Gerritt

New Member
Đề bài: Trong bài Huấn thị nghiên cứu chính trị của trí thức (tháng 7 năm 1956) Bác Hồ đã dạy: Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Em hãy bình luận câu nói đó.

BÀI LÀM



Lê-nin đã từng dạy về nhiệm vụ của người cách mạng phải không ngừng, không nghỉ, không giới hạn: "Phải cố hết sức tự đặt cho mình nhiệm vụ sau đây: một là chúng ta phải học tập; hai là chúng ta phải học tập nữa; ba là chúng ta phải học tập mãi". Câu nói nổi tiếng này về sau được nêu lên một cách ngắn gọn như một phương châm sắc bén, một khẩu hiệu đầy sức thuyết phục: "Học, học nữa, học mãi". Cũng nói về nhiệm vụ đó, Bác Hồ của chúng ta sau này đã chỉ bảo mọi người trong một lời dạy nhẹ nhàng, ân cần như một lời khuyên bảo động viên:



Học phải là một việc, phải tiếp tục suốt đời.



Lời dạy giản dị, mộc mạc nhưng chân tình, đã được Bác nói trong lớp nghiên cứu chính trị của một số trí thức ở Hà Nội sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc (tháng 7 năm 1956). Câu nói thật đơn giản nhưng thật thấm thía. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu lời giải đáp.



Bác Hồ nêu lên nhiệm vụ cho mọi người kể cả những người trí thức - đối tượng trí thức của bài huấn thị lúc đó - là phải "học hỏi". Vậy "học hỏi" là gì? Học hỏi là một cách nói của cha ông ta trước kia để chỉ một khái niệm gần giống như hiện nay chúng ta thường nói là "học tập" hay "học hành". Có điều là dùng từ đó, Bác muốn nhấn mạnh đến một thái độ cần lưu ý. Trong việc học, đó là thái độ thực sự cầu thị, thái độ ham muốn tìm hiểu. Như vậy là "học" phải gắn liền với "hỏi". Có hỏi thì mới giải đáp được những gì mà mỗi người chúng ta đã học nhưng chưa biết đầy đủ. "Hỏi" sẽ làm cho "học" hoàn chỉnh hơn, trọn vẹn hơn. Đối với các trí thức lúc đó, sau hơn một năm được giải phóng và được sống dưới chế độ thì phải học hỏi những gì? Đó là phải học tập chủ nghĩa Mác - lênin để có phương pháp tư tưởng đúng; học tập đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước để có phương hướng đúng đắn trong công tác cụ thể của mình, học tập để nâng cao hơn nữa trình độ văn hóa khoa học, kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, mặc dù đã là trí thức thì nhiệm vụ học hỏi vẫn rất quan trọng và rất cần thiết. Còn đối với chúng ta đang là học sinh, nhiệm vụ chủ yếu của chúng ta hiện nay là học tập thì không cần nói, ai cũng biết là việc học hỏi đối với chúng ta là quan trọng và cần thiết như thế nào rồi!



Nhưng tại sao học hỏi là một việc phải "tiếp tục suốt đời"?



Việc học hỏi là một việc phải được tiến hành không ngừng, không nghỉ, không giới hạn, liên tục, mãi mãi trong suốt cuộc đời của mỗi con người bởi vì sự hiểu biết của mỗi người, dù tài giỏi đến đâu, vẫn có bị hạn chế so với kiến thức sách vở mênh mông, vô hạn của nhân loại. Và hơn nữa thực tiễn đời sống thì muôn hình muôn vẻ, thiên nhiên, vũ trụ thì vô tận, đời người lại hữu hạn, làm sao có thể hiểu biết, có thể khám phá được hết? Khoa học ngày nay cũng đã phát triển tới một trình độ rất cao, một phạm vi rất rộng với một tốc độ rất lớn. Nếu chúng ta dừng lại không "tiếp tục" học hỏi thì vốn hiểu biết của mỗi người sẽ nhanh chóng trở thành thấp kém lạc hậu so với trình độ của thời đại cách mạng khoa học và kĩ thuật. Hơn nữa, sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đang phát triển ngày càng cao, đặt ra nhiều vấn đề mới và khó khăn. Nó đòi hỏi mỗi người phải luôn luôn đổi mới, do đó mà mỗi người chúng ta phải có những hiểu biết và năng lực mới phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, dân tộc. Bác Hồ nhấn mạnh rằng chúng ta phải học hỏi "suốt đời" nghĩa là không được hạn định việc học hỏi ở một thời gian nhất định của một đời người. việc học hỏi phải được tiếp tục thường xuyên cho đến khi con người nhắm mắt xuôi tay.



