Trả lời:
Ngày 31 tháng 12 năm 2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 244/2009/TT-BTC (“Thông tư 244”) hướng dẫn sửa đổi kế toán một số nghiệp vụ kinh tế đồng thời bổ sung kế toán các nghiệp vụ kinh tế mới phát sinh chưa được quy định trong Chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành.
Một số vấn đề nổi bật được hướng dẫn sửa đổi bổ sung trong Thông tư 244 như sau:
Hướng dẫn thực hiện chế độ kế toán áp dụng cho nhà thầu nước ngoài (“NTNN”)
Theo Thông tư 244, NTNN có cơ sở cư trú tại Việt Nam phải thực hiện kế toán theo quy định của Luật Kế toán, Hệ thống Chuẩn mực kế toán Việt Nam và Chế độ kế toán Doanh nghiệp Việt Nam. Trên thực tế, các NTNN có thể gặp khó khăn trong việc xác định họ có phải là đối tượng phải áp dụng Chế độ kế toán Việt Nam hay không do hiện nay chưa có khái niệm cụ thể về “cơ sở cư trú” trong các quy định hiện hành. Luật Thuế TNDN, TNCN và các hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế của NTNN tại Việt Nam chỉ đề cập đến khái niệm “cơ sở thường trú” hay “đối tượng cư trú” (tổ chức hay cá nhân). Tại thời điểm hiện tại khi chưa có thêm hướng dẫn cụ thể hơn từ Bộ Tài chính, các NTNN có cơ sở thường trú (CSTT) tại Việt Nam được khuyến nghị nên áp dụng Chế độ kế toán Việt Nam theo hướng dẫn tại Thông tư này.
Việc tổ chức kế toán được thực hiện trên cơ sở từng Hợp đồng nhận thầu. NTNN có CSTT được lựa chọn áp dụng danh mục tài khoản,chứng từ, sổ kế toán và hình thức sổ kế toán cho phù hợp với đặc điểm hoạt động, cụ thể như sau:
- Trường hợp NTNN nộp thuế GTGT và thuế TNDN đều theo phương pháp ấn định thì nhà thầu căn cứ vào Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam để lựa chọn, áp dụng phù hợp danh mục tài khoản, chứng từ và hình thức sổ kế toán để đáp ứng yêu cầu quản lý của đơn vị mình. Tuy nhiên, NTNN sẽ không cần lập và nộp Báo cáo tài chính cho cơ quan quản lý có liên quan. (Trước khi Thông tư 244 được ban hành và có hiệu lực thi hành, NTNN nộp thuế GTGT và thuế TNDN theo phương pháp ấn định không phải thực hiện hạch toán kế toán và nộp báo cáo tài chính theo Chế độ kế toán Việt Nam).
- Trường hợp NTNN nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, thuế TNDN theo phương pháp doanh thu trừ (-) chi phí hay theo phương pháp ấn định thì phải lựa chọn áp dụng các tài khoản phản ánh tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, xác định kết quả có liên quan theo quy định của Chế độ kế toán doanh nghiệp.
- Sửa đổi nội dung và kết cấu các chứng từ kế toán thuộc loại bắt buộc;
- Bổ sung hay sửa đổi tài khoản cấp I hay tài khoản cấp II về tên, ký hiệu, nội dung và phương pháp hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh đặc thù; và - Sửa đổi chỉ tiêu báo cáo tài chính hay thay đổi kết cấu, phương pháp lập báo cáo tài chính.
Như vậy, trường hợp NTNN đăng ký nộp thuế NTNN theo phương pháp hỗn hợp (nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và thuế TNDN theo phương pháp ấn định) mà không có nhu cầu sửa đổi, bổ sung các nội dung nêu trên thì không phải đăng ký áp dụng Chế độ kế toán Việt Nam đơn giản với Bộ Tài chính như theo quy định trước đây.
Quy định về việc lập, nộp và kiểm toán báo cáo tài chính của NTNN:
- NTNN phải lập Bảng Cân đối tài khoản và Bản thuyết minh báo cáo tài chính cho từng Hợp đồng nhận thầu và nộp cho Cục Thuế địa phương, Cơ quan cấp Giấy phép nhận thầu hay Giấy phép hoạt động và Cục Thống kê địa phương. Trường hợp NTNN nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và thuế TNDN theo phương pháp doanh thu trừ (-) chi phí thì phải lập thêm Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
- Báo cáo tài chính của NTNN không bắt buộc phải kiểm toán. Nhà nước khuyếnkhích NTNN thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính vì mục đích thuế.
