- Theo quy định tại điều 28 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng làm việc, công ty bạn được đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi có đủ các điều kiện: được Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho phép; người lao động được công ty đưa đi làm việc ở nước ngoài phải có hợp đồng lao động với công ty theo quy định của pháp luật về lao động; chỉ được đưa người lao động đi làm việc tại các công trình, dự án mà công ty trúng thầu, nhận thầu ở nước ngoài; có phương án sử dụng và quản lý người lao động ở nước ngoài; có phương án tài chính đưa người lao động về nước trong trường hợp bất khả kháng; bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người lao động làm việc ở nước ngoài cho công ty phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc.
Chậm nhất là 20 ngày trước ngày đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, công ty phải gửi báo cáo đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài kèm theo bản sao hợp đồng trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài, danh sách người lao động ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài cho Bộ Lao động - thương binh và xã hội.
Báo cáo đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bao gồm các nội dung:
1. Phương án sử dụng và quản lý người lao động ở nước ngoài, trong đó nêu rõ số lượng người lao động đưa đi, ngành, nghề, thời hạn làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, điều kiện sinh hoạt, chế độ khám bệnh chữa bệnh, bảo hiểm xã hội và các chế độ khác có liên quan đến người lao động.
2. Phương án tài chính đưa người lao động về nước trong trường hợp bất khả kháng.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động - thương binh và xã hội có trách nhiệm xem xét và trả lời bằng văn bản cho công ty bạn, nếu không chấp thuận phải nêu rõ lý do.
Việc công ty bạn có đưa được 100 người sang lao động ở nước ngoài hay không còn tùy thuộc khả năng và sự phân bổ tiếp nhận lao động của nước nơi công ty đang thi công các công trình xây dựng.
Để được đi làm việc ở nước ngoài, người lao động phải có đầy đủ các tiêu chuẩn sau:
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
2. Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài;
3. Có ý thức chấp hành pháp luật, tư cách đạo đức tốt;
4. Đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động;
5. Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động;
6. Được cấp chứng chỉ về bồi dưỡng kiến thức cần thiết;
7. Không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trình tự, thủ tục khi tuyển dụng người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng như quyền, nghĩa vụ của công ty và người lao động… bạn có thể tham khảo thêm trong Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng làm việc.
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU
(Văn phòng luật sư Nguyễn Văn Hậu và cộng sự)