Các câu hỏi vướng mắc về kiểm toán được giải đáp trong cuộc Tọa đàm giải đáp vướng mắc về kế toán, kiểm to
CÂU HỎI VÀ TRẢ LỜI VỀ KIỂM TOÁN
Cho mình hỏi:
Căn cứ Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp.
- Tại Điều 11, Điểm 3, quy định về quyền kinh doanh và tiến hành hoạt động kinh doanh chỉ ra như sau: “Trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hay pháp luật chuyên ngành có quy định cụ thể khác, doanh nghiệp đã thành lập ở Việt Nam có sở hữu của nhà đầu tư trong nước”,
Căn cứ Nghị định số 105/2004/NĐ-CP ngày 30/3/2004 về kiểm toán độc lập.
- Tại điều 10, quy định về kiểm toán bắt buộc đối với các doanh nghiệp và tổ chức bao gồm: a) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; b) Tổ chức có hoạt động tín dụng, ngân hàng và Quỹ hỗ trợ phát triển; c) Tổ chức tài chính và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; d) Các công ty cổ phần, TNHH có tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Công ty chúng tui là doanh nghiệp có không quá 49% vốn điều lệ là sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài do đó theo Nghị định 102/2010/NĐ-CP Điều 11, Điểm 3, công ty chúng tui được áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh như với nhà đầu tư trong nước. Theo Nghị định 105/2004/NĐ-CP, công ty chúng tui không thuộc các trường hợp bắt buộc kiểm toán như nghị định đã nêu rõ. Vậy với trường hợp này, chúng tui hiểu rằng: Công ty chúng tui không phải kiểm toán hàng năm bởi các doanh nghiệp kiểm toán theo luật hiện hành.
Xin hỏi Ông/ Bà cách hiểu như trên của công ty chúng tui có đúng không. Trường hợp không đúng, mong Ông/ Bà hướng dẫn cho chúng tui được biết.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 3 và Khoản 6, Điều 13, Luật Đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29/11/2005: “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam; doanh nghiệp Việt nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại” và Điều 10 Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 hướng dẫn Luật Đầu tư thì doanh nghiệp có không quá 49% vốn nước ngoài thì được áp dụng điều kiện đầu tư như nhà đầu tư trong nước nhưng vẫn thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 10, Nghị định 105/2004/NĐ-CP ngày 30/3/2004 của Chính phủ về Kiểm toán độc lập, các doanh nghiệp và tổ chức mà báo cáo tài chính hàng năm bắt buộc phải được doanh nghiệp kiểm toán kiểm toán bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Như vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có báo cáo tài chính hàng năm là đối tượng bắt buộc phải được kiểm toán, không căn cứ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là một phần hay toàn bộ vốn điều lệ công ty. Căn cứ các quy định nêu trên và đặc điểm của công ty , công ty các bạn là công ty có vốn đầu tư nước ngoài và phải được doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm.
BBT
Cho mình hỏi:
Trong quá trình hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm toán tại Việt Nam, công ty chúng tui có nhận được ý kiến của một số cơ quan quản lý về việc lập biên bản thanh lý hợp đồng kiểm toán sau khi kết thúc cuộc kiểm toán. Chúng tui hiểu rằng theo Đoạn số 10 của Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 210 – Hợp đồng kiểm toán (“VSA 210”), có quy định “khi hoàn thành công việc theo thỏa thuận trong hợp đồng, các bên ký hợp đồng phải làm thủ tục thanh lý hợp đồng và lập “Biên bản thanh lý hợp đồng kiểm toán” theo quy định hiện hành”.
VSA 210 được Bộ trưởng Bộ Tài chính (“BTC”) ban hành ngày 27/9/1999, do vậy, việc thanh lý hợp đồng theo quy định tại thời điềm đó được quy định theo Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế được Văn phòng Quốc hội ban hành ngày 25/9/1989 (“PLHĐKT”). Tuy nhiên, PLHĐKT đã hiết hiệu lực theo Nghị quyết số 45/2005/QH11 ngày 14/6/2005 kể từ ngày Bộ luật Dân sự có hiệu lực.
