thuyan261190

New Member
Tiếng hát giao duyên, tỏ tình của trai gái làng quê xưa được thể hiện trong ca dao, dân ca rất hay, rất đậm đà: “Gặp đây Mận mới hỏi Đào,.” “Hôm qua em đi hái dâu..”, “Tát nước đầu đình…”, và “Bài ca chàng thợ mộc”.

Với 20 câu lục bát đi liền một mạch, qua ánh mắt và nụ cười, chàng thợ mộc tài hoa và đa tình mượn chuyện chạm trổ của mình để tỏ tình với cô thôn nữ.

Bốn câu đầm ấm áp với bao tình quê vơi đầy. Chàng trai đã xưng danh, xưng nghề, xưng quê hương bản quán. Cũng như nhiều thiếu nữ khác đã bẽn lẽn nói về mình: “Em là cô gái đồng trinh.. ”, “Em là con gái kẻ Mơ..”, chàng trai thật đàng hoàng tự tin nói với cô thôn nữ:

Anh là thợ mộc Thanh Hoa 

Làm cầu, làm quán, làm nhà khéo thay!

Lựa cột anh dựng đòn tay,

Bào trơn, đóng bén nó ngay một bề.

Tục ngữ có câu: “Thợ mộc xứ Thanh ở quanh Kinh kì”, hoặc; “Thợ mộc xứ Thanh ở quanh Thuận Quảng”. Thợ mộc dù tài giỏi đến đâu cũng chỉ được gọi là phó cả. Chỉ có thợ mộc làm cung điện vua chúa mới được gọi là thợ cả. Xây cung điện thời Lê – Trịnh, thời Nguyễn sau này, phần lớn là thợ mộc Thanh Hoa. Câu đầu của bài ca dao này có dị bản ghi là “Anh làm thợ mộc Thanh Hoa”, vì quen miệng theo đà ba chữ “làm” trong câu ca thứ hai nên mới nhầm lẫn như vậy! Một chữ “là” biểu lộ biết bao tự hào về quê hương bản quán, về nghề nghiệp truyền thông của mình. Không phải là một tay “đục đẽo” tầm thường, mà anh chính là thợ mộc Thanh Hoa từng xây dựng cung điện, nổi danh tài ba. Ba câu tiếp theo, anh tự khẳng định mình là một người làm ăn giỏi, một thợ mộc giỏi toàn diện, nổi đanh tài ba, biết “làm cầu, làm quán, làm nhà”, biết “lựa cột dựng đòn tay”, biết “bào trơn đóng bén”. Hai chữ “khéo thay” là tự khen, tự khoe tài là để tỏ tình với cô gái mà anh đang yêu, nên rất dễ thương và được chúng ta đồng tình. Vả lại, thói đời xưa nay vẫn thế: “Gái tham tài, trai tham sắc”. Câu 3, 4 chỉ theo đà mà nói, chứ có tài cán gì ở cái việc “bào trơn, đóng bén…” mà khoe?



Bài ca chàng thợ mộc chính là tiếng hát giao duyên của chàng trai thợ mộc người Thanh Hóa đáng yêu

Mười câu ca dao tiếp theo, bằng biện pháp liệt kê, anh thợ mộc Thanh Hoa nói với cô thiếu nữ về nghệ thuật chạm trổ về những con giống. Mỗi con vật được chạm trổ đều có đôi, có đàn; con nào cũng đều mang một hình thù, một dáng vẻ khác nhau, trong trạng thái động. Nghệ thuật chạm trồ đạt đến trình độ cực kì điêu luyện, sáng tạo, đẹp mắt và hấp dẫn.

Đình đền, cung điện… mới .chạm rồng; vật linh thiêng trong nhóm tứ linh: long, lân, quy, phượng. “Long vân giao hội”… là những bức thêu, bức chạm đã được nghệ thuật cổ phương Đông quy phạm, làm biểu tượng cho cái đẹp, cho uy quyền của đế vương. Anh thợ mộc Thanh Hoa cũng chạm rồng, nhưng chỉ là “trên thì rồng ấp, dưới thì rồng leo”. Con rồng dưới bàn tay chạm trổ của anh đã được cách điệu đậm đà màu sắc nghệ thuật dán gian, và trong một chừng mực nào đó, nó gợi ra một khát vọng sống trong sinh sôi nảy nở, trong hạnh phúc tròn đầy, tươi vui.

Bốn cửa anh chạm bốn dê,

Bốn con dê đực chầu về tổ tông.

Dân gian quan niệm con quạ và con dê là hai loài vật tình nghĩa nhất. Đã từng có lời ca truyền tụng:

Quạ còn móm mỗi lại,

Dê còn giữ lề quỳ,

Khuyên ai đạo làm con,

Đọc sách nên có hiểu.

Bức chạm “bốn con dê đực chầu về tổ tông” biểu lộ một cách kín đáo về một tấm lòng ân nghĩa thuỷ chung, thoáng hiện chất hóm hỉnh, tinh nghịch, phong tình. Sau lời giới thiệu chạm bốn con dê đực là một tiếng cười khẽ đưa duyên…

Anh khoe tài, không chỉ biết chạm dê, chạm rồng mà còn biết chạm những con vật gần gũi với đời sống dân dã, gắn bó với mọi người nơi đồng nội, trong vườn tược của mỗi gia đình chốn quê:

Bốn cửa anh chạm bốn hoa,

Trên là hoa sói, dưới là hoa sen.

