Cam gì?
Cam Thái Lan - gọi như thế vì trên vỏ và trên bao bì (thường là loại túi lưới) của loại quả này có dán nhãn in bằng tiếng Thái. "Cùng họ " với cam Thái Lan còn có loại cam vàng nhập khẩu từ Mỹ hay Úc nhưng cam Thái Lan lúc nào giá cũng rẻ hơn chút đỉnh. Mà nhìn "mã" hay ăn thử thì cũng thấy thơm ngọt như nhau. Cam Thái Lan được bán ở miền Bắc nhiều hơn miền Nam (khác với loại me Thái Lan, bán ở miền Nam nhiều hơn miền Bắc).
Loại cam này to, tròn, vỏ và ruột đều vàng ươm, chín mà không nhũn, nẫu, ăn vào ngọt lịm lại giòn tan. Cam này trẻ con cực kỳ thích ăn vì không có hạt, gọt vỏ, thái miếng ăn như táo, ăn cả phần cùi trắng cũng không đắng. Vì được cái "mã" đẹp, đựng trong túi lưới rất "văn minh", ăn lại ngon nên cam Thái Lan xưa nay vẫn được xếp vào hàng hoa quả... biếu, chứ không mấy người mua để ăn.
Đùng một cái, "thiên hạ" lại "đồn ầm" lên là cam Thái Lan có tồn dư chất Ethion - thực chất là một loại thuốc trừ sâu có tính độc cao, rất dễ bị ngộ độc khi nuốt phải hay tiếp xúc với thuốc. Loại thuốc trừ sâu này cũng bị cấm dùng tại Việt Nam. Tin này được "phát ra" từ Malaysia. Khi phát hiện ra chuyện cam Thái Lan tồn dư Ethion, Bộ Y tế nước này đã ra lệnh cấm nhập khẩu loại trái cây này. Còn ở Việt Nam, cơ quan chức năng của Bộ Y tế cũng đã "nhanh tay" cử đoàn kiểm tra đi lấy mẫu cam để kiểm nghiệm. Tuy nhiên, đến lúc kiểm tra mới lại thấy một chuyện lạ - hoá ra là loại cam Thái ở thị trường Việt Nam không có... "quốc tịch" Thái Lan.
Khi vừa có thông tin về Ethion, đồng loạt cả siêu thị, lẫn chợ, lẫn hàng rong đều tuyên bố "chúng tui không bán loại cam độc hại đấy". Siêu thị thì mạnh miệng nói rằng cam mà người tiêu dùng vẫn "tưởng" là cam Thái được siêu thị nhập từ Mỹ, từ Úc. Còn cả chợ lẫn hàng rong thì "xuỳ" ngay ra là cam gì cũng là cam... Trung Quốc hết.
Đại diện cơ quan chức năng thì lắc đầu, bó tay, khó mà khẳng định được cam bán trên thị trường là cam gì vì nếu nhìn bằng mắt thường thì khó có thể phân biệt được cam nào là cam nào bởi chúng khá giống nhau. Đành phải nghe theo "lời khai" của người bán hàng. Thế nên, cả chuyện cam gì lẫn chuyện có độc hay không cứ phải "hồi sau sẽ rõ". Còn hiện giờ, ai cẩn thận thì đừng mua cam ấy nữa là xong!
Càng đẹp càng độc?
Ai cũng biết, trái cây thường hư hỏng rất nhanh do quá trình hô hấp, chúng sẽ tự chín và tự thối rữa. Mặt khác, sau khi hái, trái cây sẽ bị vi sinh vật chui vào theo núm quả, làm cho quá trình thối rữa diễn ra rất nhanh. Ngày trước, để kéo dài thêm thời gian người ta thường bôi vào núm quả để vi sinh vật không thể chui vào. Còn hiện nay, người ta dùng hoá chất và các phương pháp bảo quản hiện đại hơn để hoa quả có thể tươi ngon cả tháng trời mà không hề thối hỏng.
Tất nhiên, hoá chất bảo quản cũng có loại không độc hại, được phép sử dụng. (hoa quả nhập từ Mỹ, Úc hay châu Âu đều phải trải qua quá trình bảo quản bằng hoá chất hay các phương pháp khác mới "thọ" lâu đến thế. Tuy nhiên, quá trình này được kiểm tra gắt gao theo những tiêu chuẩn cực kỳ nghiêm ngặt để hoa quả, khi đến tay người tiêu dùng, là hoàn toàn an toàn).
