Câu 146 (Hoàng Linh Phương – INOAC Việt Nam) Hàng mẫu: Theo yêu cầu của khách hàng, Công ty chúng tui phải cung cấp hàng mẫu miễn phí cho khách hàng. Như vậy, chúng tui có phải ghi nhận doanh thu hay không?
Hàng đền bù: Khi bán hàng, khách hàng phàn nàn về chất lượng sản phẩm không tốt, công ty chúng tui phải xuất hàng để đền bù (phần hàng lỗi, chúng tui không nhận lại). Khi đó sẽ phải hạch toán như thế nào?
Hạch toán chi phí sản xuất thử: Theo quy định và ghi nhận vào 632. Thực tế thì hạch toán vào 642. Quan điểm của Bộ Tài Chính và Kế toán như thế nào?
Thông tư 55/2002 có còn hiệu lực cho các doanh nghiệp FDI nữa hay không?
Chứng từ trước khi có giấy phép đầu tư như thế nào là hợp lệ để được ghi nhận là giá trị vốn góp?
Trả lời:
1 – Hàng mẫu: Nếu công ty bạn phải xuất sản phẩm hàng hóa để cung cấp hàng mẫu miễn phí cho khách hàng thì cũng có thể xem như sử dụng hàng hóa để khuyến mại, quảng cáo.
+ Khi xuất hàng miễn phí cho khách hàng, kế toán ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 155, 156 (chi phí sản xuất sản phẩm hay giá vốn hàng bán)
+ Đồng thời phản ánh doanh thu bán hàng nội bộ, ghi:
Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng
Có TK 512 – Doanh thu bán hàng nội bộ ( chi phí sản xuất sản phẩm hay giá vốn hàng bán)
2 – Hàng đền bù: Trường hợp này khi xuất hàng đền bù cho khách hàng cũng phải ghi nhận vào doanh thu bán hàng nội bộ và chi phí bán hàng. Các bút toán được ghi chép như trường hợp 1 – hàng mẫu nêu trên. Bởi vì Công ty phải chuyển giao cho khách hàng một lượng hàng hóa để đền bù mà không thu được tiền, không thu hồi lại hàng hóa bị lỗi.
3 – Hạch toán chi phí sản xuất thử: Đơn vị đã hạch toán không đúng với hướng dẫn của chế độ kế toán, chi phí sản xuất thử ghi nhận vào chi phí quản lý doanh nghiệp là không phù hợp về bản chất kinh tế của giao dịch. Đơn vị cần phân biệt kế toán chi phí chạy thử máy móc thiết bị để kiểm tra quá trình lắp đặt một nhà máy, một dây chuyền sản xuất mới (được vốn hóa vào nguyên giá TSCĐ) với kế toán chi phí thực hiện sản xuất thử sản phẩm được tập hợp vào chi phí sản xuất sản phẩm trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, chỉ khác là sản phẩm thu được lúc đầu còn ít giai đoạn sản xuất thử đơn vị sẽ bị lỗ.
4 – Thông tư số 55/2002/TT-BTC ngày 26/06/2002 của Bộ Tài chính vẫn còn hiệu lực áp dụng đối với các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên các nội dung hướng dẫn về nguyên tắc và phương pháp kế toán trái với hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam và chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành thì phải thực hiện theo Chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành.
5 - Chứng từ trước khi có giấy phép đầu tư được coi là hợp lệ để được ghi nhận là giá trị vốn góp:
Thứ nhất: Chứng từ này về nguyên tắc phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại Điều 17 Luật kế toán về nội dung chứng từ kế toán. “ Chứng từ kế toán phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên và số hiệu của chứng từ kế toán;
b) Ngày , tháng, năm lập chứng từ kế toán;
c) Tên, địa chỉ của đơn vị hay cá nhân lập chứng từ kế toán;
d) Tên, địa chỉ của đơn vị hay cá nhân nhận chứng từ kế toán;
e) Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;
f) Số lượng, đơn giá và số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính ghi bằng số; tổng số tiền của chứng từ kế toán dùng để thu, chi tiền ghi bằng số và bằng chữ;
g) Chữ ký, họ và tên của người lập, người duyệt và những người có liên quan đến chứng từ kế toán.
Thứ hai: Nếu là vốn góp vào công ty liên doanh, công ty TNHH từ hai thành viên trở lên thì giá trị vốn góp (bằng tiền, bằng tài sản v.v..) phải được các bên tham gia góp vốn chấp nhận.
PTĐ -Web