hoatim_ngoaisan

New Member
Bằng dòng cảm xúc mãnh liệt, bài thơ Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông như một khúc tráng ca vĩ đại và hào hùng, thể hiện rõ phong thái ung dung, đuờng hoàng và khí phách kiên cường, bất khuất vượt lên cảnh tù ngục khốc liệt của nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, trong những ngày bị chính quyền quân phiệt Trung Hoa bắt giam.



Nhà ngục – đó là nơi chôn vùi ý chí chiến đấu của con người, là bóng đen mờ mịt với những mưu đồ, cạm bẫy trỗi dậy, rình rập sự sống. Vậy mà đối với Phan Bội Châu, đó chỉ là nơi thử lửa, là một “nhà trọ” cho những bước chân bôn tẩu cách mạng tạm dừng.



Không phải ngẫu nhiên mà đầu đề của bài thơ là Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông. Ra đời giữa chốn lao tù, nơi hiện hình của những bóng ma tội ác ghê tởm, con người dễ dàng bị nuốt chửng vào vòng quay của nó bởi sự bất lực và nỗi sợ hãi tầm thường. Bài thơ bằng chữ Hán vẫn không hề làm vơi đi tinh thần, khí khái làm người “xoay chuyển càn khôn”. Những câu thơ tuôn ra từ chính tấm lòng của nhà thơ, là lời khẳng định chắc nịch cho quan niệm người anh hùng:



Vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù



Dẫu rằng là cảnh thân tù, “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” (một ngày ở tù bằng nghìn thu ở ngoài), lời thơ của cụ Phan Bội Châu vẫn giữ được cái điềm tĩnh, thoải mái của một con người luôn tự tin, lạc quan trước mọi hoàn cảnh, đó là tinh thần của bậc đại trượng phu với ý chí “uy vũ bất năng khuất” (uy vũ không thể khuất phục).



Trong tù, con người ấy đã phải chịu mọi nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, phải hằng ngày đối diện với khổ đau, đói rét và những tiếng rền rĩ , gào thét của biết bao thân tù hãm vang dội trong bốn bức tường khắc khổ, âm u. Vậy mà, câu thơ dường như không có một phút nào nhường chỗ cho con người yếu mềm. Tất cả đều được lấp đầy bởi bức tranh con người sừng sững đứng giữa đất trời: Ta đã bôn ba giữa năm châu bốn biển, ta vì dân vì nước mà ở tù, ta lên tiếng đòi quyền tự do, quyền làm người chính đáng cho dân tộc ta, cớ sao ta lại phải chịu nhún nhường khuất phục trước bọn phản dân, hại nước kia? Cho nên cái lồng con con ấy, nào có là gì trước tư thế hiên ngang, lẫm liệt của trang “hào kiệt”, tu mi nam tử đầu đội trời chân đạp đất và bậc “phong lưu” có cái lịch lãm, hào hoa.



Câu thơ là sự đối lập hoàn toàn giữa một bên là sự lớn lao, vĩ đại của một bậc anh hùng, hào kiệt và một bên là lũ ô hợp, hèn hạ, tầm thường. Đồng thời, với khẩu khí ngang tàng, cái hất hàm cười cợt, coi thường cái chết, Phan Bội Châu đã giúp ta hình dung ra tư thế của một con người luôn chủ động, luôn làm chủ hoàn cảnh, ngẩng cao đầu ngạo nghễ với lao lung.



Hai câu thực là phút ngoảnh nhìn về những biến cố cuộc đời mà người cách mạng đã trải qua:



Đã khách không nhà trong bốn biển

Lại người có tội giữa năm châu



Trong cái khoảng trời đất bao la, khôn cùng kia, người anh hùng chẳng tìm thấy được một mái ấm, một quê hương. Bởi nhà đã tan, nước đã mất! Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau của một người con yêu nước, một nhà cách mạng chưa làm được gì cho dân tộc phải tạm dừng chân ở chốn lao tù. “Chạy mỏi chân thì hãy ở tù”, giờ đây, tạm nghỉ chốn này, tâm hồn của cụ vẫn đang hướng về mảnh đất tổ tiên đang bị giày xéo bởi kẻ thù thực dân.



Ngẫm mà thấy đau cho một tấm lòng suốt đời vì sự nghiệp cứu nước lại kết thúc bước chân kiêu bạc tại chốn lao tù, cô độc, bởi phải mang tiếng là có “tội giữa năm châu”. Phép đối trong hai câu thực “Đã – Lại” càng khiến cho những gió cát cuộc đời người anh hùng như dồn dập như khắc nghiệt hơn. Nhưng nếu như nghĩ rằng câu thơ có một chút hơi hướng của sự bi lụy thì thật là sai lầm. Đặt nỗi đau khổ của nhà cách mạng vào không gian rộng lớn của bốn biển, năm châu, ta nhận ra tầm vóc lớn lao phi thường của người tù yêu nước Phan Bội Châu. Đã dấn thân vào hoạt động cách mạng, trong hoàn cảnh bị bủa vây truy đuổi bởi kẻ thù, nhưng Phan Bội Châu vẫn kiên định không sờn lòng nản chí.



