Sony đã gia nhập thị trường laptop dùng vi xử lý Intel Core i3 với model Sony Vaio CW21FD. Mẫu laptop được vozTestLabs thử nghiệm lần này do Saigonlab cung cấp (service tag: C603ENRG). Mẫu máy chúng tui thử nghiệm có màu xanh đậm, có thể xem như là nâng cấp của dòng NW (điển hình là NW250 đã đánh giá). Nhưng chúng ta hãy xem những nâng cấp của Sony có đáng giá hay không?
Cấu hình máy
* Vi xử lý: Intel Core i3 330M (2.13Ghz, 3MB L2 cache, Hyper Threading Technology, DMI 2.5GT/s)
* Chipset: Intel PM55
* Bộ nhớ RAM: 4GB DDR3 Bus 1066MHz
* Ổ đĩa quang: DVD-RW Double Player
* Ổ cứng: 500GB SATA 2, tốc độ quay 5400 vòng/phút
* Card đồ họa rời: Geforce 310M 256MB
* Màn hình: 14 inch, độ phân giải 1366×768
* Wireless: Intel WiFi 802.11b/g/n
* Pin: Li-ion 6 cell, 4400mAh
* Khối lượng: 2.4Kg (đã bao gồm pin)
* Hệ điều hành: Windows 7 Home Premium x64
* Giá: 21.650.000 VND (giá tham khảo tại Saigonlab.com.vn)
Sony VAIO CW được thiết kế tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, đạt đánh giá EPEAT Gold cũng như chứng chỉ quản lý năng lượng tiêu thụ Energy Star 5.0, hợp chuẩn ROHS. Vỏ hộp và các phụ kiện được đóng gói kèm theo hầu hết được sản xuất từ các nguyên liệu tái chế hay có thể tái chế được. Ngoài ra, máy còn được hưởng dịch vụ SonyTake Back Recycling cho phép bạn có thể tiêu hủy nó theo cách ít nguy hiểm nhất đến môi trường.
Một phiên bản với thiết kế khác của Sony Vaio NW?
Tất tần tật mọi thứ đều khá giống với model đã từng được đánh giá là Sony Vaio NW250 – chỉ khác về màu sắc và vài chi tiết nhỏ.
Phần kê tay và touchpad có màu xanh được chuyển nhạt dần khá đẹp. Touchpad có gai nhám dễ di chuột hơn, hai phím trái phải tương đối nhạy.
Model này khi bung Windows lần đầu tiên sẽ có tùy chọn giữa 2 ngôn ngữ là Tiếng Anh và Tiếng Pháp. Để ý rằng bạn chỉ có thể chọn một lần duy nhất (như máy cảnh báo). Có lẽ vì thế mà bàn phím có thêm vài ký tự lạ mà chúng tui không tìm ra cách dùng (nếu dùng hệ điều hành với ngôn ngữ Tiếng Pháp trong tùy chọn ban đầu thì sẽ sử dụng được chăng?). Bạn có thể thấy các phím với những ký tự màu hồng trên đó. Một số phím có chữ Tiếng Pháp…
Chú ý hơn, chúng ta sẽ thấy phím Enter có kích thước và hình dạng khác với bàn phím chuẩn xưa nay của Sony.
Với model CW21FD này, Sony có thiết kế khá lạ: đưa phím / xuống dưới một một hàng và phím Enter có kích thước lớn hơn. Thoạt nhìn thì có vẻ sẽ dễ dàng khi dùng phím Enter hơn, nhưng thực tế sử dụng cho thấy điều ngược lại. Người viết thường hay lẫn lộn giữa phím Enter và phím /. Vì trước đây thường dùng bàn phím chuẩn nên quen với khoảng cách phím Enter khi dùng ngón út để nhấn, giờ đây bạn sẽ nhấn nhầm phím / nhiều hơn.
Một số khuyết điểm của CW21FD:
* Viền màn hình khá mỏng và không chắc chắn. Nếu bấm nhẹ vào viền màn hình sẽ ảnh hưởng đến panel rất rõ (loang màu). Tuy nhiên, khuyết điểm này cũng không quan trọng lắm, nếu bạn cố ý bấm thì mới ảnh hưởng panel. Nắp máy không cứng chắc, dễ bị lún nếu có lực tác động.
* Khi mở ổ đĩa quang, nắp ổ đĩa do thiết kế quá sát mặt bàn nên sẽ bị cọ sát với mặt bàn.
