nh0cc0ndeptrai

New Member
Du lịch Hà Giang, mảnh đất địa đầu cực Bắc của Việt Nam, nơi có khí hậu quanh năm mát mẻ, không khí trong lành nên Hà Giang luôn là địa chỉ du lịch hấp dẫn và bổ ích đối với khách du lịch. Tour du lịch Hà Giang có địa hình hiểm trở, nhưng rất kỳ vĩ, có núi cao, cao nguyên và cả thung lũng nên nhiều sông suối, thiên nhiên đã kỳ tạo cho Hà Giang nhiều thắng cảnh hùng vĩ, ngoạn mục như cao nguyên Đồng Văn, đỉnh Tây Côn Lĩnh, Thác Thuý, Thác Bay, Thạch Nhũ Đôi, Cổng trời Quản Bạ, đỉnh Mã Pì Lèng, Cột cờ Lũng Cú - Nơi đỉnh đầu của Tổ quốc, khu du lịch Tam Sơn - núi Tiên... cùng nhiều ghềnh thác, hang động với nhiều hình khối, đường nét kỳ thú và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.1. Cao nguyên đá Đồng Văn:
Vị trí: Cao nguyên Đồng Văn thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Đặc điểm: Đồng Văn có Lũng Cú được coi là “nóc nhà của Việt Nam”, nổi tiếng về phong cảnh thiên nhiên, trái ngon, dược liệu quý.
Đồng Văn là một huyện vùng cao biên giới của Hà Giang, huyện lỵ cách thị xã Hà Giang 146km. Huyện có 19 xã thì 9 xã có đường biên giới với Trung Quốc. Mùa đông nhiệt độ có lúc xuống đến 1ºC, nhưng mùa hè nóng nhất chỉ khoảng 24ºC. Bầu trời hầu như quanh năm mưa và mù nên ở đây người dân có câu: "thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày" và "đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng". Ðồng Văn có điểm cực Bắc của Việt Nam tại Lũng Cú. Người ta nói rằng nếu chưa lên Lũng Cú thì coi như chưa đến Ðồng Văn, bởi Lũng Cú là "nóc nhà của Việt Nam" nơi mà "cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời".

Ðồng Văn nổi tiếng về trái ngon: đào, mận, lê, táo, hồng.. về cây dược liệu quý: tam thất, thục địa, hồi, quế.. Ðồng Văn còn nổi tiếng về phong cảnh như núi non, hang động, những rừng hoa đủ sắc màu.. Chính nơi đây đã tạo cho các nghệ sỹ nguồn cảm hứng sáng tác nên những tác phẩm hội hoạ, nhiếp ảnh độc đáo trên thế giới về thiên nhiên: núi rừng, ruộng bậc thang..

Ðến với Ðồng Văn là dịp để thử lòng can đảm của bạn bởi đèo cao vực thẳm, nhiều khi phải đi bộ. Nhưng đổi lại, bạn được những ngày đắm mình với thiên nhiên hùng vĩ, sống bên những con người còn cùng kiệt khó nhưng vẫn tràn đầy niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Bạn cũng sẽ được thả hồn trong tiếng khèn, tiếng sáo. Biết đâu nó sẽ làm bạn phải ngẩn ngơ khi rời chốn xa xôi này.

2. Núi đôi Quản Bạ:
Vị trí: Núi đôi Quản Bạ nằm bên quốc lộ 4C, cách thị xã Hà Giang chừng 40km, thuộc địa phận huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.
Đặc điểm: Đó là hai quả núi trông như hai trái đào tiên.
Du khách qua đây đều có dịp chiêm ngưỡng “tác phẩm nghệ thuật” của tạo hoá ban tặng cho vùng đất này. Giữa những núi đá trùng điệp và ruộng bậc thang nổi lên hai trái núi có hình dáng, thế đứng ngồ ngộ khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hoá. Hai trái núi gắn với truyền thuyết “Núi Cô Tiên” rất thi vị.

Với địa thế đẹp, thời tiết trong lành của vùng cao, vùng núi đôi Quản Bạ đang trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn của tỉnh Hà Giang.

3. Dinh họ Vương:
Vị trí: Dinh họ Vương (Vương Chí Sình) nằm trên địa bàn xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cách huyện lỵ Đồng Văn chừng 24km.
Đặc điểm: Đây là một công trình kiến trúc đẹp, hiếm có và rất độc đáo của vùng cao nguyên này.
Đoạn đường dẫn vào dinh chỉ dốc thoai thoải, được lát bằng những phiến đá lớn, vuông vức, bằng phẳng. Dinh được bao bọc bởi hai bức tường thành xây bằng đá, dày khoảng 60cm đến gần 1m, cao từ 2,5 đến 3m. Vòng thành trong dày và kiên cố hơn vòng thành ngoài. Cả hai vòng thành đều bố trí nhiều lỗ châu mai. Khoảng đất giữa hai tường thành rộng khoảng 50m, được trồng cây. Dinh có 10 ngôi nhà, 6 ngôi nằm cùng một hướng, 4 ngôi kia nằm theo hướng khác. Ngôi nhà chính quay mặt ra phía cổng. Các ngôi nhà đều được làm bằng gỗ quý từ cột, kèo, sàn, vách. Mái nhà lợp bằng ngói máng.

Tại ngôi nhà chính còn lưu bức hoành phi với bốn chữ "Biên chinh khả phong" được vua Nguyễn ban cho. Các bức chạm trên đá, trên gỗ cho thấy sự tinh xảo và tài nghệ của người thợ. Công trình đã được xếp hạng di tích và bảo vệ từ năm 1993. Di tích này đáng để bạn dừng chân và quên đi mọi vất vả sau những chặng đường cheo leo hiểm trở. Công trình toát lên vẻ thâm nghiêm trong khung cảnh tĩnh mịch nơi vùng cao biên giới.

4. Chợ tình Khau Vai:
Vị trí: Chợ tình Khau Vai thuộc xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Đặc điểm: Đây là một phiên chợ tình độc đáo của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Mới 3 giờ chiều 26/3 (âm lịch), phiên chợ Khau Vai nằm trong làng người Nùng, trong một thung lũng khá rộng và bằng phẳng đã chật người. Đủ màu sắc phục trang của các dân tộc H’Mông, Dao, Giáy, Tày, Nùng..khiến cả phiên chợ cứ rực lên như rừng hoa chuối. Các cô gái, chàng trai thậm chí cả người già, người trung tuổi ai nấy đều không giấu nổi được nét rạo rực, bồn chồn trên khuôn mặt, trong bộ quần áo mới phẳng phiu, có lẽ đã được giành cất cả năm đến phiên chợ trọng đại này mới đem ra dùng.
Từ ngày hôm trước, lều quán đã được dựng khắp thung lũng, nhưng nhiều nhất vẫn là những quán rượu ngô, thắng cố, nơi dừng chân đầu tiên của các cặp tình nhân trẻ cũng như già, mới cũng như cũ. Và cũng ngay từ chiều hôm trước, nhiều cặp vợ chồng, tình nhân vì đường xa, đã “xôi đùm, ngô nắm” lên yên ngựa, hay thong thả theo đường núi cho kịp chợ tình trong tiếng khèn, tiếng hát réo rắt suốt ngày đêm không tắt trên các triền núi xa xa dẫn đến Khau Vai ngày chợ.

Cuộc sống ở vùng núi cao thường là rất buồn tẻ. Cả năm mới có một phiên chợ, lại là phiên chợ tình, bởi vậy, có nhiều gia đình cả bố, mẹ, con dâu, con trai dắt díu nhau đến chợ vui như chảy hội. Thậm chí có nhiều cặp vợ chồng lấy nhau từ hơn chục năm nay, đã có với nhau bốn mặt con và sống cách chợ Khau Vai gần hai ngày đường cũng lặn lội đến đây tìm niềm vui..

Bóng chiều chạng vạng bắt đầu đổ xuống thung lũng Khau Vai trong thanh âm nhộn nhịp tiếng nói cười, đi lại, gọi nhau và cả tiếng lục lạc, vó ngựa của phiên chợ lúc nào cũng nhộn nhịp đông vui nhất. Đó đây trong các lều quán bắt đầu xuất hiện những cặp tình nhân ngồi sát bên nhau, vừa chụm đầu trò chuyện vừa nhắm thức ăn và…uống rượu. Rượu được rót tràn bát, như tình cảm của người vùng cao lúc nào cũng lai láng không bến bờ. Họ uống cho ngày gặp lại sau một năm xa cách, có thể đằng đẵng, đầy nhớ nhung, đến khi nào không thể uống và không nên uống nữa, họ sẽ dắt tay nhau ra ngọn núi phía xa xa kia để tự tình thâu đêm đến sáng mới trở về với vợ, chồng mình.

Những người già nhất xã Khau Vai bây giờ cũng không ai biết chợ tình Khau Vai có tự bao giờ. Chỉ biết rằng, từ lúc còn để chỏm họ đã thấy có chợ tình rồi. Truyền thuyết bắt nguồn phiên chợ là câu chuyện tình của một người con trai H’Mông và một người con gái Giáy yêu nhau. Song, tình yêu của họ đã gây ra ra hiềm khích giữa hai bộ tộc. Để tránh cuộc đối đầu đẫm máu, họ buộc phải xa rời nhau. Tuy nhiên, chàng trai và cô gái thề nguyền rằng, dù không lấy được nhau và phải lập gia đình với người khác thì mỗi năm họ sẽ gặp nhau một lần vào đêm 26/3 tại chợ Khau Vai bây giờ. Chợ tình Khau Vai được hình thành từ đó, mới đầu chỉ là nơi hẹn hò của những người đã lỡ dở tình duyên với nhau và là đêm chợ truyền thống của người dân tộc H’Mông, nhưng sau đó được các dân tộc khác hưởng ứng. Đến bây giờ Khau Vai đã trở thành phiên chợ hẹn hò, tìm kiếm tình yêu của tất cả mọi người từ thanh niên cho đến người đã có gia đình.

Phiên chợ tình Khau Vai càng về đêm càng trở nên sâu lắng, chỉ có tiếng trò chuyện thì thầm và tiếng khèn, tiếng hát réo rắt gọi bạn tình vang lên từ những ngọn núi, đồi xa xa. Du khách dẫu một lần đến với chợ tình Khau Vai hẳn sẽ không quên được những giây phút đầy thi vị này.

5. Bãi đá cổ Nấm Dẩn:
Bãi đá cổ Nấm Dẩn được phát hiện vào năm 2004 bởi các nhà khoa học Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hà Giang. Khu di tích đá cổ chạm khắc các hình vẽ có cách đây cả nghìn năm nằm trong một thung lũng rộng thuộc địa phận xã Nấm Dẩn. Khác với di tích đá cổ ở Sa Pa (Lào Cai), bãi đá cổ Nấm Dẩn còn được ít người biết đến nhưng vẻ đẹp của các hình vẽ và những điều bí ẩn xung quanh các phiến đá thì không kém phần hấp dẫn và lôi cuốn.

Các di tích cự thạch này nằm giữa dãy núi Tây Ðản và dãy núi đồi Nấm Dẩn, ngay gần sát với con suối Nậm Khoòng. Nhiều tảng đá trầm tích lớn nằm dọc bờ suối với hình thù đa dạng và độc đáo. Có tảng đá như một bàn cờ phẳng, có tảng lại giống tấm phản nằm hay một chiếc ghế ngồi. Trên bề mặt và ở các rìa cạnh của tấm đá vẫn giữ được nguyên trạng phong hóa tự nhiên.

Nhân dân trong vùng gọi khu vực này là Nà Lai (ruộng nhiều chữ) vì trên một số tảng đá có khắc hình, chữ. Các hình khắc vẽ rất đa dạng, mang vẻ đẹp riêng trong phong cách tạo hình của nghệ thuật cổ. Ngoài hơn 80 hình khắc vẽ, trên bề mặt tảng đá còn có khoảng 80 lỗ vũm, được khoét với đường kính trung bình 5 - 6cm, sâu 1 – 2cm, các vũm phân bố chủ yếu ở đầu phía tây của tảng đá. Mỗi tảng đá là một điều bí ẩn, gắn với những câu chuyện ly kỳ mang dấu ấn tín ngưỡng, thể hiện sự linh nghiệm cầu ứng các đấng thần linh của nhân dân các dân tộc thiểu số trong vùng.

Cho đến nay, ở Việt Nam, những dấu tích nghệ thuật tạo hình thời tiền sử còn tìm thấy khá ít. Theo các nhà KH, di tích cự thạch Nấm Dẩn có niên đại khoảng 2000 năm. Đây có thể là di tích mộ của thủ lĩnh cộng đồng hay là khu đất thiêng, thờ cúng thần linh, tổ tiên và các nhân vật lỗi lạc của cộng đồng dân cư. Ngoài ra, di tích cự thạch Nấm Dẩn còn có khả năng liên quan đến tục thờ thần đá của các cư dân tiền sử.

Có thể nói Bãi đá cổ Nấm Dẩn có giá trị đặc biệt về văn hoá, lịch sử, tín ngưỡng và giá trị nghiên cứu khoa học cao. Nơi đây chứa đựng tiềm năng du lịch rất lớn và là một địa điểm tham quan rất thú vị cho du khách. Thời gian tới, đang có khá nhiều hãng lữ hành có ý định đưa di tích này trở thành điểm đến trọng điểm trong chương trình du lịch đi bộ, thăm các bản làng.

6. Cột cờ Lũng Cú:
Vị trí: Lũng Cú - mảnh đất địa đầu Tổ quốc, thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cách thị xã Hà Giang khoảng 200km.
Đặc điểm: Đến đây, du khách sẽ có dịp được tận hưởng bầu không khí trong lành, tìm hiểu về những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của một số dân tộc.
Từ thị xã, theo quốc lộ 4C ngược lên phía đông bắc khoảng 160km, du khách sẽ đến xã Đồng Văn, huyện Đồng Văn. Từ đây, tiếp tục xuôi theo con đường trải nhựa nối liền hai xã Lũng Cú - Đồng Văn khoảng 40km, du khách sẽ đến với đỉnh Lũng Cú.

Từ xa, Lũng Cú hiện ra thật sinh động: một vùng đất với 3/4 là đá, nổi bật lên là cột cờ Tổ quốc có hình dáng giống cột cờ Hà Nội, trông xa giống như một ngọn tháp; xung quanh là phong cảnh núi rừng hùng vĩ, trùng điệp... Khi tới gần, vẻ đẹp nơi đây càng rõ nét hơn: Một cột cờ được dựng trên đỉnh núi Rồng (Long Sơn), dưới chân cột có khắc phù điêu mang rõ nét hoa văn của trống đồng Ðông Sơn, lá cờ Tổ quốc tung bay phất phơ trong gió và in bóng xuống mặt hồ Lô Lô xanh biếc. Quan sát kỹ hơn một chút, du khách sẽ thấy giữa lưng chừng núi Rồng có một cái hang khá rộng và đẹp, đồng bào ở đây gọi là hang Sì Mần Khan.

Xã Lũng Cú có tổng diện tích tự nhiên là 3460 ha với chín thôn, bản, đó là: Lô Lô Chải, Séo Lủng, Tả Giá Khâu, Cẳn Tằng, Thèn Ván, Thèn Pả, Sì Mần Khan, Sán Chồ, Sán Sà Phìn và có đường biên giới tiếp giáp với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hơn 16km. Tại đây, khi vào mùa đông thời tiết rất lạnh và thi thoảng có tuyết rơi. Trong số chín thôn, bản của Lũng Cú thì Séo Lủng thuộc phần đất thượng cùng cực bắc với bên trái là thung lũng Thèn Ván sâu thăm thẳm, bên phải là dòng sông Nho Quế - dòng sông bắt nguồn từ Mù Cảng - Vân Nam - Trung Quốc đổ về Ðồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang).

Bà con dân tộc ở Lũng Cú chủ yếu là làm nương rẫy và làm ruộng bậc thang. Riêng đồng bào dân tộc Mông và Lô Lô vẫn bảo tồn nghề dệt truyền thống với các công đoạn làm sợi lanh, dệt vải.

Bên cạnh đó, Lũng Cú còn bảo lưu được những hiện vật lịch sử, văn hóa quý giá tiêu biểu từ thời Hùng Vương. Theo sử sách ghi lại, vào thời Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt ở nơi biên ải này một chiếc trống lớn, thời đó tiếng trống là phương tiện thông tin nhanh nhất, vị trí đặt trống của nhà vua là trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ. Chính vì vậy, người Lô Lô ở Lũng Cú bây giờ sử dụng thành thạo trống đồng có nguồn gốc từ trống đồng Ðông Sơn.

Là vùng đất của chè Shan, rượu mật ong, rượu ngô, đào phai, hoa lê, tuyết trắng và món thắng cố trong buổi chợ phiên... cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc như: Mông, Lô Lô, Giáy... Lũng Cú thật sự mang trong mình nét đẹp mê hồn hấp dẫn biết bao du khách. Quả thật, nếu du khách có dịp đến đây vào mùa xuân, du khách vừa được tận hưởng bầu không khí trong lành, vừa được nghe tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn, tiếng khèn của người Mông say mê, quyến rũ và tiếng trống đồng âm vang bên bếp lửa bập bùng.
 

nhok_mjlk

New Member
Chúng tui đến Sơn La trong chặng dừng chân của chuyến chu du vòng cung Tây Bắc. Bạn đồng hành của chúng tui là phóng viên thể thao vốn quen biết rộng đã cẩn thận chọn một “thổ địa” dắt chúng tui đi thưởng thức món ngon của núi rừng Tây Bắc.
Xin kinh nghiệm du lịch Hà Giang
Bản làng trên vùng núi Tây Bắc.

Thoạt nhìn người đàn ông mặc bộ complet xanh đậm, da trắng, miệng cười rất tươi này chắc hẳn ai cũng nghĩ anh là người Kinh chính hiệu nếu anh không tự hào…khoe anh là người dân tộc Thái trắng một trăm phần trăm. Sau màn chào hỏi và "trưng cầu dân ý", anh nhanh nhẹn nhảy lên xe giành lấy vô lăng lái xe đưa chúng tui vào bản.Vượt qua con đường nhỏ hai bên bạt ngàn tre nứa chúng tui đến một bản làng (khó nhớ nên tui quên mất tên) chuyên kinh doanh ăn uống kèm dịch vụ tắm nước nóng thiên nhiên.

Phía trước dãy nhà sàn to to, nhà nào cũng có một đám người túm tụm, người ngồi cặm cụi vặt lông gà kẻ đứng chẻ cơm lam, người ngồi nướng cá... Thấy chúng tui đến, các cô gái dân tộc tóc duỗi nhuộm vàng hoe trong trang phục quần jean áo thun tay cầm điện thoại nhắn tin nhoay nhoáy ùa ra mời chào thực khách vào quán mình. Anh dân tộc dường như là một thực khách đã quen mặt ở quán xổ một tràng tiếng Thái chắc hẳn là gọi món ăn. Thấy thế nhân viên trong quán cuống cuồng chạy ngay xuống bếp, người làm thịt gà, người nướng cơm lam, nướng cá…

Quay sang chúng tôi, bằng một thứ tiếng Kinh chuẩn không cần chỉnh anh nói hôm nay sẽ đãi chúng tui toàn những món đặc sản của miền Tây Bắc là cơm lam, gà già, cá nướng gập và thịt trâu xông khói.

Món ăn đặc trưng của người Thái là cơm lam (lam là từ để chỉ tất cả các món ăn được chế biến bằng hình thức nướng). Người Thái có tới gần chục loại cơm lam. Loại đơn giản nhất là đem gạo nếp cho vào ống tre (loại tre bình thường không non, không già), đổ nước ngâm cho gạo nở rồi đốt ống tre trên ngọn lửa. Khi cơm chín, tước vỏ tre bên ngoài lấy cơm ăn.

Ấn tượng nhất là chéo, một loại gia vị miền Tây Bắc đã đi vào huyền thoại. Hầu như không có bữa ăn nào quan trọng của người Thái lại thiếu được Chéo, nó giống như một dạng muối vừng với người Kinh. Chéo của người Thái đen được làm chủ yếu từ quả Mắc Khén.
Xin kinh nghiệm du lịch Hà Giang
Chéo, giống như một dạng muối vừng với người Kinh

Mắc, theo tiếng Thái, có nghĩa là quả. Nhưng còn Khén thì không hề có chữ gì đồng nghĩa hay cả trong ngôn ngữ bản địa. Bởi vậy mắc khén mãi mãi sẽ là một tên riêng, tự nhiên tồn tại như chính bản thân núi rừng hoang dã, bí hiểm mà cũng quá đổi quen thuộc với con người. Thực tế Mắc Khén là một loài cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu, khi đơm trái sẽ kết thành những chùm quả nhỏ li ti, tỏa hương thơm dịu. Người chốn sơn lâm chỉ việc lên sườn núi, tìm những cành Mắc Khén chín về phơi khô rồi xoa cho quả rời cành.

Quả Mắc Khén sau khi thu về, bắc chảo rang nóng. Tiếp đó, đưa vào giã thành bột mịn. Tuy nhiên để chế ra được hương vị thơm phức, chuyên dùng ăn với xôi nếp nương, còn phải qua nhiều công đoạn khác. Đó là dùng ớt khô bỏ hạt nướng giòn, muối rang, rau mùi tầu xắt nhỏ rang khô, tất cả đều giã thành bột mịn. Sau khi trộn đều hỗ hợp trên thì tạo thành Chéo, một thứ bột mùi thơm hăng hắc nhưng lại dịu như vị ô mai và phảng phất chất núi rừng, thơm cay nồng nàn như hương hồi, quế.
Xin kinh nghiệm du lịch Hà Giang
Món cá nướng gập đầy quyến rũ.

Bột chéo giúp thịt thú rừng trở lên ngon đặc biệt. Cũng không chỉ dùng cho các loài thú săn trên rừng, chéo còn được người Thái đen sử dụng trong cách nướng cá "pa pẻng toh" có nghĩa là "cá nướng gập" đầy quyến rũ. Cá mang về nhà rửa sạch ruột, xát chéo cả bên trong và bên ngoài, sau đó banh cá ra gập ngang thân cho đầu gặp đuôi, kẹp que nướng trên lửa. Kiểu gập cá độc đáo này giúp cá nướng chín đều, bản thân nước bên trong được giữ lâu hơn và khiến thịt cá không bị cháy. Hương vị của chéo tỏa ra thơm phức, vị dịu của mắc khén, vị cay nồng nàn của ớt, vị mặn mòi của muối.Món cá này làm tui liên tưởng đến món cá nướng ở Lệ Giang, nó cũng thơm nức và ngon ngọt như thế này, khiến cho ai khi đã ăn một lần sẽ còn nhớ mãi.

tui cũng nhớ món rau cải rừng luộc. Cải rừng để cả cây dài, luộc vừa chín tới vừa giòn lại vừa ngọt làm chúng tui ăn đến đâu xuýt xoa đến đấy. Kết quả hai đĩa rau to đã bốc hơi trong nháy mắt.

Câu chuyện quanh chén rượu dường như làm cho mọi người gần nhau hơn, qua đó mình cũng vỡ vạc thêm nhiều điều thú vị về phong tục tập quán của người dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Anh bạn người dân tộc bảo người phụ nữ Thái rất hạnh phúc khi chồng mình trở về nhà khi đã say khướt, cô vui vì chồng mình được nhiều người quý mến mà mời cạn ly đến say mới tha. Nếu hai vợ chồng cùng đi thì chị vợ sẽ vắt ông chồng say mềm của mình lên yên ngựa, còn chị sẽ nhẫn nại dắt chú ngựa ấy lững thững vượt qua mấy quả núi để về nhà. Một tập tục là lùng nhất và làm tui choáng nhất là trong một bữa tiệc rượu, nếu người nào không có khả năng uống tiếp thì phải chịu ngồi yên cho người mời đổ rượu vào …túi áo!

Khi anh bạn tui đã hơi ngất ngư trước tửu lượng đáng nể của anh bạn dân tộc thì anh nhà báo mới tiết lộ anh đã cố ý chọn anh này là một người có tửu lượng kém nhất trong những người anh quen biết ở đây thôi. May quá,nếu không thì không biết tui phải xoay sở ra sao để vác nổi anh bạn lên... yên ngựa như các chị vợ dân tộc kia vẫn làm khi chồng say nhỉ? Và nếu có vác lên nổi thì không biết có đủ kiên nhