Rượu bia cũng gây béo phì bởi nó cung cấp năng lượng nhiều gấp 7 lần so với cùng một lượng tinh bột. Đáng sợ hơn, nó làm tích mỡ ở cả các cơ quan nội tạng như gan, não.



Tiến sĩ Hoàng Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm truyền thông thuộc Viện Dinh Dưỡng, cho biết, 1 g chất bột cung cấp 1 kcal. Nhưng khi tiếp nhận 1 kcal đó, cơ thể cũng tiêu tốn một năng lượng nhất định cho việc chuyển hóa. Còn 1 g rượu cung cấp khoảng 7 kcal, nhưng năng lượng này được nhận trực tiếp mà không cần chuyển hóa nữa.



Như vậy, nếu uống vừa phải, rượu bia sẽ có tác dụng kích thích, tốt cho sức khỏe và cung cấp năng lượng. Nhưng nếu uống nhiều, năng lượng sẽ dư thừa và con đường duy nhất của nó là chuyển thành mỡ để tích trữ.



Biểu hiện dễ thấy nhất của tình trạng trên là bụng phệ - hình ảnh quen thuộc của những người nhậu nhẹt nhiều. Bác sĩ Thanh cho biết các trường hợp béo bụng nguy hiểm hơn trường hợp có cùng lượng mỡ nhưng được phân bố đều. Nguy cơ bệnh tim mạch và tiểu đường ở những người béo bụng rất cao.



"Dù sao đó cũng chỉ là phần trông thấy được" - bác sĩ Kim Thanh nói. Thói quen uống nhiều bia rượu còn làm tích mỡ ở các cơ quan nội tạng và gây bệnh, chẳng hạn tích ở gan dẫn đến gan nhiễm mỡ. Ở não, các tế bào mỡ bao bọc tế bào thần kinh, khiến chúng không hoạt động tốt được nữa và bị hủy diệt rất nhanh.



Không giống các cơ quan khác trên cơ thể, tế bào não một khi đã chết sẽ không được thay thế. Do đó, người uống rượu nhiều sẽ chóng bị giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ.



Ngoài ra, nhân purin trong rượu bia còn giúp cơ thể tạo ra nhiều axit uric - nhân tố gây bệnh gút.



Rượu "quốc lủi" đầy chất độc



Tiến sĩ Kim Thanh cho biết, quá trình ủ và nấu rượu làm sản sinh nhiều chất độc, trong đó có aldehyd. Khi vào cơ thể, nó sẽ gây ngộ độc, nhất là với tế bào thần kinh, dẫn đến lú lẫn. Nó cũng khiến chuyển hóa trong cơ thể kém đi, dẫn đến thiếu vitamin B1 - một chất quan trọng đối với sự khỏe mạnh của hệ thần kinh.



Các nhà máy rượu đều có quy trình khử độc, rượu càng cao cấp thì hiệu quả khử độc càng cao. Quy trình nấu rượu thủ công ở Việt Nam hiện nay không loại trừ được các chất độc trong rượu. Do đó, việc uống loại rượu này rất dễ gặp nguy hiểm. Đã có không ít người phải đi cấp cứu hay tử vong sau khi uống rượu "quốc lủi".



Theo bác sĩ Thanh, các loại bia hơi sản xuất thủ công cũng chứa độc tố như rượu, thậm chí có cả đioxin.



Theo VnExpress
 

Các chủ đề có liên quan khác

Top