- Khoản 2 Điều 77 Bộ luật lao động quy định: “Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỉ lệ tương ứng với số thời gian làm việc và có thể được thanh toán bằng tiền”.
Cách tính ngày nghỉ hằ̀ng năm được quy định cụ thể tại Điều 11 Nghị định 195/CP ngày 31-12-1994 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi như sau: “Lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên tại doanh nghiệp (nếu có) chia cho 12 tháng (không lấy số thập phân) nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm có lương”.
Như vậy, trường hợp người lao động thuộc đối tượng được nghỉ 12 ngày phép năm, hưởng nguyên lương khi làm việc tại công ty đủ 12 tháng thì tương ứng với một tháng làm việc tại công ty, lao động đó sẽ có một ngày nghỉ phép năm. Vì vậy, nếu công ty không cho phép bạn nghỉ phép năm theo từng tháng, thì bạn có quyền khiếu nại đến chánh thanh tra lao động Sở Lao động - thương binh & xã hội TP Cần Thơ để nhờ can thiệp, buộc công ty phải cho phép bạn cũng như người lao động khác được nghỉ phép năm theo đúng quy định của pháp luật lao động.
Việc công ty quy định “ngày phép này chỉ được sử dụng trong năm, nếu trong năm đó không sử dụng hết ngày phép thì sang năm mới sẽ bỏ hoàn toàn” là chưa thể hiện đầy đủ quy định của pháp luật lao động, vì người lao động sẽ được trả lương cho những ngày chưa nghỉ hằ̀ng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằ̀ng năm trong trường hợp người lao động tạm hoãn hợp đồng để thực hiện nghĩa vụ quân sự; hết hạn HĐLĐ; đơn phương chấm dứt HĐLĐ; bị mất việc do thay đổi cơ cấu công nghệ; bị sa thải; nghỉ hưu; chết (Điều 10 Nghị định 195/CP).
Để bảo đảm quyền lợi cho mình, bạn cần lưu ý thời gian thử việc tại công ty cũng được xem là thời gian làm việc của bạn. Đồng thời bạn cũng có thể tham khảo quy định tại Điều 14 Nghị định 44/2003/NĐ-CP để biết cụ thể các loại thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động.
Ngoài ra, do công ty vẫn để bạn làm việc khi hết thời hạn thử việc mà không ký HĐLĐ chính thức với bạn, nên bạn đương nhiên được làm việc chính thức tại công ty kể từ thời điểm hết hạn hợp đồng thử việc. Do đó, bạn có quyền yêu cầu công ty trả lương cho bạn theo mức lương chính thức của công việc bạn đã làm trọng khoảng thời gian hơn tám tháng mà bạn đã đề cập ở trên (nếu tiền lương thử việc mà bạn được nhận từ công ty thấp hơn mức lương chính thức) (khoản 4 Điều 7 Nghị định 44/2003/NĐ-CP).