Có vết xăm, không được đi xuất khẩu lao động Đây là một trong những điều kiện về sức khỏe của người đi xuất khẩu lao động, do Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH và Bộ Tài chính quy định. Từ ngày 1-1-2005, Thông tư liên tịch giữa ba Bộ trên về Hướng dẫn thực hiện khám và chứng nhận sức khỏe cho người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, sẽ chính thức có hiệu lực. Những quy định trong Thông tư này được áp dụng đối với NLĐ, chuyên gia và tu nghiệp sinh (gọi chung là NLĐ). Nếu NLĐ bị trả về nước do kết luận khám và chứng nhận sức khỏe của bệnh viện không đúng thì BV phải bồi hoàn khoản kinh phí bằng 1 lượt vé máy bay từ nước mà NLĐ bị trả về. Theo đó, có 13 nhóm bệnh, tật được xem là không đủ tiêu chuẩn sức khỏe để đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Ngay cả bệnh vàng da, viêm khớp dạng thấp và chứng nghiện rượu, các loại xăm trổ trên da…cũng nằm trong số này. 13 loại bệnh, tật không đủ tiêu chuẩn sức khỏe - Tim mạch (10 loại) - Hô hấp (10) - Tiêu hóa (9) - Nội tiết (5) - Thận và tiết niệu (6) - Thần kinh (11) - Tâm thần (4) - Cơ quan sinh dục (6) - Cơ xương khớp (6) - Da liễu và hoa liễu (19) - Mắt (9) - Tai mũi họng (3) - Răng hàm mặt (2) Mức phí khám lâm sàng toàn diện và các xét nghiệm bắt buộc là 322.000 đồng/người. Giấy chứng nhận sức khỏe sẽ được bệnh viện giao cho người khám trong vòng 5 ngày và có hiệu lực 3 tháng kể từ ngày khám. Bác sĩ chuyên khoa trực tiếp khám sức khỏe và kết luận các kết quả xét nghiệm phải qua thời gian hành nghề liên tục ít nhất 5 năm về chuyên khoa đó. Bác sĩ đọc và kết luận kết quả phim X-quang phải đạt trình độ chuyên khoa cấp I trở lên. Bệnh viện (BV) khám sức khỏe cho người đi XKLĐ phải đạt tiêu chuẩn bệnh viện đa khoa hạng II trở lên và có đủ các chuyên khoa, cận khoa lâm sàng, X-quang làm được các xét nghiệm cơ bản về máu, viêm gan, HIV, ma túy, điện não đồ, chẩn đoán bệnh phong… Ngoài ra, nếu phía nước ngoài có yêu cầu thêm các loại xét nghiệm và kỹ thuật khác thì BV phải đáp ứng đầy đủ. Thông tư nêu rõ chỉ những BV đủ tiêu chuẩn và điều kiện được Bộ và Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, công nhận mới được khám và chứng nhận sức khỏe cho người đi XKLĐ. Hiện nay, trên cả nước có 11 bệnh viện, tập trung tại Hà Nội và TP.HCM, được phép khám bệnh cho đối tượng này. Như vậy, vẫn chưa có thay đổi dù nhiều doanh nghiệp XKLĐ đã kiến nghị Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH nên mở rộng cho BV các tỉnh, thành khác; để đỡ bớt gánh nặng chi phí đi lại, thời gian cho NLĐ tại những địa phương này. Hội đồng khám sức khỏe sẽ được thành lập tại các BV đủ tiêu chuẩn khám cho người đi XKLĐ, gồm Chủ tịch Hội đồng (là giám đốc hay phó giám đốc phụ trách chuyên môn); ít nhất 1 phó chủ tịch và một số bác sĩ các khoa lâm sàng, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Hội đồng này sẽ chịu mọi trách nhiệm liên quan đến khám và chứng nhận sức khỏe cho người đi XKLĐ.