Số người bị thừa cân hay thậm chí là bị béo phì tại Việt Nam trong những năm gần đây có dấu hiệu tăng lên, kéo theo phong trào uống thuốc giảm cân, giảm béo nở rộ đến nỗi giới chuyên môn phải lên tiếng cảnh báo.
PhoFoodFat200.jpg
Theo số liệu từ Bộ Y Tế Việt Nam, khoảng 16% những người trong độ tuổi từ 25 tới 64 tại Việt Nam bị dư cân hay bị béo phì. Photo: AFP
Theo số liệu từ Bộ Y Tế Việt Nam, khoảng 16% những người trong độ tuổi từ 25 tới 64 tại Việt Nam bị dư cân hay bị béo phì.
Nguyên nhân được lý giải cho tình trạng gia tăng chứng bệnh thời đại công nghiệp này là do sự phát triển kinh tế đã góp phần làm thay đổi thói quen ẩm thực của người dân. Theo giới chuyên môn, hiện nay thực đơn hàng ngày của mỗi hộ gia đình Việt Nam chứa nhiều chất đạm, chất béo, và các sản phẩm từ bơ sữa nhiều hơn bao giờ hết. Thống kê của Bộ Y Tế cũng cho thấy bình quân một người Việt Nam bây giờ tiêu thụ khoảng 80 gram thịt và 350 gram gạo mỗi ngày.
Thêm vào đó, mỗi hộ gia đình giờ chỉ có từ 1 đến 2 con theo chính sách kế hoạch hoá gia đình của nhà nước, cũng là một yếu tố giải thích cho tình trạng tăng trọng lượng của dân số. Bởi lẽ, trong những gia đình ít con cái thì những đứa trẻ được bố mẹ nuôi dưỡng kỹ càng hơn, nhất là về lĩnh vực ăn uống.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân rất đáng kể khác của bệnh béo phì là do không có chế độ ăn uống và vận động cơ thể một cách hài hoà, khoa học, khiến năng lượng thu vào quá nhiều mà không được tiêu hao đi, như phát biểu của Bác sĩ Bùi Xuân Dương, Chủ Tịch Hội Y Sĩ Miền Nam California, Hoa Kỳ:
Bác sĩ Bùi Xuân Dương : Lý do của béo phì là vì ăn nhiều hơn lượng thực phẩm mà cơ thể mình cần, ăn không đúng cách, ăn nhiều mà ít hoạt động.
Ảnh hưởng đến sức khỏe
Bệnh béo phì có thể gây ảnh hưởng ra sao đối với sức khoẻ? Bác sĩ Dương tiếp lời:
Bác sĩ Bùi Xuân Dương : Bệnh béo phì có thể làm cho 4-5 bệnh đi chung với nhau: cao máu, cao mỡ, cao tension, cao cholesterol, đưa tới những bệnh tật khác như là đau tim, tai biến mạch máu não, nếu tất cả mạch máu bị cứng lại thì hư cả thận. Thành ra béo phì rất là nguy hiểm.
Trong số những bệnh nhân bị dư cân tại Việt Nam, tỷ lệ càng tăng dần đối với những người trên 35 tuổi, đặc biệt là phụ nữ chiếm khá đông. Cùng với sự gia tăng ấy, thị trường thuốc làm ốm, giảm cân, tan mỡ cũng sôi động hẳn lên, với bao nhiêu lời quảng cáo êm tai, đầy hứa hẹn, thu hút đông đảo nữ giới, những người ao ước nhanh chóng rũ bỏ lớp mỡ thừa thãi, không phải để bảo vệ sức khoẻ mà chủ yếu là vì mục đích thẩm mỹ. Các loại dược phẩm này được bày bán công khai tại các tiệm thuốc tây, với vô số nhãn hiệu và nguồn gốc xuất xứ. Chủng loại cũng đa dạng, từ tân dược như thuốc tây dạng viên, đến thảo mộc thiên nhiên như trà làm tan mỡ, v.v.
Một chủ tiệm thuốc tây lớn ở đường Hai Bà Trưng (TPHCM) cho biết:
"Nó có thảo dược, rồi đủ thứ hết. Rồi còn có Xenical, Ovigat, Redutill, nhiều loại nhưng Redutill là mạnh nhứt, có hiệu quả lắm. Một hộp Redutill có thể xuống 5 ký đó. Một hộp là 28 viên, ngày uống có 1 viên thôi."
Điều đáng nói là hầu hết những loại "thuốc làm ốm" này được bán cho người tiêu thụ rất dễ dàng, không cần toa bác sĩ, vì theo lời người bán, chúng tương đối an toàn, không có tác dụng phụ, như lời chào hàng của một chủ tiệm thuốc tây đông khách trên đường Lê Văn Sỹ, Quận 3:
"Nhiều loại thuốc nhưng có Xenical là thuốc dùng tương đối an toàn. Xenical không có tác dụng phụ thì không cần toa bác sĩ."
Nhưng theo Bác sĩ Bùi Xuân Dương thì:
Bác sĩ Bùi Xuân Dương : Thực ra không có thuốc nào là không có phản ứng phụ. Họ mà nói cái thuốc này là vô hại thì câu đó rất là có hại cho người tiêu thụ.
Tuy nhiên, giới tiêu dùng tại Việt Nam hầu như vẫn còn thờ ơ với những lời thông báo như thế này.
Một khách hàng từng sử dụng thử một vài loại thuốc giảm cân và trà làm ốm nhưng chưa thấy tác công cụ thể, chia sẻ:
"Nhiều người người ta cũng thông báo là không nên dùng tại vì nó cũng không có ép-phê gì lắm, nó có hại cho sức khoẻ. Nhưng mà Việt Nam mình đâu có cần biết, chỉ thấy quảng cáo nói tốt thì người ta uống thôi. Bạn bè quảng cáo thấy người ta uống xuống cân thì mình cũng uống thử vậy đó."
Các loại thuốc giảm cân, giảm béo lợi-hại ra sao, sử dụng lâu ngày có dẫn đến những tác dụng phụ nào không? Bác sĩ Dương cho biết:
Bác sĩ Bùi Xuân Dương : Các thứ thuốc bán trên thị trường, có hai loại thuốc chính. Thứ thuốc có bỏ chất cà-phê trong đó thì chất cafein nó làm cho người ta không muốn ăn nữa. Còn thứ thuốc thứ hai nó làm thức ăn không hấp thụ được nữa thành ra uống vô nhiều khi bụng bị sình lên, bị đi tiêu chảy.
Còn người Việt Nam hay đi mua những thứ trà diet thì đó chỉ là những thuốc xổ. Họ uống những loại trà diet, họ bị đi tiêu chảy, tức là khi mình ăn và thức ăn chưa kịp ngấm thì đã bị loại ra rồi như vậy sẽ xuống cân.
Nếu mà làm một ngày hai ngày thì không sao, nhưng nếu cứ uống ngày này qua tháng nọ thì nhiều khi đường ruột sẽ bị hư đi, rồi mình cứ phải uống thuốc đó cho đi cầu thì mai mốt mình bị lờn thuốc làm cho không đi cầu được nữa và nó làm cho cơ thể mình bị lệ thuộc vào thuốc. Một khi mình nghỉ uống thuốc đó thì mình sẽ bị tăng ký lại.
Vậy làm thế nào để giảm ký một cách hiệu quả và an toàn nhất? Chúng ta hãy nghe lời lời khuyên từ giới chuyên môn:
Phương pháp giúp tránh tình trạng béo phì
Bác sĩ Bùi Xuân Dương : Phương pháp giúp tránh tình trạng béo phì là ăn bớt đi, nhưng thật ra rất là khó làm. Thường thường tui khuyên bệnh nhân là nửa tiếng đồng hồ trước khi ăn thì tập thể dục cho thật mệt và khi mệt quá rồi thì uống tí sữa thì bụng sẽ đầy lên làm mình không muốn ăn uống nữa, như vậy có thể sẽ giảm ký. hay là trong bữa ăn thì mình ăn vừa thôi chứ không ăn thật no.
Nếu làm như vậy mà không hết béo phì thì phải tìm lý do tại sao mình bị béo phì, tại vì có một số bệnh tật có thể làm cho mình bị béo phì. Khi bệnh nhân mập quá cũng nên đến phòng mạch bác sĩ khám để coi cholesterol có cao hay không và chữa trị cái đó trước; điều này có thể làm giảm bệnh béo phì luôn.
Chúng tui khuyên là những thứ thuốc quý vị mua ngoài thị trường, không cần toa bác sĩ, trước khi uống nên tham khảo ý kiến bác sĩ của mình.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 2 triệu bệnh nhân tiểu đường, một trong những hệ quả của bệnh dư cân. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là không phải bệnh nhân nào cũng ý thức được rằng nguyên nhân chính của căn bệnh khó chữa này xuất phát từ trong bữa ăn hàng ngày của họ.
Dù bệnh béo phì chưa phải là một vấn đề đáng ngại tại Việt Nam nhưng các chuyên gia dự báo rằng trong thời buổi "hiện đại hoá-công nghiệp hoá" ngày nay, số người bị bệnh thừa cân sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng, nếu như ngay từ bây giờ nhà nứơc không có các biện pháp hữu hiệu nâng cao nhận thức của người dân về căn bệnh nhiều rủi ro này.