Tả cây đa, hay cây xoan nơi vườn quê, làng quê.



Bài làm



Làng Thọ Vĩnh quê em có cây đa cổ thụ. Ông nội em cho biết cây đa cùng tuổi với đình làng : hơn hai thế kỷ.



Gốc đa to, xù xì, bốn năm người lớn ôm mới xuể. Ngọn đa cao vút chọc trời xanh. Đa có nhiều cành, nhiều rễ phụ to như cột đình, cột nhà. Lá đa bằng bàn tay người lớn, dày và bóng. Lá đa non màu đồng hun. Búp đã chĩa ra như những ngọn giáo nhọn hoắt màu nâu đỏ.



Tán đa xanh um, che rợp mát mái đình, sân đình và ao đình. Trái đa to bằng quả cà. Trái đa chín màu nâu sẫm như quả táo tàu thuốc bắc, có nhiều hạt nhỏ bằng hạt kê, ngòn ngọt. Mùa đa chín, sáo đen mỏ vàng, sáo sậu kéo đến hàng đàn, tranh nhau, cãi nhau chí chóe suốt ngày, suốt buổi.



Cây đa là vẻ đẹp của quê em, là niềm tự hào của bà con làng Thọ Vĩnh. Trên đường đi học về, từ xa nhìn ngọn đa làng, chúng em vẫy tay rối rít, vừa chạy vừa reo.



Hoàng Đinh Quân, 2A

Trường Tiểu học Ba Vì – Hà Tây*

 
Không biết tự bao giờ, cây đa, bến nước, sân đình đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam. Nhớ làm sao những câu chuyện bà kể dưới gốc đa có chị Hằng, Thạch Sanh, chú Cuội. Đa đi vào ca dao, truyện cổ tích. Ôi! Yêu làm sao cây đa cổ thụ làng ta.



Chẳng ai biết cây đa đầu làng bao nhiêu tuổi cả, chỉ biết khi ông bà ta sinh ra thì đã có cây đa rồi. Đa cứ thế mà lớn lên, rồi trở thành một cây cổ thụ.



Đa nhiều rễ lắm, rễ nổi rễ chìm làm cho mặt đất gồ ghề cả lên. Thân đa to lắm, ba bốn người vòng tay ôm chưa xuể. Đa không có quả thơm, quả ngon như mận, như đào; đa cũng chẳng có hoa đẹp, hoa thơm như gạo, mai. Đa chỉ có tấm thân lực lưỡng trăm cành hiên ngang và tán lá quanh năm xanh biếc. Đa giản dị là bao!



Gốc đa là nơi nghỉ ngơi của bao lữ khách, là nơi nghỉ của cái cuốc, cái cày, con trâu. Nhớ da diết cái thuở ấu thơ theo bà đi chợ, về ngồi nghỉ dưới gốc đa nhâm nhi bát nước chè xanh. Nghĩ đến mà thấy ấm lòng quá. Nhớ cái thuở trẻ thơ, bẻ cành tre, khắc chữ lên cây đa. Đâu ngờ, đa buồn. Đa đau. Đa khóc…



Đa thương người nông dân, nắng mưa sớm chiều phải đi làm ruộng. Đa thương cái tính cần cù chất phác đó, đa cứ thế vươn cành cho rộng, chăm chút tán lá cho dày để gốc đa mát mẻ cho họ nghỉ…



Xuyên suốt từ Bắc vào Nam, trên dải đất liền hình chữ S, nơi mà biết bao anh hùng đã ngã xuống, đâu đâu cũng có đa. Ai yêu nước, thương dân cũng yêu đa. Đơn giản vì đa dũng cảm. Đa cho bộ đội nơi làm phòng tuyến, lá đa dày giặc chẳng thể nhìn thấy. Đa hứng trên mình bao trận bm của giặc. Đa xót xa khi thấy làng mạc bị phá hủy, đa căm thù bọn giặc tàn ác...



tui yêu lắm cây đa làng tôi, yêu lắm cái khoảng thiên nhiên rộng lớn này. tui muốn đứng trên đỉnh đồi khi trong tim tràn ngập ánh dương của yêu thương để hét lên “Ta yêu đa”. Để rồi nghe trong lá cây rì rào đáp lại “Ta yêu người” thật dịu dàng. Yêu lắm cái thuở bé con, ngồi dưới gốc đa ngắm nhìn hoàng hôn lúc buổi chiều tà để thấy lòng ta thật trống trải. Nhớ những trưa hè nắng gắt, ngồi dưới gốc đa ngắm cánh đồng lúa chín vàng óng ả như tóc của cô thôn nữ để cảm nhận cảnh đẹp tuyệt vời của quê hương ta…



Đa trải lòng mình cho ánh nắng để nắng đem yêu thương đến cho mọi người. Đa yêu con người nơi quê dân dã, mộc mạc, cần cù. Đa cũng biết người thương đa. Ngày ngày ra nhổ đám cỏ gai khỏi gốc đa cho đa đỡ đau, đa quý tấm lòng ấy. Cả làng ai cũng tự hào khi có đa. Đa là bạn, là thầy, đa sẻ chia mọi điều… tui yêu đa, thương đa vì đa giản dị, hiền hậu và tui biết đa quý tôi. Đa im lặng nghe tui thao thao nói chuyện về mọi thứ trên đời. Đa nhắn nhủ chúc mừng khi tui có chuyện vui. Đa mừng, tán lá đa rì rào trong gió. tui buồn, đa cũng buồn. Đa thích nghe lũ chim sâu ca hát nhảy nhót quanh bác trâu, cô bò...




Sưu tầm
 

Các chủ đề có liên quan khác

Top