Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều công lao to lớn đối với dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới trong cuộc đấu tranh thoát khỏi ách thuộc địa, xây dựng xã hội độc lập, tự do, văn minh, tiến bộ. Vì vậy, Người không chỉ là Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hoá lớn mà còn là "một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc". Một trong những cống hiến xuất sắc nhất của Hồ Chí Minh đối với dân tộc là việc lựa chọn con đường cứu nước giải phóng dân tộc duy nhất đúng. Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược và đô hộ, trong khi giai cấp phong kiến, tiêu biểu là triểu đình Huế đã từng bước nhượng bộ, đầu hàng rồi làm tay sai cho thực dân Pháp, khi các cuộc đấu tranh yêu nước, chống Pháp vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã lần lượt thất bại, rơi vào tình thế "dường như trong đêm tối không có đường ra". Điều này thể hiện mâu thuẫn giữa sức sống, tinh thần đấu tranh anh dũng, bền bỉ của dân tộc với sự khủng hoảng về đường lối cứu nước, về giai cấp tổ chức, lãnh đạo cuộc đấu tranh. Tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX dặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết trong cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược, nổi lên là các vấn đề chủ yếu: Lực lượng cách mạng ; giai cấp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc ; Con đường cách mạng ? Trong khi ấy phong trào chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam vẫn liên tục diễn ra. Đồng thời, phong trào của công nhân ngày càng lớn mạnh, như "cánh én báo hiệu mùa xuân". Việc giải quyết vấn đề được đặt ra trong phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam vào thời điểm lúc bấy giờ, giai cấp nào lãnh đạo cách mạng - không thể tách với tình hình quốc tế đang ngày càng ảnh hưởng đến Việt Nam nói chung và Hồ Chủ Tịch nói riêng. Năm 1911, Hồ Chí Minh ra đi với lòng nồng nàn yêu nước, năm 1920 bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành người cộng sản, người chiến sĩ quốc tế xuất sắc, Người đã tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc duy nhất đúng cho dân tộc Việt Nam. Lần đầu tiên Hồ Chí Minh trình bày con đường giải phóng dân tộc Việt Nam trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Hồ Chí Minh chỉ rõ cách mạng Pháp cũng giống như cách mạng Mỹ là cách mạng tư sản, cách mạng không đến nơi. Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là đã thành công và thành công đến nơi. Cách mạng Việt Nam muốn thành công chớ nên theo cách mạng Pháp, cách mạng Mỹ mà phải theo cách mạng Tháng Mười. Hồ Chí Minh khẳng định: "Giai cấp công nhân Việt Nam đã đem ánh sáng cách mạng tháng Mười soi tỏ cho con đường cách mạng Việt Nam"1.. Con đường giải phóng dân tộc Việt Nam được Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ trong bài Con đường cứu nước và giải phóng dân tộc trong thời đại ngày nay, tháng 1/ 1959: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản"2. Giải phóng dân tộc theo con đường Cách mạng Tháng Mười, theo con đường cách mạng vô sản, đó là tư tưởng chỉ đạo mang tính nguyên tắc có ý nghĩa phương pháp luận. Vấn đề đặt ra là con đường Cách mạng Tháng Mười, con đường cách mạng vô sản đó vận dụng vào Việt Nam, một nước thuộc địa nửa phong kiến phải như thế nào. Chỉ làm sáng tỏ vấn đề này chúng ta mới thấy sự vận dụng và phát triển sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lênin của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính cương vắn tắt của Đảng do Hồ Chí Minh soạn thảo được Hội nghị thành lập Đảng thông qua năm 1930 xác định con đường cách mạng Việt Nam cụ thể hơn, rõ hơn: Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Từ đó về sau trong quá trình hoạt động thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Hồ Chí Minh nhiều lần trình bày tư tưởng của mình về con đường cách mạng Việt Nam. Năm 1953, trong tác phẩm Thường thức chính trị, Hồ Chí Minh viết: "Tính chất thuộc địa và phong kiến của xã hội cũ Việt Nam khiến cách mạng Việt Nam phải chia làm hai bước. Bước thứ nhất là đánh đổ đế quốc, đánh đổ phong kiến, thực hiện "người cày có ruộng", xây dựng chính trị và kinh tế dân chủ mới... Bước thứ hai là tiến lên chủ nghĩa xã hội, tức là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản"3.. Các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều thể hiện một "đề tài" là chống đế quốc phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cũng năm 1959, trong Báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tháng 12-1959, Hồ Chí Minh chỉ rằng: Cách mạng Việt Nam trải qua hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa4. Những năm 60 của thế kỷ XX, con đường cứu nước và giải phóng dân tộc Việt Nam được Hồ Chí Minh luận giải khái quát, sâu sắc hơn. Nói chuyện tại Hội nghị bồi dưỡng chỉnh huấn do Trung ương triệu tập, ngày 22/1/1965 Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Những người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình và phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới"5... Có thể khẳng định rằng những quan điểm trên đây đều tập trung phản ánh tư tưởng cốt lõi, xuyên suốt của Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Về vấn đề này đồng chí Phạm Văn Đồng cho rằng trong toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là quan điểm cơ bản nhất, là cốt lõi, là nguồn gốc, là hạt nhân chi phối hệ tư tưởng cũng như hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là trục bất di, bất dịch của cách mạng Việt Nam, vững chắc như non sông đất nước Việt Nam6. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội không chỉ thể hiện sự khác nhau về chất giữa con đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh với con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo hệ tư tưởng phong kiến, hay hệ tư tưởng tư sản mà còn thể hiện rõ nét sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: "Trong khi giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở các nước thuộc địa và phụ thuộc"7. Sự lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ sự tổng kết kinh nghiệm cách mạng thế giới, cuộc đấu trnah của nhân dân Việt Nam sự vận dụng và phát triển sáng tạo tinh hoa nhân loại, đặc biệt là chủ nghĩa Mác - Lênin. Vì vậy đó là sự lựa chọn duy nhất đúng không chỉ đối với Việt Nam mà có ý nghĩa định hướng cho cuộc đấu tranh của các dân tộc, trước hết là phong trào giải phóng dân tộc ở Á, Phi, Mỹ Latinh. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội từ sự lựa chọn của Hồ Chí Minh, đã trở thành lý tưởng và mục tiêu phấn đấu của cách mạng Việt Nam. Điều đó không chỉ được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng mà còn được thử thách và kiểm nghiệm trong thực tiễn đấu tranh cách mạng Việt Nam từ ngày có Đảng đến nay. Con đường giải phóng dân tộc mà Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn là duy nhất đúng trong quá khứ, hiện tại và cho sự phát triển của tương lai! Cho dù, kẻ thù luôn tấn công vào con đường mà chúng ta đã, đang và mãi đi theo. Chúng ta càng thắng lợi, kẻ thù càng chống phá điên cuồng. Chỉ có lòng tin tuyệt đối, sáng suốt và thực hiện sáng tạo, bền gan giữ vững và phát huy sức mạnh con đường giải phóng dân tộc mới đưa đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ,công bằng, văn minh.