Muốn được hưởng quyền sở hữu công nghiệp (quyền độc quyền khai thác), chủ thể đã tạo một giải pháp kỹ thuật hay một quy trình hay một hợp chất (phụ gia) (tạm gọi chung là “giải pháp kỹ thuật”) phải nộp đơn yêu cầu bảo hộ cho giải pháp kỹ thuật đó (trường hợp của bạn là công thức và phương pháp tạo chất phụ gia). Giải pháp kỹ thuật này chỉ được bảo hộ dưới danh nghĩa Giải pháp hữu ích nếu đáp ứng 2 điều kiện: (1) giải pháp kỹ thuật đó mới (chưa từng bộc lộ ở bất kỳ đâu) so với trình độ kỹ thuật của thế giới, và (2) có khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế xã hội.
Theo nguyên tắc chung về cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích hay sáng chế, để được xem xét bảo hộ, bạn phải bộc lộ hoàn toàn bản chất của công thức và phương pháp tạo chất phụ gia, thể hiện bằng bản mô tả và yêu cầu bảo hộ kèm theo đơn xin bảo hộ. Bộc lộ hoàn toàn bản chất có nghĩa là bạn phải bộc lộ công thức và phương pháp tạo ra chất phụ gia xây dựng đó đến mức mà người có trình độ trung bình trong lĩnh vực tương ứng cũng có thể thực hiện được giải pháp kỹ thuật đó. Như vậy, nếu bạn muốn bảo hộ cho giải pháp hữu ích của bạn thì bạn buộc phải tiết lộ bí mật. Theo điều 796 Bộ luật dân sự 1995, sau khi được bảo hộ, bạn được đền bù trong thời hạn 10 năm cho việc đã tiết lộ giải pháp kỹ thuật đó bằng các quyền sau đây:
(i) Độc quyền sử dụng giải pháp đã được bảo hộ;
(ii) chuyển giao quyền sử dụng hay quyền sở hữu giải pháp đó cho người khác;
(iii) yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu giải pháp đó phải chấm dứt xâm phạm và bồi thường thiệt hại.
Trường hợp bạn không muốn tiết lộ bí mật của chất phụ gia đó, giải pháp của bạn có thể vẫn được bảo hộ tự động (không cần đăng ký) với danh nghĩa là bí mật kinh doanh, miễn là giải pháp này thoả mãn 3 điều kiện:
(i) không phải là hiểu biết thông thường;
(ii) có khả năng áp dụng trong kinh doanh và khi được sử dụng sẽ tạo cho người nắm giữ giải pháp đó lợi thế thương mại lớn hơn so với người không nắm giữ hay không sử dụng giải pháp đó;
(iii) được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết đế thông tin về giải pháp đó không bị tiết lộ và dễ dàng tiếp cận.
Theo Nghị định 54/NĐ-CP ngày 3.10.2000, nếu bí mật kinh doanh (chất phụ gia xây dựng) đáp ứng các điều kiện trên, bạn có các quyền sau:
(i) quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt bí mật kinh doanh đó
(ii) quyền chuyển giao quyền sử dụng hay quyền sở hữu bí mật kinh doanh;
(iii) quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người có hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh đó phải chấm dứt xâm phạm và bồi thường thiệt hại.
Trường hợp nghi ngờ có sự xâm phạm bí mật kinh doanh, bạn có nghĩa vụ phải chứng minh về hành vi xâm phạm, mức độ xâm phạm cũng như các chứng cứ cần thiết khác.