Nếu thời tiết đang lúc giao mùa, nên là điều kiện thuận lợi để bệnh cảm cúm xuất hiện, lây lan trong cộng đồng. Đây là bệnh của đường hô hấp do virut gây ra, tác động tới niêm mạc miệng, mũi, họng và phổi. Các triệu chứng chủ yếu là hắt hơi, ngạt mũi, nhức đầu, sốt. Vì là bệnh do virut, nên không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có thuốc điều trị triệu chứng.
Nhóm thuốc hạ sốt giảm đau điều trị triệu chứng gồm nhiều loại biệt dược, thường chứa hoạt chất paracetamol hay ibuprofen. Ngoài ra, còn có các biệt dược được kết hợp một hay nhiều hoạt chất với paracetamol.
Sự kết hợp giữa paracetamol với chlorpheniramin, trong đó chlorpheniramin có tác dụng chống triệu chứng dị ứng, giảm chảy nước mắt, hắt hơi, sổ mũi. Tuy nhiên có nhiều tác dụng phụ như gây chóng mặt, buồn nôn, buồn ngủ. Không nên dùng thuốc khi bị nghẹt mũi.
Phối hợp với guaifenesin để làm dịu ho, sát khuẩn, làm loãng đờm. Tác dụng phụ có thể là nôn mửa, tiêu chảy, nhức đầu, mẩn ngứa.
Phối hợp với pseudoephedrin để chống ngạt mũi, tuy nhiên thuốc làm tim đập nhanh, khô miệng, khó ngủ, tăng huyết áp.
Phối hợp với dextromethorphan để giảm ho. Thuốc khá an toàn nếu dùng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, lạm dụng thuốc có thể gây chóng mặt, tim đập nhanh.
Như vậy, có rất nhiều thuốc có thể sử dụng khi bị cảm cúm. Tuy nhiên điều đáng chú ý, nhóm thuốc điều trị triệu chứng chủ yếu là thuốc hạ sốt, thuốc bán không cần kê đơn, nên người bệnh thường tự ý đi mua về sử dụng do đó đã có không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra. Điều cần thiết là hãy đến gặp bác sĩ trước khi dùng thuốc; tuân thủ đúng liều lượng đã được hướng dẫn; khi có tác dụng phụ cần ngưng thuốc và báo cho bác sĩ.