Dân tộc ta và nhân loại đã có biết bao tấm gương về việc suốt đời học hỏi. Những tấm gương của Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Hải Thượng Lãn Ông...là những tấm gương sáng cống hiến cả cuộc đời dùi mài kinh sử, tìm hiểu cuộc sống nhân dân, nghiên cứu thiên nhiên và con người, xem xét lịch sử xã hội. Cả cuộc đời nhà bác học Pasteur là cả một cuộc đòi tận tụy nghiên cứu khoa học. Tsionkovsky, ông tổ của khoa học du hành vũ trụ đã phải sống một cuộc đời rất chật vật, có khi chỉ ăn bánh mì đen và nước lã, nhưng vẫn nghiên cứu toán cao cấp, làm các thí nghiệm vật lí, hóa học...Chính Bác Hồ đã nêu gương sáng về việc suốt đời học hỏi. Bác đã khắc phục mọi khó khăn để học hỏi tất cả những gì cần thiết cho sự nghiệp cách mạng, từ lí luận trong sách đến kinh nghiệm ngoài đời. Những ngày làm công nhân trên tàu lênh đênh mặt biển, đêm đến Bác vãn lên boong tàu lấy ánh sáng trăng hắt vào đáy xoong, lòng chảo để học, những ngày xúc than vất vả ở thành phố Luân Đôn, Bác vẫn dành dụm tiền để theo học lớp tiếng Anh, đến những ngày cuối cùng của đời mình, Bác vẫn chăm đọc sách báo, theo dõi tin tức.



Đối với chúng ta là những học sinh đang rèn luyện phấn đấu để trở thành người lao động kiểu mới, người chủ tương lai của đất nước thì việc học hỏi hiện nay và mãi mãi về sau tất nhiên là một nhu cầu, một đòi hỏi không thể thiếu được trong cuộc sống.



Tuy chỉ nhằm nhắc nhở và động viên các trí thức sau ngày Thủ đô được giải phóng nhưng Bác Hồ đã nêu lên một chân lí vĩnh cửu, chân lí đó được nêu lên một cách nhẹ nhàng, giản dị biết bao! Chân lí đó mọi người đều hiểu được và phải được mọi người làm theo!



Thật vậy học hỏi là nhiệm vụ suốt đời của mỗi chúng ta, muốn trở thành người nông dân tốt, người chủ xứng đáng của nước nhà, chúng ta phải thường xuyên học tập để không ngừng nâng cao trình độ, chính trị, văn hóa, khoa học kĩ thuật, chung ta học ở đâu? Bác cũng dạy chúng ta: "Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân..."



Chúng ta là học sinh, kiến thức mà chúng ta tích lũy được trước hết là những kiến thức cơ bản của nhà trường. Đó là những gì mà các thầy cô dạy chúng ta hàng ngày. Đúng như câu tục ngữ xưa đã nói: "Không thầy đố mày làm nên". Đó còn là những kiến thức phong phú mà chúng ta tích lũy được từ sách vở, như Lê-nin từng nói: "Không có sách vở thì không có tri thức". Đó cũng là những điều mà ta thu lượm được trong việc học hỏi lẫn nhau, vốn tri thức này cũng rất phong phú. "Học thầy không tày học bạn" là như vậy. Cái vốn kiến thức mênh mông vô tận mà chúng ta đã tích lũy được, chính là những tri thức chúng ta học hỏi được từ mọi người, từ thực tiễn cuộc sống. Câu tục ngữ: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn" chính là được đúc kết từ đó. Nhân dân và cuộc sống của nhân dân chính là người thầy vĩ đại nhất để ta học hỏi và cũng là nơi ta kiểm nghiệm và nâng cao hơn nữa cốn hiểu biết của mình.



