Bưởi là loại trái cây quen thuộc với người Việt Nam. Có nhiều loại bưởi bổi tiếng như: bưởi Đoan Hùng, bưởi Vinh, bưởi Phúc Trạch, bưởi Thanh Trà, bưởi Biên Hoà, bưởi năm roi, bưởi da xanh…
Cây bưởi có tên khoa học Citrus grandis (L.) Osbeck, thuộc họ cam (Rutaceae). Bưởi còn được gọi là bòng, kan bao tch’lou (Thái), mak somo (Lào), kroth thlong (Campuchia).
Người ta trồng bưởi để lấy quả ăn, lấy hoa để ướp hương thơm các món ăn, bánh trái hay dùng để chưng cất nước hoa bưởi làm hương liệu mỹ phẩm…
Các bộ phận của cây bưởi được dùng làm thuốc là: dịch ép nước bưởi, vỏ quả, lá, hoa, hạt, vỏ hạt.
Theo Đông y, quả bưởi được gọi là hựu thực, có vị chua, tính hàn, không độc, tác dụng làm tinh thần thư thái, giải nhiệt, giải độc rượu, bồi bổ cơ thể, chữa được chứng có thai nôn mửa (nghén), biếng ăn, ăn không tiêu, đau bụng.
Dịch quả chín có chứa nhiều chất bổ dưỡng; trong 100g phần ăn được của bưởi có: nước 80g, glucid 9g, protid 0,6g, lipid 0,1g; các chất khoáng: Ca 23mg, P 19mg, Fe 0,5mg, chất xơ 0,7g (ngoài ra còn các K, Mg, Na, Mn, Cu…), các vitamin B1 0,04mg, B2 0,02mg, PP 0,3mg, C 95mg. Cung cấp 30 – 43 calo.
Bưởi rất có ích cho những người bị mỡ trong máu tăng, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường, béo phì.
Đặc biệt, trong cùi trắng của quả bưởi có chứa pectin, tinh dầu, hesperidin, maringin, là những chất có tác dụng làm giảm cholesterol – huyết, bảo vệ sự bền vững của mao mạch, phòng chống cao huyết áp và tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…
Lá bưởi tươi thường được dùng để nấu với các loại lá thơm khác (hương nhu, bạc hà, kinh giới, tía tô, sả, ngải cứu…) để xông chữa cảm cúm, nhức đầu.
Vỏ quả bưởi (cam phao) dùng chữa ho, làm long đàm, trợ tiêu hoá. Ngày dùng 4 – 12g, sắc uống.
Theo SGTT