Ngoài chè xanh, chè vối truyền thống, vào mùa hè, người dân miền trung, đặc biệt vùng Nghệ An, Hà Tĩnh còn hay uống chè vằng.
Cây chè vằng mọc ở dãy núi Hồng Lĩnh, nhiều nhất là núi Mồng Gà. Cây chè vằng là loại cây dây leo, bám quanh những bụi gai rậm rạp trên một độ cao nhất định, uống sương và dưỡng khí trong lành, quanh năm lá xanh.
Ðể lấy được một gánh chè vằng, người dân các huyện Can Lộc, Ðức Thọ, Nghi Xuân... thường dậy từ ba giờ sáng và mất trọn một ngày. Cây chè vằng lấy về đem băm nhỏ khoảng 7 - 8 cm, phơi nắng, phơi sương đến khi khô nỏ, có thể cất giữ bao lâu cũng không mốc, dành uống dần. Cách nấu như nấu nước chè xanh, nhưng khác với chè xanh là được nước, không thiu. Chè vằng đun lại ba lần, uống vẫn đậm, không mang tiếng vô duyên như chè xanh - "chè hâm lại, gái ngủ trưa". Nước chè vằng thoạt uống có vị đắng, sau thấm ngọt. Trong nắng lửa miền trung, khi đi làm đồng về, mồ hôi đầm đìa lưng áo, chỉ cần uống một bát nước chè vằng là cơn khát tiêu tan, toàn thân mát mẻ, sảng khoái.
Cây chè vằng có giá trị như cây thuốc nam, uống tiêu độc, giảm béo. Nó cũng rất phù hợp với những phụ nữ mới đẻ nhờ tính mát và lành. Chè vằng lại rất rẻ. Nhà nào người đông, uống chè vằng thường xuyên thì mỗi tháng chỉ hết khoảng mươi nghìn. Nhiều gia đình ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh ngày nay đang coi chè vằng là món quà quý, đậm đà vị quê và để giảm béo, tiêu độc, kích thích tiêu hóa trong mùa hè. Ngày nay, chè vằng được chế biến thành những túi lọc nhỏ và đóng hộp, rất tiện lợi cho người sử dụng. Nhờ đó, chè vằng cũng dễ dàng đến được nhiều miền quê khác.