Bác Hồ bảo chúng ta phải học hỏi suốt đời. Như vậy là Bác Hồ đòi hỏi chúng ta phải có một tinh thần phấn đấu kiên trì bền bỉ trong học tập. Mà muốn có được tinh thần phấn đấu đó, trước hết chúng ta phải xác định mục đích học tập của mình để làm cho đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, chứ không phải để riêng mình "vinh thân". Cũng cần xác định cho mình một thái độ học tập đúng. Phải khiêm tốn và chịu khó học hỏi, học tập cũng là một mặt trận. Từ đó phải vận dụng phương pháp học tập đúng. Phải tự mình suy nghĩ, phân tích, chứng minh, kiểm tra những điều đã học hỏi được, không chấp nhận một cách thụ động, nhồi nhét và nhất là phải biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống. "Học với hành phải đi đôi" Bác cũng đã dạy như vậy.



Lời dạy của Bác về nhiệm vụ phải tiếp tục học hỏi suốt đời, có ý nghĩa và tác dụng to lớn đối với tất cả mọi người và đối với riêng bản thân em. Bác nói đây là để huấn thị cho các nhà trí thức. Đối với các trí thức là những người có trình độ học vấn cao mà Bác vẫn yêu cầu phải tiếp tục học hỏi và học hỏi suốt đời. Vậy đối với chúng ta là những học sinh đang còn ở ngưỡng cửa khoa học, thì việc tiếp tục học suốt đời là điều tất nhiên và quan trọng như thế nào rồi. Học sinh chúng ta là những người còn đang ở dưới chân của thành trì khoa học cao vời vợi, cái đỉnh mà chúng ta sẽ chiếm lĩnh đang còn ở cao chót vót, ta tít tắp. Nếu không cố gắng tiếp tục học hỏi và tiếp tục học hỏi suốt đời mình thì làm sao mà chúng ta theo kịp thời đại. Những người đó nghĩ sao về lời dạy trên đây của Bác Hồ?



Con đường để chúng ta tiếp tục học hỏi rộng thênh thang nhưng không phải không có nhiều chông gai. Ai chùn bước sẽ thất bại và do đó sẽ không đủ năng lực cống hiến nhiều nhất cho Tổ quốc, cho nhân dân. Trước mắt chúng ta chỉ có một con đường: dù chúng ta được tiếp tục học lên bậc phổ thông trung học, đại học và học mãi mãi, dù chúng ta sẽ học nghề, đi thanh niên xung phong, nhập ngũ vào bộ đội...thì vẫn phải tiếp tục học suốt đời. Ai bảo rằng người công nhân, người nông dân ngày nay không phải học hỏi?



Lời Bác chỉ bảo cho các trí thức và là để dạy tất cả mọi người chúng ta là thế.



Nhiệm vụ cách mạng trọng đại của đất nước chúng ta lúc này là phải nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và phồn vinh. Muốn vậy phải xây dựng cơ sở vật chất và kĩ thuật hiện đại, phải có một đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kĩ thuật cao để tăng năng suất lao động. Nếu không tiếp tục học hỏi thì chúng ta sẽ nhanh chóng bị thụt lùi lại phía sau, nhanh chóng bị đào thải. Do đó, đối với chúng ta theo lời dạy của Bác, nhiệm vụ học hỏi và tiếp tục học hỏi suốt đời càng trở nên vô cùng cấp thiết. Đó là nhiệm vụ của mỗi người công dân, đó là nhiệm vụ trọng yếu hàng đầu của mỗi người học sinh chúng ta.



(Đặng Thạch Quân)
 

