Do trong dịch quýt có nhiều chất dinh dưỡng có tác dụng bồi bổ sức khoẻ, nên quýt được nhân dân nhiều nước dùng làm thức ăn cho người bệnh, người yếu mệt, làm thuốc chữa khát, chữa bệnh thiếu vitamin C và giải say rượu.
Ngoài giá trị ăn uống, nhiều bộ phận của quả quýt còn được Đông y dùng làm thuốc như hạt quýt và vỏ quýt. Vị thuốc được nhân dân ta dùng phổ biến nhất là trần bì. Đây là vỏ quýt chín phơi khô, càng để lâu năm càng tốt.
Để có trần bì làm thuốc, đến mùa quýt chín người ta hái quả về, khía vỏ quả làm 3 - 4 mảnh sát đến cuống, ăn múi rồi xâu vỏ vào dây lạt, phơi thoáng gió hay sấy nhẹ cho khô. Không nên treo gác bếp làm trần bì bị mất tinh dầu và dễ bẩn.
Theo Đông y, trần bì vị đắng cay, tính ấm, vào hai kinh tỳ, phế, có tác dụng điều hoà khí, tiêu đờm, ráo thấp, tiêu chất bị ứ đọng, làm mạnh tỳ, được dùng chữa các chứng tức ngực, đầy bụng, ăn không tiêu, nôn mửa, tiêu chảy, ho có nhiều đờm. Liều dùng 3 - 10g mỗi ngày, dùng sống hay sao sắc lấy nước uống.
Ngoài tác dụng chữa bệnh, vỏ quýt còn là một gia vị và cũng là một hương liệu quí để chế rượu mùi. Đến mùa quýt chín, chúng ta có thể ngâm rượu vỏ quýt như sau: Lấy 40g vỏ quýt, cạo hết lớp cùi trắng bên trong, thái nhỏ, ngâm với 1 lít rượu trong một tuần lễ; Lắc đều, lọc và pha loãng với nước đường sẽ được một thứ rượu mùi nhẹ, thơm ngon, dùng uống khai vị trước bữa ăn rất tốt.