Qua tìm hiểu các điều khoản của Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại có liên quan đến cung cấp dịch vụ, chúng tui không thấy có quy định gì về việc bắt buộc thực hiện thủ tục thanh lý hợp đồng giữa các bên cung ứng và thuê dịch vụ. Chúng tui cũng không thấy có quy định pháp luật hiện hành nào khác yêu cầu các bên phải lập Biên bản thanh lý hợp đồng kiểm toán.
Theo như cách hiểu của chúng tui về Đoạn 10 của VSA 210, thì hiện nay việc lập bản thanh lý hợp đồng kiểm toán không còn bắt buộc vì không có qui định pháp luật hiện hành nào yêu cầu phải lập bản thanh lý hợp đồng. Chúng tui kính đề nghị Ông/ Bà cho ý kiến liệu cách hiểu như vậy của chúng tui có đúng với tinh thần VSA 210 hay không?
Trả lời:
Tại Đoạn 10 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 210 về Hợp đồng kiểm toán (ban hành kèm Quyết định số 120/1999/QĐ-BTC ngày 27/9/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) có quy định: “Khi hoàn thành công việc theo thỏa thuận trong hợp đồng kiểm toán, các bên ký hợp đồng phải làm thủ tục thanh lý hợp đồng và lập Biên bản thanh lý hợp đồng kiểm toán theo quy định hiện hành…”.
Trước đây theo quy định tại Điều 28 của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế ban hành ngày 25/9/1989, các bên phải cùng nhau thanh lý hợp đồng kinh tế trong trưởng hợp hợp đồng kinh tế được thực hiện xong. Tuy nhiên, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế đã hết hiệu lực kể từ ngày 1/1/2006 và hiện nay các văn bản pháp luật khác cũng không có quy định về việc lập biên bản thanh lý hợp đồng kinh tế khi hợp đồng kinh tế chấm dứt.
Do đó, hiện nay việc lập biên bản thanh lý hợp đồng kiểm toán không bắt buộc phải thực hiện trừ khi trong hợp đồng kiểm toán có thỏa thuận phải lập thanh lý hợp đồng thì các bên thực hiện theo thỏa thuận tại hợp đồng. Tuy nhiên mục đích của việc lập biên bản thanh lý hợp đồng là để các bên tham gia hợp đồng xác nhận đã hoàn tất mọi vấn đề về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ giữa các bên tham gia hợp đồng, vì thế để chặt chẽ khi kết thúc hợp đồng kiểm toán, công ty vẫn nên thực hiện lập biên bản thanh lý hợp đồng kiểm toán.
Ban cũng có thể giải quyết bằng cách: trong hợp đồng kiểm toán nên ghi câu “Sau khi giao nhận BCKT và thanh toán xong phí thì hợp đông này đương nhiên được thanh lý”.
BBT
Cho mình hỏi:
Công ty kiểm toán A thành lập hơn 19 năm. Trong quá trình hoạt động, công ty A đã nghiêm túc thực hiện tốt công tác lưu trữ hồ sơ kiểm toán, kế toán tuân thủ Luật kế toán và Nghị định số 105/2004/NĐ-CP ngày 30/3/2004 của Chính phủ về kiểm toán độc lập. Để thực hiện đúng các quy định của Nhà nước và đáp ứng yêu cầu của hội nhập và phát triển, Công ty A đang chuẩn bị hoàn tất và đưa vào vận hành kho lưu trữ hồ sơ kiểm toán, kế toán của Công ty.
Công ty A xin hỏi Ông/ Bà hướng dẫn công tác lưu trữ hồ sơ như sau:
- Tiếp tục lưu trữ hồ sơ về các dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính của Công ty từ năm 2001 đến nay theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
- Xin phép hủy toàn bộ tài liệu hồ sơ về các dịch vụ kiểm toán, kế toán và tư vấn của công ty từ năm 2000 trở về trước.
Rất mong nhận được ý kiến của Ông/ Bà.
