Tổng doanh số của các doanh nghiệp có xu thế được cải thiện rõ rệt và 6 tháng cuối năm 2014, các doanh nghiệp dự cảm doanh số tiếp tục được cải thiện khá cao.
Ngày 19/06/2014, Viện Phát triển Doanh nghiệp, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố báo cáo Động thái doanh nghiệp Việt Nam 6 tháng đầu năm. Báo cáo này được triển khai điều tra trong giai đoạn cuối tháng 4, đầu tháng 5/2014 – trước khi xảy ra tình hình căng thẳng trên biển Đông.
Theo báo cáo, nhìn chung các yếu tố của tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 được các doanh nghiệp cảm nhận là tốt hơn so vói 6 tháng cuối năm 2013 mặc dù còn nhiều tồn tại chưa được cải thiện. Tổng thể điều kiện SXKD 6T2014 tốt hơn so với 6 tháng cuối năm 2013 và các điều kiện này được dự cảm sẽ tiếp tục tốt hơn vào 6 tháng cuối năm 2014.
Theo đó, tổng doanh số của các doanh nghiệp có xu thế được cải thiện rõ rệt và 6 tháng cuối năm 2014, các doanh nghiệp dự cảm doanh số tiếp tục được cải thiện khá cao. Giá bán bình quân 6 tháng đầu năm 2014 giảm so với 6 tháng cuối năm 2013 mặc dù với tốc độ chậm lại, phản ánh một thực tế rằng các DN vẫn thực hiện các biện pháp giảm giá và tăng chiết khấu để thúc đẩy doanh số nhưng không còn giảm sâu và ồ ạt như năm 2013.
Điểm lạc quan nhất trong các chỉ số đánh giá về tình hình sản xuất của DN là năng suất lao động bình quân được cảm nhận có xu hướng cải thiện rõ rệt. Các DN đã bắt đầu nhận thức được rằng tăng trưởng không thể mãi dựa vào vốn mà phải dựa vào yếu tố năng suất lao động.
Bên cạnh đó, báo cáo này cũng cho biết chỉ số tổng thể môi trường pháp lý và kinh tế vĩ mô cũng cải thiện thể hiện qua chất lượng của các quy định pháp lý, hiệu lực thực thi chính sách, thủ tục hành chính liên quan tới doanh nghiệp, sự cải thiện trong thái độ và ý thức trách nhiệm của các bộ công quyền, sự ổn định của môi trường pháp lý và điều hành kinh tế.
Báo cáo cũng cho biết điểm sáng nổi bật trong các chuyển biến tốt là: tiếp cận nguồn thông tin về thị trường, công nghệ; Điều kiện hạ tầng tiện ích như điện nước, xử lý rác thải; Thái độ, ý thức trách nhiệm và năng lực của cán bộ công quyền trong việc thực hiện các quy định pháp lý; Nhu cầu quốc tế; Hiệu lực thực thi và áp dụng các quy định pháp lý, chính sách và thủ tục hành chính trên thực tế; Chất lượng của các quy định pháp lý, chính sách, thủ tục hành chính; Cung ứng lao động đáp ứng yêu cầu; Tổng doanh số và hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị.
Tuy nhiên, điểm đáng quan ngại nổi bật trong các chuyển biến không thuận lợi đó là lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm; Nhu cầu thị trường trong nước; giá thành sản xuất và giá bán bình quân.
Ngoài ra, theo báo cáo của VCCI, trong 5 tháng đầu năm 2014, đã có 21,6% DN hoàn thành kế hoạch doanh thu 2014 trong đó có đến 27,9% DN đạt trên 90% kế hoạch và 16,4% DN đạt trên 70% kế hoạch.
Đối với kế hoạch lợi nhuận, có 14,5% DN đã hoàn thành. Trong đó 29% DN đạt trên 90% kế hoạch và 22,4% DN đạt trên 70% kế hoạch. Song bên cạnh đó, đã có 4,2% DN trả lời khảo sát phải tạm ngừng hoạt động. Thời gian trung bình ngừng hoạt động là 1,5 tháng với nguyên nhân chính là do không tìm được thị trường đầu ra (50% doanh nghiệp). Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc DN phải ngừng hoạt động lâu nhất (4 tháng). Điều này chứng tỏ rằng để tiêu thụ được sản phẩm vẫn đang là một thách thức rất lớn cho doanh nghiệp.
Hải Minh
Theo Trí Thức Trẻ