Nhưng cũng không thiếu gì loại chất kích độc được người bán hàng "tắm" cho các loại hoa quả cho chúng được đẹp mắt và tươi lâu. Vào vụ thu hoạch, giá hoa quả rẻ bèo. Bán cũng ...xót. Mà cũng phải loại chín mọng, tươi ngon mới có người thèm ngó đến. Còn những quả hơi xâu xấu chả nhẽ lại đổ đi. Một gói thuốc bảo quản có khi chỉ vài nghìn, đủ dùng cho cả tạ hoa quả. "Nhúng" một cái, hoa quả có thể "tươi" thêm cả nửa năm. Đợi qua vụ ta lại mang ra bán. Giá trái vụ, "lời" không biết bao nhiêu lần.
"Nổi tiếng" nhất trong việc được "tắm" chất bảo quản độc hại là lê, táo Trung Quốc. Sau đấy đến lựu, hồng, cam, quýt "made in China". Nhưng ngay cả những loại hoa quả nội xưa nay vẫn được tiếng "lành: như chuối, đu đủ hay dưa hấu...cũng đều phải "tắm" hết. Các phương pháp bảo quản hay thúc chín truyền thống như bôi vôi hay ủ cát có lẽ đều đã "thất truyền" vì hiệu quả rõ ràng là kém xa. Ừ thì đành rằng thời hiện đại, phương pháp bảo quản hoa quả nó cũng phải hiện đại và hiệu quả hơn. Vấn đề là phương pháp gì thì phương pháp, đừng có biến món "tẩy độc" thành món "kịch độc". Mất tiền mua hoa quả ăn để "thanh lọc" cơ thể, để khoẻ hơn. Nhưng khoẻ đâu chưa thấy, ngày mai, có lẽ lại đã đi viện vì ngộ độc.
Tẩy độc - cách nào?
Điều đặc biệt tệ hại của các loại hao quả ngâm hoá chất độc là chúng "miễn dịch" với hầu hết các biện pháp "tẩy rửa". Rửa bằng nước sạch, ngâm nước muối... gần như không có tác dụng vì hoá chất đã ngấm sâu vào trong theo núm quả hay theo những lỗ nhỏ trên vỏ của các loại quả như cam, quýt... Các phương pháp "hiện đại" hơn như dùng nước rửa hoa quả hay các loại máy ozone cũng chỉ được coi là những biện pháp an toàn... tâm lý là chính. Chứ với các loại hoá chất độc hại cứng đầu đã ngấm sâu vào hoa quả thì phương pháp nào cũng phải... thua.
Cách tốt nhất để đối phó với hoá chất bảo quản độc hại là... tránh chúng càng xa càng tốt. Cách tránh tốt nhất là không bao giờ mua hoa quả trái vụ. Cứ mùa nào thức nấy cho lành, lại rẻ. Chọn mua hoa quả thì phải chú ý đặc tính của từng loại: loại quả có lông tơ (như đào) thì phải dày, phải mượt, loại quả có tinh dầu (như cam quýt) thì khi bấm nhẹ phải có tinh dầu thơm phức bắn ra, loại quả có vỏ mềm (như táo hay lê) mà vỏ lại cứ cứng, giòn bất thường thì chớ dại mà mua về. Tốt nhất là mua quả còn cả lá cho... đảm bảo. Thêm nữa, quả chín thì phải có mùi thơm đặc trưng. Không có hoa quả chín nào lại thoang thoảng mùi... hoá chất.
Nho Mỹ, mận Úc hay cam quýt Thái Lan rất có thể đều là hoa quả nhâp khẩu từ Trung Quốc. Nhưng không phải hoa quả nào có "quốc tịch" Trung Quốc cũng đều được bảo quản bằng hoá chất độc hại. Nếu không kiểm định được nguồn gốc và chất lượng thì rất dễ mua phải hoa quả độc hại mà giá lại cao ngất ngưởng. Đặc biệt, càng những loại quả to đẹp, bóng bẩy, mỡ màng được "quảng cáo" là hoa quả nhập khẩu từ Mỹ, Úc hay châu Âu, nếu cửa hàng không trình được "hộ chiếu" của chúng thì tốt nhất chớ dại nên mua, kẻo không lại mất một đống tiền mà về vừa ăn vừa thấp thỏm chờ... xe cấp cứu!