Trả lời
- Theo quy định tại Khoản 6, Điều 31 Nghị định 129/2004/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán áp dụng trong hoạt động kinh doanh thì tài liệu, hồ sơ kiểm toán báo cáo tài chính của các tổ chức kiểm toán độc lập thuộc loại phải lưu trữ tối thiểu 10 năm.
- Việc tiến hành tiêu hủy hồ sơ kiểm toán báo cáo tài chính đề nghị công ty thực hiện theo các quy định tương tự như tiêu hủy tài liệu kế toán đã quy định tại Điều 40 Luật kế toán và Điều 35, Điều 36 Nghị định 129/2004/NĐ-CP. (Công ty thành lập Hội đồng tiêu hủy; Hội đồng thực hiện kiểm kê, đánh giá, phân loại; lập danh mục tài liệu tiêu hủy, biên bản tiêu hủy, thực hiện tiêu hủy bằng cách đốt cháy, cắt xén nhỏ…).
BBT
Cho mình hỏi:
Kính đề nghị Ông/ Bà làm rõ quy định về việc đơn vị niêm yết phải lập và công bố báo cáo tài chính bán niên được đơn vị kiểm toán chấp thuận soát xét.
- Theo thông tư 09/2010/TT-BTC ngày 15/01/2010 của Bộ Tài chính (Thông tư 09), “tổ chức niêm yết công bố thông tin định kỳ về báo cáo tài chính quý được lập bằng Tiếng Việt (và bản dịch Tiếng Anh – nếu có) trong thời hạn 25 ngày, kể từ ngày kết thúc quý. Trường hợp tổ chức niêm yết là công ty mẹ phải lập báo cáo tài chính hợp nhất thì thời hạn công bố thông tin là 50 ngày, kể từ ngày kết thúc quý”.
- Thông tư 09 cũng quy định rằng “tổ chức niêm yết phải lập và công bố thông tin về báo cáo tài chính bán niên (sáu tháng đầu năm) đã được soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận theo quy định của Chuẩn mực kiểm toán số 910 (và bản dịch Tiếng Anh – nếu có) trong thời gian 45 ngày, kể từ ngày kết thúc Quý 2 hàng năm. Trường hợp tổ chức niêm yết là công ty mẹ phải lập báo cáo tài chính hợp nhất thì thời hạn công bố thông tin là 60 ngày, kể từ ngày kết thúc Quý 2 hàng năm”.
- Theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 27 – Báo cáo tài chính giữa niên độ (VAS 27), kỳ kế toán giữa niên độ được định nghĩa là kỳ lập báo cáo tài chính tháng hay quý theo quy định của pháp luật.
- Đoạn 16 (b) của VAS 27 yêu cầu “Báo cáo tài chính giữa niên độ phải bao gồm các kỳ như sau…báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của kỳ kế toán giữa niên độ hiện tại và số lũy kế từ ngày đầu niên độ hiện tại đến ngày lập báo cáo tài chính giữa niên độ đó”.
Hiện nay có ý kiến cho rằng trong báo cáo tài chính bán niên mà các tổ chức niêm yết phải lập và công bố, báo cáo kết quả kinh doanh chỉ cần trình bày số liệu của 6 tháng đầu năm mà không cần trình bày số liệu của Quý 2 vì trong trường hợp này quy định trong đoạn 1 (b) của VAS 27 chỉ áp dụng đối với báo cáo tài chính Quý 2 mà không áp dụng đối với báo cáo tài chính bán niên.
Kính đề nghị Ông/ bà cho ý kiến liệu cách hiểu như trên có đúng theo tinh thần quy định của Thông tư 09, VAS 27 và Chế độ kế toán Việt Nam hay không?
Trả lời:
Các tổ chức niêm yết có thể vận dụng mẫu báo cáo tài chính quý (ban hàng theo Quyết định 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) để lập báo cáo tài chính bán niên. Theo đó, Bao cáo kết quả hoạt động kinh doanh bán niên trình bày số liệu 6 tháng đầu năm (chi tiết năm nay và năm trước).
BBT