốc văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước; những quan niệm như HÔN NHÂN LÀ MỘT HÀNH TRÌNH, HÔN NHÂN LÀ SỰ HỢP TÁC KINH DOANH, HÔN NHÂN LÀ THỨC ĂN, HÔN NHÂN LÀ TÙ NGỤC... là kết quả tri nhận chung của người Việt và nhiều dân tộc khác trên thế giới được quy định bởi những trải nghiệm chung của con người trong cuộc sống thường nhật.
Cả ADYN có MĐ (NGƯỜI) CHỒNG và ADYN có MĐ (NGƯỜI) VỢ được khảo sát đều liên quan đến MN CON NGƯỜI - miền ý niệm nguồn vô cùng phổ biến của các ADYN. Bên cạnh đó, ADYN về người chồng còn được xây dựng với MN VẬT THỂ, ADYN về người vợ còn được xây dựng với MN TÀI SẢN. Những tương đồng tri nhận giữa vai trò của người vợ và người chồng trong hôn nhân với các miền ý niệm nguồn trên đã lần lượt kích hoạt sự hình thành của các ADYN có MĐ (NGƯỜI) CHỒNG và MĐ (NGƯỜI) VỢ. Cơ sở trải nghiệm của những ADYN này là những kinh nghiệm mang tính nghiệm thân của người Việt về con người, vật thể, tài sản; là những nét văn hóa truyền thống về hôn nhân của người Việt. Bởi vậy, hầu hết chúng phản ánh quan niệm và cách nhìn truyền thống của người Việt về vai trò của người chồng và người vợ trong hôn nhân. Người chồng che chở, bảo vệ người vợ; người vợ thuộc quyền sở hữu và rất quý giá đối với người chồng. Tuy nhiên, cũng có ADYN phản ánh cái nhìn của con người trong xã hội hiện đại về vai trò của người vợ đối với người chồng. Đó là ADYN VỢ LÀ NGƯỜI NẮM QUYỀN LỰC. ADYN này cho thấy quan niệm về vai trò truyền thống của người đàn ông trong hôn nhân của người Việt đã thay đổi. Nếu trước đây, chỉ có người chồng nắm quyền chỉ đạo, quyết định, người vợ phải nghe theo (phu xướng phụ tùy) thì ngày nay, trong rất nhiều trường hợp, người vợ sẽ là người đưa ra quyết định, người phải chấp hành lại là người chồng. Đây là sản phẩm của cuộc sống hiện đại, khi người phụ nữ đã ngang bằng với người đàn ông về khả năng làm việc và kiếm thu nhập.
ADYN có MĐ GIA ĐÌNH được xây dựng dựa trên 3 miền ý niệm nguồn, gồm VẬT CHỨA, VẬT THỂ và CÂY CỐI. Để ý niệm hóa gia đình, trong miền ý niệm VẬT CHỨA, người Việt lựa chọn cái tổ của chim chóc và ngôi nhà; trong miền ý niệm VẬT THỂ, người Việt chọn vật thể rắn có hình dáng tròn trịa và cái gánh nặng; trong miền ý niệm CÂY CỐI, người Việt chọn đặc tính cấu tạo hình dáng của cây có nhiều cành nhánh. Sự tương đồng tri nhận giữa gia đình với các phạm trù trên đã làm xuất hiện các ADYN cụ thể về gia đình. Hầu hết ADYN này mang đặc thù văn hóa Việt. Riêng GIA ĐÌNH LÀ MỘT CÁI CÂY là ADYN chung của nhiều dân tộc. Những ADYN có MĐ GIA ĐÌNH này cho thấy người Việt vô cùng coi trọng gia đình và sự gắn bó của các thành viên trong gia đình. Gia đình là nơi che chở, bảo vệ cho các thành viên; các cá nhân trong gia đình luôn có mối liên hệ bền chặt, gần gũi. Tổ chức gia đình người Việt mang đậm dấu ấn của nền văn minh lúa nước, nơi con người sống vì cộng đồng, làng xã, gia tộc; nơi các cá nhân luôn hòa vào tập thể và có trách nhiệm cũng như gắn bó mật thiết với những người xung quanh.
Các ADYN có MĐ CHA MẸ, có MĐ CON CÁI đều được xây dựng từ MN VẬT THỂ và MN CON NGƯỜI. Sự tương đồng tri nhận giữa vai trò của con cái trong cuộc đời cha mẹ, vai trò của cha mẹ trong cuộc đời của con cái với các đặc tính của các phạm trù khác nhau trong các miền ý niệm trên đã lần hình thành động lực thúc đẩy, làm xuất hiện các ADYN cụ thể về cha mẹ và con cái trong tiếng Việt. Đa số các ADYN này mang đặc trưng tư duy của người Việt, chẳng hạn như CHA MẸ LÀ BẠN ĐỒNG HÀNH, CHA MẸ LÀ ĐIỂM TỰA, NGƯỜI CHA LÀ NÓC NHÀ, CON CÁI LÀ VẬT TRỜI CHO, CON CÁI LÀ CỦA CẢI, CON CÁI LÀ NÚM RUỘT/ KHÚC RUỘT (CỦA NGƯỜI MẸ), CON CÁI LÀ SỢI DÂY RÀNG BUỘC... Chúng cho thấy một số truyền thống văn hóa gia đình của người Việt, cụ thể là về vai trò tương hỗ hai chiều giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ người Việt là người luôn chăm lo, bảo vệ và hỗ trợ con cái suốt cuộc đời; con cái cũng là người chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ lúc cha mẹ về già; con cái vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của cha mẹ và là thứ quý giá nhất trong cuộc đời của họ, bởi thế chúng có vai trò duy trì hôn nhân, làm động lực sống của cha mẹ.
Tóm lại, ADYN về hôn nhân, gia đình trong tiếng Việt (trên cứ liệu văn xuôi hiện đại) vừa mang tính phổ quát, vừa mang tính dị biệt. Hay nói cách khác, quan niệm về hôn nhân, gia đình, cha mẹ, vợ chồng và con cái của người Việt vừa có sự tương đồng, vừa có sự khác biệt so với các dân tộc khác trên thế giới. Sự tương đồng bắt nguồn từ những kinh nghiệm mang tính nghiệm thân dựa trên đặc trưng chung của cơ thể con người cùng với văn hóa chung của nhân loại, sự khác biệt là do văn hóa bản địa cùng với những kinh nghiệm mang nghiệm thân do môi trường sống cụ thể của người Việt tạo ra.
ADYN về hôn nhân, gia đình là một đề tài tương đối rộng, ngoài những ADYN mà chúng tui trình bày, còn rất nhiều vấn đề cần được khảo sát, nghiên cứu.

Link Download bản DOC
Do Drive thay đổi chính sách, nên một số link cũ yêu cầu duyệt download. các bạn chỉ cần làm theo hướng dẫn.
Password giải nén nếu cần: ket-noi.com | Bấm trực tiếp vào Link để tải:

 

Các chủ đề có liên quan khác

Top