Từ giọng điệu trầm hùng mà thống thiết, mạch cảm xúc của nhà thơ được nâng lên một tầm cao hơn không chỉ là cái tráng chí được hô to gọi lớn, không phải là một sự trấn an cho tinh thần mà là một lời nói tâm huyết với biết bao hoài bão, lý tưởng tốt đẹp:



Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế

Mở miệng cười tan cuộc oán thù



Không phải hành động”giang tay” mà là cái “bủa tay ôm chặt” mạnh mẽ đã nói lên lý tưởng cao đẹp của một người anh hùng. Dầu đơn độc, cụ vẫn sống vẫn đợi chờ, lạc quan tin tưởng, vẫn ung dung ngạo nghễ trong cốt cách của một trang hào kiệt, một bậc phong lưu. Đó là vì lý tưởng cao đẹp ,là sự nghiệp cứu nước, cứu dân mà suốt đời cụ luôn ấp ủ:



Dựng gan óc lên đánh tan sắt lửa

Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”

(Bài ca chúc Tết thanh niên )



Giấc mộng làm trai gắn với những hoài bão tuổi trẻ của Phan Bội Châu từ lâu đã vượt ra khỏi thứ “công danh” tầm thường bó buộc của người trai thời phong kiến. Giờ đây, tư thế của người anh hùng đã vĩ đại, lớn lao, càng trở nên mạnh mẽ, phi thường hơn nữa. Hai câu luận với lối gieo từ đối nhau, từ những hình ảnh, hành động có tính cụ thể hữu hình “bủa tay – mở miệng”, cho đến những mĩ từ vô hình vô hạn “bồ kinh tế”, “cuộc oán thù” đã khái quát phương châm cách mạng hành động dứt khoát của Phan Bội Châu. Đó là cái tráng chí của con người cách mạng dù rơi vào hoàn cảnh nguy nan vẫn không quên lý tưởng kinh bang tế thế, vẫn mở miệng cười trước những ‘cuộc oán thù”, chủ động trước bất kỳ thử thách nào. Nụ cười ấy chứa đựng niềm tin vào tiền đồ tất thắng của dân tộc, là sự khinh khi những trò hèn hạ truy bức của kẻ thù.



Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu



Chấn song tù giam được thể xác nhưng không giam nổi tâm hồn cụ hướng về đất nước! Bị kìm hãm, bị giam cầm nơi xứ lạ ,tinh thần đấu tranh của cụ Phan Bội Châu đã truyền đạt đến cho những chí sĩ yêu nước, một niềm tin tưởng vào sự nghiệp chiến đấu vì chính nghĩa của chính mình. Dường như ở câu kết, với điệp từ “còn” dõng dạc dứt khoát trên cùng một câu thơ, người đọc đã thấy trước một tương lai tốt đẹp, một đất nuớc tự do, một cuộc sống đầy đủ an bình. Tinh thần bất khuất, không lùi bước của con người là cơ sở của niềm tin, đồng thời bao quát tư tưởng “anh hùng tạo thời thế” rất quyết liệt, không chờ “thời thế tạo anh hùng”.



Dù sự nghiệp cứu nước không thành, nhưng tinh thần “sợ gì đâu” sẵn sàng thách thức với những hiểm nguy của một nhà cách mạng kiên cường, bất khuất vẫn làm ta cảm phục. Đó là lời của một con người đã đạp bằng hoàn cảnh và là sức mạnh tạo nên tư thế của bậc anh hùng “xem cái chết nhẹ tựa lông hồng”. Mãi về sau, khi trở thành “ông già bến Ngự” hoàn toàn bị kìm kẹp tù hãm, ngọn gió yêu nước từ cụ Phan vẫn còn mạnh mẽ, lay động tâm hồn biết bao thanh niên , bao con người yêu nước:



Đời đã mới, người càng nên đổi mới

Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội

Xúm vai vào xốc vác cựu giang sơn.

(Bài ca chúc Tết thanh niên)



Bài thơ kết thúc mà lời thơ chưa kết thúc. Người đọc vẫn còn thấy đâu đây một con người uy phong đứng giữa đất trời, ung dung ngạo nghễ mà kiên định, bất khuất. Trong giây phút tuyệt vọng nhất, người anh hùng Phan Bội Châu vẫn không mất đi cái tráng chí, tinh thần thép của một nhà chí sĩ yêu nước Việt Nam, đã trở thành tấm gương sáng nghìn đời của dân tộc.



Sưu tầm*
 
Các chủ đề có liên quan khác

Các chủ đề có liên quan khác

Top