* Các chi tiết khác như vỏ máy, các cổng giao tiếp tương tự model NW250, bạn có thể tham khảo thêm bài đánh giá Sony Vaio NW250.
Hiệu năng – Sự kết hợp giữa Intel Core i3 và G 310M
Thử nghiệm đầu tiên với phần mềm đánh giá quen thuộc: PCMark Vantage. Chúng tui cài đặt bản PCMark Vantage phiên bản 14.0.0.162, sau đó update lên bản patch 15.0.0.498. Tất cả được download tại website guru3d.com. Thử nghiệm được chạy với thiết lập chuẩn của chương trình. Chú ý rằng khi test, nếu click chuột hay nhấn phím bất kỳ thì chương trình tự động ngừng test, bạn sẽ phải làm lại từ đầu. Đây là thử nghiệm chiếm khá nhiều thời gian, mất khoảng 1h30′.
Thử nghiệm tiếp theo là Cinebench Release 10, phiên bản 64-bit, kèm theo là nhiệt độ CPU khi bench Cinebench R10. Nhiệt độ nhân CPU cao nhất là 66*. Điểm OpenGL là 2843 CB-GFX, Render 1 CPU là 2785 CB-CPU và Render x CPu đạt được 6375 CB-CPU. Tỉ lệ tăng tốc render khi dùng đa nhân và công nghệ HT tăng lên 2.29 lần.
Với card đồ họa rời GeForce 310M, CW21FD chắc chắn phải thử sức với phần mềm benchmark 3DMark06. Chúng tui cài đặt bản 3DMark06 phiên bản 14.0.0.162 và thử nghiệm với thiết lập cơ bản của chương trình. Tổng điểm đạt được là 3702, điểm CPU là 2237.
Chúng tui cũng thử nghiệm chơi game với laptop CW21FD này. Thử nghiệm với game: Devil May Cry 4, Resident Evil 5, The Last Remnant. Các game này đều có phiên bản benchmark riêng. Hai game DMC4 và RE5 chạy thử nghiệm trên cả DirectX 9 và DirectX 10. Sau đây là kết quả.
Để ý rằng benchmark 3 game trên thì có một chuyện khá thú vị: Game chạy trên nền DirectX 10 có số khung hình cao hơn khi chạy trên DirectX 9. Tuy chỉ hơn rất ít nhưng những con số này cũng đem lại một sự thú vị nào đó …
Các ứng dụng thực tế là phép thử tiếp theo chúng tui thực hiện. Với Excel, chúng tui cho chạy file Monte Carlo, là một bảng số liệu kế toán trong một năm của một công ty. WinRAR 3.9 có nhiệm vụ nén một file tạp chí định dạng PDF thành RAR, thời gian được tính bằng đồng hồ bấm giờ. QuickTime 7.6 chuyển file video 720p Madagasca dung lượng 76MB thành file dùng cho iPhone, và tương tự như WinRAR, chúng tui dùng đồng hồ bấm giờ để đo đạc thời gian sử dụng.
Thời gian dùng pin
Thử nghiệm xem phim với Quicktime. tui cho chương trình QuickTime chạy lại liên tục đoạn trailer phim Madagasca 2 được tải về từ Apple. Độ sáng màn hình thiết lập ở mức 100%, tui không sử dụng loa mà dùng tai nghe với âm lượng thiết lập trong Windows là 75% (âm lượng trên QuickTime là 100%). Thời gian đo từ khi bắt đầu xem phim cho đến khi máy tự tắt vì pin còn 5% theo đúng thiết lập của Windows là 122 phút.
Kết luận
Sony Vaio CW21FD vẫn tiếp tục truyền thống với đẳng cấp Sony. Nâng cấp lên bộ vi xử lý Intel Core i3 330M kết hợp cùng GPU Geforce 310M. Tuy hiệu năng không ấn tượng lắm khi so với model NW250 với kết hợp giữa T6600 và HD 4570, nhưng vẫn xứng đáng với số tiền bạn bỏ ra (21.650.000 VND tại Saigonlab.com.vn). Tuy có vài khuyết điểm nhưng cũng không ảnh hưởng lắm đến toàn bộ máy, và nếu bạn cần một laptop đẳng cấp thì Sony Vaio CW21FD hoàn toàn xứng đáng.
Nguồn: Voz