Bốn cửa anh chạm bốn đèn,

Một đèn dệt cửi, một đèn quay tơ.

Mèo bắt chuột, gà gáy… con vật nào cũng đáng yêu, có ích, sống động, biểu tượng cho đức tính chăm chỉ, cần mần, hay lam hay làm. Bức chạm lươn thật kì lạ! Con lươn có gì mà đáng chạm? Là người đồng hương của Trạng Quỳnh nên anh mới chạm lươn chăng? “Thân lươn bao quản lấm đầu” ấy đã được chàng thợ mộc Thanh Hoa chạm trổ rất bay bướm và có thần:

Bốn cửa anh chạm bốn lươn,

Con thì thắt khúc, con trườn bò ra.

“Thắt khúc” và “trườn bò ra” là hai nét chạm cực khéo, làm cho con vật đơn sơ, bình dị được nghệ thuật “thổi hồn vào”. Có thể nói, năm bức chạm dê, chạm rồng, chạm mèo, chạm gà, chạm lươn, bức nào cũng sông động, khéo léo, tài ba. Qua những bức chạm ấy, anh thợ mộc Thanh Hoa kín đáo thổ lộ với người bạn tình một nỗi ước mong về cuộc đời có âm dương, có đôi lứa, có no đủ sung túc, có hòa hợp yên vui, được sống hạnh phúc trong một mái ấm gia đình do tài năng anh tự vui đắp nên.

Nói xa rồi anh nói gần, anh đã làm cho thiếu nữ “lặng nghe lời nói như ru…”, Chàng thợ mộc giới thiệu bức chạm hoa:

Bốn cửa anh chạm bốn hoa,

Trên là hoa sói, dưới là hoa sen.

Có hoa thì hương thơm ngào ngạt như hoa sói. Có hoa thì rực rỡ: “Nhị vàng, bông trắng, lá xanh – Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” như hoa sen. Bức chạm này cũng gởi gắm bao nét tài hoa, thơ mộng, bởi lẽ: “Lòng đời chắc nặng lắm – Hoa sói hoài không thôi” (Hoa về – Huy Cận).

Sau bức chạm hoa là bức chạm đèn. Mỗi cây đèn soi tỏ một nét tâm tình dưới tổ ấm gia đình hạnh phúc. “Một đèn dệt cửi, một đèn quay tơ” hướng về cô nàng khéo tay hay làm. Cây đèn thứ ba: “Một đèn đọc sách ngâm thơ” chiếu sáng một tâm hồn thanh cao nho nhã. Cây đèn thứ tư là “cây đèn thần”, cây đèn ước hẹn chờ mong, “đèn thương nhớ ai – mà đèn không tắt”… Lời tỏ tình thật hồn nhiên, chân tình, duyên dáng:

Một đèn anh dể đợi chờ nàng đây.

Đó là một tiếng nói yêu thương, nồng nàn, dịu ngọt, một tiếng nói có mùi thơm của hương hoa, có ánh sáng của lửa đèn và chứa chan hi vọng về ngày mai hạnh phúc.

Tóm lại, bài ca dao Bài ca chàng thợ mộc là một trong những bài ca dao tỏ tình hay nhất, ý vị nhất. Tất cả 20 câu lục bát là lời độc thoại của chàng thợ mộc về quê quán, nghiệp nghề, về tài hoa.. Anh thợ mộc Thanh Hoa khoe tài để tỏ tình. Con người tài hoa, đa tình ấy mới đáng yêu làm sao!

Cấu trúc vần thơ, câu thơ cân xứng kết hợp với các biện pháp điệp ngữ, liệt kê làm cho lời tỏ tình trở nên duyên dáng, hồn nhiên, dung dị như tấm lòng hồn hậu, chan chứa yêu thương và khát khao hạnh phúc lứa đôi của chàng thợ mộc Thanh Hoa. Câu ca nào cũng ngọt ngào đằm thắm để thương để nhớ trong lòng người bao lâu nay một vẻ đẹp tình tứ, duyên dáng, cân xứng, hài hòa. Cuộc sống vốn thế, tình yêu vốn thế:

Trên thì rồng ấp // dưới thì rồng leo 

Con thì bắt chuột // con leo xà nhà 

Đêm thì nó gáy / / ngày ra ăn vườn 

Con thì thất khúc / / con trườn bò ra 

Trên là hoa sói // dưới là hoa sen 

Một đèn dệt cửi / / một đèn quay tơ.

Bài ca chàng thợ mộc còn là một bài hát ngành nghề đậm đà ý vị mang tình quê hương. Con người có bàn tay vàng ấy đã đem tài nghệ, tài hoa làm đẹp cuộc đời, xây đắp hạnh phúc cuộc đời trong tình yêu và hi vọng:

Một đèn anh để đợi chờ nàng đây.

Có thực tài và dám đàng hoàng đem tài hoa ra để tỏ tình, để giao duyên như chàng thợ mộc Thanh Hoa mới thật đáng yêu.
 

Các chủ đề có liên quan khác

Top