daigai

Well-Known Member
Hồ Chủ Tịch, vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người là ánh đuốc sáng soi đường trong đêm tối, là niềm tin vững trãi chốn lao tù, là khát vọng, là lương tri của loài người tiến bộ, người còn là một tấm gương tự học và học tập suốt đời. Người đã để lại nhiều câu nói nổi tiếng có giá trị như những lời răn dạy cho con cháu đời sau. Có lẽ không ai là không biết câu: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”.
Vậy Học hỏi là gì? Học hỏi là tiếp thu tri thức của nhân loại từ sách vở, từ cuộc sống, từ những người xung quanh ta. Học hỏi là một quá trình lâu dài chứ không thể trong một thời gian ngắn bởi vậy Bác Hồ nói đó là việc phải tiếp tục suốt đời, không ngừng nghỉ, không mệt mỏi. Cuộc sống ngày càng phát triển không ngừng và tri thức nhân loại thì vô tận và mỗi giây mỗi phút trôi qua là bao tri thức mới được ra đời., nếu không chịu học hỏi nâng cao tầm hiểu biết của mình thì sớm muộn gì cũng sẽ bị tụt hậu và bị đào thải khỏi cuộc sống hiện đại. Học phải đi đôi với hỏi để hiểu sâu sắc kiến thức, biến tri thức thành của mình chứ không phải là sự tiếp nhận thụ động. Bác Hồ là một tấm gương sáng ngời của một người học hỏi không ngừng. Bác học ngoại ngữ, học viết báo, nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, đặc biệt là văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Người biết và sử dụng thông thạo trên mười ngoại ngữ nhờ tự học chứ không qua một trường đào tạo chính quy nào. Người học ở sách báo, đồng nghiệp, bạn bè, nhân dân. Người học từ thực tiễn sinh động ở các nước đế quốc, nước thuộc địa, ở phong trào cách mạng trên thế giới. Như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:
…Đời bồi tàu lên đênh theo sóng bể
Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mĩ, châu Phi
Những đất tự do những trời nô lệ
Những con đường cách mạng đang tìm đi…
Phát biểu với sinh viên trường đại học Băng Đung trong chuyến thăm Indonesia năm 1959, Người nói đại ý: “Khi còn trẻ, tui không có dịp đến trường học. Cuộc sống, du lịch và làm việc là trường đại học của tôi. Trường học ấy đã dạy cho tui khoa học xã hội, khoa học quân sự, lịch sử và chính trị. Nó dạy cho tui yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ và hòa bình; căm ghét áp bức, ích kỷ...” Sau này, khi đã lớn tuổi, thành người đứng đầu một nhà nước độc lập, dù thời bình hay thời chiến, Người vẫn tích cực học, học trong thực tế, học suốt đời. Nói chuyện với đảng viên, Bác phê phán đảng viên mới 40 tuổi mà đã đánh giá là mình già nên ít chịu học tập và nói rõ là mình 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm rồi kêu gọi "chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học". Người nói với cán bộ đã kết thúc một khoá huấn luyện là "anh em sẽ còn phải học nữa, học mãi khi ra làm việc". Người còn nhắc nhở cán bộ cơ quan "mỗi ngày ít nhất phải học tập một tiếng đồng hồ" và xem việc cán bộ đảng viên vì bận việc hành chính hay quân sự mà xao nhãng chuyện học tập là "một khuyết điểm rất to". Người còn dặn phải "biết ham học". Rõ ràng là từ mức giác ngộ về nghĩa vụ - biết tại sao cần học - tiến đến mức "ham học" là đạt đến mức giác ngộ cao, là một sự thay đổi về chất bởi khi ta ham học thì tự việc học đã đem lại sự thoả mãn, thích thú trong người, ta sẽ tìm đến việc học một cách tự giác, hăm hở và khi đó việc học chắc chắn sẽ có hiệu quả cao.Người nhắc nhở "học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời", những điều được học, được nghiên cứu tại trường chỉ có thể ví như một "hạt nhân bé nhỏ" mà người học "sẽ tiếp tục săn sóc, vun xới, làm cho mọc thành cây và dần dần nở hoa, kết quả". Người khẳng định là trong cách học thì "lấy tự học làm cốt". Có thể thấy Hồ Chí Minh đã rất coi trọng trách nhiệm tự học của chính người học, tự học thêm để làm chủ được tri thức, để biến hạt hiểu biết cơ bản được gieo xuống ban đầu trong đầu óc mình nảy nở thành cây tri thức vững chãi. Người còn quan niệm việc mở mang giáo dục không chỉ là lập trường cho người lớn và trẻ em, lập ấu trĩ viên cho trẻ con mà còn phải "lập các nhà chiếu bóng, diễn kịch, câu lạc bộ, thư viện để nâng cao trình độ trí dục cho nhân dân". Với tầm nhìn xa của mình, Hồ Chí Minh đã thấy rõ vai trò không thể thiếu được của các thiết chế văn hoá trong sự nghiệp mở mang trí óc cho nhân dân.

Câu nói của Bác ra đời đã lâu nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Mỗi người Việt Nam phải học theo lời dạy của Người để không ngừng tiến bộ. Tuy Bác đã ra đi nhưng người mãi là tấm gương sáng ngời của một con người suốt đời học hỏi.
Bác đã lên đường, theo tổ tiên
Mác – Lê-nin, thế giới người hiền
Ánh hào quang đỏ thêm sông núi
Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!
(SƯU TẦM)
 

Các chủ đề có liên quan khác

Top