Quy định trên sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới các NTNN đơn thuần cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (thời hạn hợp đồng trên 6 tháng) mà việc cung cấp dịch vụ có thể tạo thành một CSTT theo luật Việt Nam hay Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và nước mà NTNN là đối tượng cư trú. Nội dung này cũng chưa phù hợp với quy định tại Thông tư 134/2008/TT-BTC hướng dẫn về chế độ thuế cho NTNN, vì các NTNN áp dụng phương pháp nộp thuế ấn định (không phân biết có hay không hình thành CSTT tại Việt Nam) không cần áp dụng Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam.
Hướng dẫn về đơn vị tiền tệ trong kế toán
Thông tư 244 bổ sung quy định về việc sử dụng đơn vị tiền tệ trong kế toán đối với các doanh nghiệp, tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, các doanh nghiệp, tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài thu, chi chủ yếu bằng ngoại tệ được phép lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán và chỉ phải thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Theo đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi chọn một loại ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ kế toán thì không phải làm thủ tục đăng ký với Bộ Tài chính trước khi thực hiện như trước đây.
Đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán phải đảm bảo đơn vị tiền tệ đó được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch bán hàng, cung cấp dịch vụ của đơn vị và sử dụng chủ yếu trong việc mua hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có công ty mẹ ở nước ngoài thì chỉ được lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán giống với đơn vị tiền tệ trong kế toán của công ty mẹ nếu doanh nghiệp được thành lập với mục đích chủ yếu là sản xuất và gia công sản phẩm cho công ty mẹ; hay tỷ trọng các hoạt động của doanh nghiệp với công ty mẹ là đáng kể (trên 70%).
Báo cáo tài chính của doanh nghiệp lập bằng ngoại tệ khi nộp cho các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam phải được quy đổi theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng tại ngày kết thúc kỳ kế toán. Báo cáo quy đổi không bắt buộc phải kiểm toán mà chỉ cần có ý kiến xác nhận của kiểm toán về tỷ giá quy đổi và tính chính xác của việc quy đổi.
Doanh nghiệp được phép thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán khi đáp ứng/không đáp ứng các điều kiện đề cập trên đây. Việc thay đổi đơn vị tiền tệ ghi sổ kế toán chỉ được thực hiện tại thời điểm bắt đầu niên độ kế toán mới và phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là sau 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc niên độ kế toán.
Ngoài ra, Thông tư 244 cũng ban hành thêm các hướng dẫn cụ thể cho một số nghiệp vụ kinh tế, tiêu biểu phù hợp với các quy định hiện hành về như:
+ Quy định sửa đổi, bổ sung một số tài khoản kế toán, bao gồm bổ sung TK 5118 “Doanh thu khác”, TK 3389 “Bảo hiểm thất nghiệp”, TK 356 “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ”, đổi số hiệu TK 431 “Quỹ khen thưởng, phúc lợi” thành TK 353 (kết cấu, nội dung, phương pháp hạch toán giữ nguyên không thay đổi) và bổ sung TK 3534 “Quỹ thưởng ban quản lý điều hành công ty”.
+ Kế toán sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng nội bộ: Theo quy định tại thông tư này, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng nội bộ theo chi phí sản xuất sản phẩm hay giá vốn hàng hoá. Tuy nhiên, theo quy định về thuế GTGT hiện hành, giá tính thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ là giá bán của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hay tương đương tại thời điểm phát sinh. Theo đó, doanh thu ghi nhận (là giá chưa có thuế trên hóa đơn) thông thường sẽ khác với giá vốn hàng bán (là chi phí sản xuất, cung cấp dịch vụ thực tế phát sinh). Do vậy, nếu các đơn vị thực hiện theo hướng dẫn kế toán tại Thông tư này đối với hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ thì có thể không phù hợp với quy định của Luật thuế GTGT.
+ Hướng dẫn bổ sung kế toán một số nghiệp vụ trong công ty cổ phần (kế toán chi phí phát hành cổ phiếu, kế toán tăng, giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu, kế toán khi nhận cổ phiếu do tăng vốn đầu tư); phương pháp hạch toán khoản chênh lệch đánh giá lại tài sản khi công ty mẹ góp vốn vào công ty con bằng tài sản phi tiền tệ; kế toán một số giao dịch giữa bên góp vốn liên doanh và cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát và kế toán khi chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp. Hướng dẫn hạch toán cụ thể được quy định tại Điều 13, 14, 15, 21, 22 và 23 của Thông tư này.
Thông tư 244 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 02 năm 2010. Các Thông tư hướng dẫn riêng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm Thông tư 55/2002/TT-BTC ngày 26 tháng 12 năm 2004 không còn hiệu lực áp dụng.
BBT