Cho mình hỏi: (Quách Nguyễn Ân Điển) Ngày 01/8/2012:
Công ty chúng tui có 1 giấy phép kinh doanh ,hoạt động 2 ngành nghề chính : Sản xuất Sơn cho gỗ và Sản xuất giấy in trên Gỗ. Đã đi vào hoạt động sản xuất từ năm 2007 với cả hai ngành nghề trên ,tuy nhiên thực tế có vấn đề như sau :
-Do công ty thuộc diện doanh nghiệp FDI ,có vốn góp của 2 thành viên là người nước ngoài (tạm gọi ông A và ông B) ,hoạt động với hình thức như sau : cùng một địa bàn hoạt động sản xuất trên khu công nghiệp (cùng chung một lô đất)nhưng tại đây có 2 xưởng sản xuất với 2 ngành nghề khác nhau hoạt động ,ông A quản lý xưởng sản xuất Sơn ;ông B quản lý xưởng sản xuất giấy in ,thực tế 2 xưởng này hoạt động độc lập,có tài khoản riêng ,thu chi riêng ,có mở sổ kế toán theo dõi riêng từng xưởng ,tình hình báo cáo thuế như sau: Thuế GTGT cuối tháng, xưởng sơn tập hợp bảng kê mua vào bán ra chuyển cho xưởng IN kết hợp với số liệu kê khai thuế GTGT của mình rồi làm báo cáo thuế chung vào 1 tờ khai ;thuế TNDN cuối năm xưởng sơn in báo cáo tài chính của mình chuyển cho kế toán xưởng IN ,kế toán xưởng in sẽ kết hợp với báo cáo tài chính của xưởng in sau đó tổng hợp lại làm báo cáo tài chính chung và quyết toán thuế năm .
Xin được hỏi trong trường hợp này (chỉ có 1 giấy phép kinh doanh duy nhất) doanh nghiệp tổ chức khai báo thuế và hạch toán một số trường hợp sau đây có đúng không ?
a/ Kế toán ở 2 xưởng (sơn và giấy ) mở tài khoản 136 và 336 để hạch toán nội qua lại của 2 xưởng có đúng với quy định của kế toán không ?
b/ Khi xưởng sơn bán hàng cho xưởng IN,không xuất hóa đơn ghi doanh thu nội bộ (mặc dù xưởng sơn sản xuất ra sơn, là sản phẩm cuối cùng của xưởng sơn ,và nó dùng để bán cho khách bên ngoài là chủ yếu và cho cả xưởng IN).
c/ Khi xưởng Sơn bán hàng cho xưởng in thì ghi sổ như sau: tại xưởng Sơn : Nợ 336 / có 155 ;tại xưởng In ghi : Nợ 152 / Có 336
d/ Khi xưởng In thanh toán cho xưởng Sơn, thì : tại xưởng IN ghi : Nợ 336/Có 112
Trân trọng.
 
Trả lời câu hỏi của Bạn, Ban Tư vấn Kế toán có ý kiến như sau:

Về nguyên tắc doanh nghiệp FDI mà Bạn nêu phải tổ chức thực hiện công tác kế toán, lập và trình bày BCTC theo quy định của Luật Kế toán, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam và chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành. Trong quá trình hoạt động kinh doanh có hai phân xưởng như Bạn nêu, nhưng tổ chức sản xuất, quản lý, kế toán và thực hiện các nghĩa vụ vể thuế vẫn phải là một doanh nghiệp (pháp nhân) thống nhất.

Do tổ chức sản xuất của từng phân xưởng có quy trình công nghệ độc lập, sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh do đó, phải xác định một trong hai phân xưởng hoạt động với tư cách doanh nghiệp. Còn phân xưởng còn lại là hạch toán trực thuộc doanh nghiệp, được phân cấp quản lý theo mô hình tổ chức kinh doanh của công ty và tổ chức công tác kế toán riêng. Khi đó, kế toán các quan hệ thanh toán giữa doanh nghiệp với phân xưởng trực thuộc được vận dụng các Tài khoản 136 - "Phải thu nội bộ", TK336 - "Phải trả nội bộ" (theo đúng hướng dẫn trong chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành). Cuối kỳ kế toán phân xưởng hạch toán trực thuộc phải lập Báo cáo tài chính (chưa đầy đủ như một doanh nghiệp độc lập); Sau đó doanh nghiệp phải tổng hợp hai Báo cáo tài chính của hai phân xưởng thành Báo cáo tài chính đầy đủ của một doanh nghiệp. Bạn cần lưu ý khi lập Báo cáo tài chính đầy đủ của một doanh nghiệp phải loại trừ các giao dịch nội bộ (doanh thu nội bộ (nếu có), các khoản phải thu, phải trả nội bộ ...) và thuyết minh chi tiết cả về đặc thù tổ chức kinh doanh và quản lý, kê khai thuế như Bạn đã nêu. Nếu còn vướng mắc xin liên hệ trực tiếp với Ban Tư vấn Kế toán để cùng trao đổi./.

PTĐ
 

Các chủ đề có liên quan khác

Top