Khi mắc bệnh, việc đầu tiên phải làm là bù nước và chất điện giải bằng cách pha 1 gói oresol trong 1 lít nước chín (lưu ý phải pha đúng công thức thuốc mới có tác dụng) và cho người bệnh uống liên tục. Bên cạnh gói oresol 20g truyền thống, hiện trên thị trường có loại oresol cam dùng để pha 200ml nước và có mùi vị cam thuận tiện dùng cho trẻ em. Nếu không có oresol có thể thay thế bằng 1 viên hydrit với 200ml nước.
Thuốc kháng sinh cũng cần thiết trong điều trị tiêu chảy nhưng chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ, nghĩa là sau khi đã có kết quả xét nghiệm xác định nguyên nhân gây tiêu chảy. Các kháng sinh đặc trị sẽ được các bạn sĩ chỉ định tùy theo vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh. Ví dụ như: vi khuẩn gây bệnh tả (Vibrio cholerae) sẽ phải dùng kháng sinh nhóm fluoroquinolon như: ciprofloxacin, norfloxacin, ofloxacin, azithromycin, cloramphenicol, erythromycin hay doxycyclin; nếu là do lỵ trực trùng (Shigella) có thể dùng co-trimoxazol, ciprofloxacin, cefoperazon, lỵ amip có thể dùng emetin hay các thuốc nhóm imidazole như metronidazole, tinidazole, ornidazole.
Trong mọi trường hợp, việc tự sử dụng thuốc cầm tiêu chảy là không được khuyến khích. Việc hạn chế số lượt đi ngoài và lượng phân trong các ca tiêu chảy cấp đều có khả năng làm tăng nguy cơ nhiễm độc cho cơ thể, đó là chưa kể đến hậu quả bị táo bón thời kỳ hậu tiêu chảy. Việc đầu tiên khi có người thân bị bệnh là đưa đến các cơ sở y tế để được bù nước, chất điện giải và làm xét nghiệm để có chỉ định hợp lý, không nên để ở nhà và tự ý điều trị.