Trong 100g khoai tây có: các hydratcacbon 19g (trong đó có 15g tinh bột, 2,2g chất xơ), 0,1g chất béo, 3g protein và 79g nước. Bên cạnh đó, khoai tây còn chứa những vi chất dinh dưỡng giá trị, đặc biệt các vitamin (bao gồm vitamin B1 0,08mg (8%), vitamin B2 0,03mg (2%), vitamin B3 1,1mg (7%), vitamin B6 (19%), vitamin C 20mg (33%) cùng với những khoáng chất như canxi 12mg, sắt 1,8mg, magiê 23mg, photpho 57mg, kali 421mg, natri 6mg).
Tất nhiên, khoai tây được dùng như một thành phần chính cung cấp chất bột. Khoai tây được chế biến thành rất nhiều món ăn: người châu Âu hấp khoai tây rồi nghiền thành món chính kiểu như cơm để ăn với thức ăn khác (thịt, cá, gia cầm...) tưới nước sốt trong khẩu phần hàng ngày hay nấu thành súp với thịt bò hầm đủ kiểu. Dưới bàn tay tài hoa, thiên biến vạn hoá của bà nội trợ, khoai tây biến thành hàng trăm món ăn đặc sắc mà ĐẸP không ít lần giới thiệu. Trong một thống kê, người châu Âu có gần 1000 món ăn chế biến từ khoai tây.
Những túi khoai tây chiên giòn Pringles là món ăn khoái khẩu chẳng phải chỉ của các cô nữ sinh hay ăn vặt mà còn của nhiều người khi ngồi trước tivi xem các tiết mục văn nghệ trong không khí gia đình ấm áp. Những lát khoai tây mặn, tẩm gia vị được các bậc mày râu nhâm nhi với cốc bia sau giờ làm việc mệt nhọc. Việc sử dụng khoai tây làm thực phẩm còn được khuyến khích hơn nữa khi một số nhà khoa học Viện thực phẩm Anh mới đây phát hiện, trong khoai tây những hợp chất sinh học, có tên chung là cucoamin (trước đây đã thấy trong một số cây thuốc của Trung Quốc) có tác dụng làm giảm huyết áp nếu ăn thường xuyên và chữa bệnh “ngủ” ở châu Phi.
Khoai tây xay thành bột là nguyên liệu chính của công nghiệp bánh kẹo, lượng tiêu thụ không hề nhỏ chút nào.
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên: khoai tây vừa ngon, vừa bổ. Người ăn đã nhiều, nhưng gia súc ăn cũng lắm. Khoai tây dùng trong chăn nuôi – cứ 5, 6kg khoai có thể biến thành 1kg thịt lợn, thịt bò. Đó là phương pháp “cổ truyền” biến bột thành đạm, tìm sự cân đối dinh dưỡng cho nhu cầu số 1 của con người là ăn.