Trung Quốc vẫn nhập khẩu gạo tiểu ngạch từ Việt Nam
TIN MỚI
Nâng giá trị xuất khẩu cá tra: Không thể sản xuất manh mún
Gà lậu có thao túng thị trường?
Nho an toàn đắt khách
Cục XNK chưa nhận được bất cứ thông tin gì về việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu gạo từ Việt Nam qua đường tiểu ngạch.
Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, tính đến thời điểm này, Cục Xuất nhập khẩu chưa nhận được bất cứ thông tin gì về việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu gạo từ Việt Nam qua đường tiểu ngạch.
6 tháng, xuất khẩu 529 nghìn tấn
Thời gian qua, dư luận đang xôn xao về việc trang Oryza.com đưa thông tin, Trung Quốc đã chính thức cấm nhập khẩu gạo từ Việt Nam qua biên giới (tiểu ngạch). Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu, hiện nay, chưa có thông tin chính thức về vấn đề này.
“Có thể có việc phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra kiểm soát, gây khó khăn cho việc xuất khẩu của Việt Nam nhưng việc ngừng hẳn nhập khẩu gạo qua tiểu ngạch thì chưa có” – Cục Xuất nhập khẩu khẳng định.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, lãnh đạo Hải quan cửa khẩu Bản Vượng (Lào Cai) cho biết thêm: Những ngày gần đây, hoạt động xuất khẩu gạo quan cửa khẩu vẫn đuợc duy trì nhưng số lượng giảm hơn những ngày trước. Nguyên nhân chính là do phía Trung Quốc đang thắt chặt chính sách, ngoài ra, các doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc kinh doah khó khăn hơn nên việc mua gạo giảm.
Cũng theo Cục xuất nhập khẩu, kể từ khi xảy ra sự cố trên biển Đông, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu gạo vẫn diễn ra bình thường, không có biến động lớn.
Cục Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc đạt khoảng 529 nghìn tấn. Tuy nhiên, thời gian qua, do giá bán gạo của Việt Nam tăng lên nên phía doanh nghiệp Trung Quốc cũng bắt đầu mua ít đi, trước mắt sẽ không ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo
Mặc dù khẳng định không có chuyện tạm dừng xuất khẩu gạo qua tiểu ngạch nhưng trên thực tế, việc xuất khẩu gạo sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch không phải là hình thức được khuyến khích do tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Hiện nay, mỗi năm, có khoảng 2 triệu tấn gạo xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức này.
Trên thực tế, để giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam đã và đang chủ động đàm phán các hợp đồng xuất khaủa gạo tập trung với nhiều quốc gia và bước đầu đã có kết quả khả quan.
Đơn cử, cuối tháng 6/2014, Việt Nam đã giành được hợp đồng cung cấp 200 nghìn tấn gạo cho Malaysia. Cùng với hợp đồng 800 nghìn tấn gạo đã ký với Philipines vào tháng 4/2014, đây là 2 hợp đồng gạo rất lớn trong năm nay. Bên cạnh đó, một số thị trường trọng điểm như Indonesia cũng đang có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn trong thời gian sắp tới.
Về lâu dài, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã và đang chủ động mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo.
Cụ thể, hiện nay, Việt Nam đang ưu tiên xúc tiến thương mại gạo với các thị trường truyền thống, tập trung, có quan hệ lâu dài về thương mại gạo nói riêng và thương mại nói chung như Indonesia, Philipines, Malaysia... Đây đều là những thị trường lớn xét cả về hợp tác song phương lẫn quy mô thị trường, cần dành những ưu tiên cao để phát triển bền vững.
Tiếp theo là những thị trường thương mại lớn khác như Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông, châu Phi... hay những thị trường mới như Haiti, Mỹ La Tinh, Mexico, Irắc...
Ngoài ra, 1 số thị trường khác như châu Âu cũng đang được Bộ Công Thương quan tâm để phối hợp với các cơ quan, Hiệp hội cùng đẩy mạnh phát triển. Bên cạnh đó, chất lượng gạo và các yêu cầu về kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu cũng là điều được Bộ Công Thương quan tâm tìm hiểu, nhằm duy trì tính bền vững của xuất khẩu gạo.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, lượng gạo xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm đạt khoảng 3,86 triệu tấn, trị giá 1,75 tỷ USD. Dự kiến, năm 2014, xuất khẩu gạo sẽ có thể đạt tương đương như năm 2013 (6,65 triệu tấn).Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 32%.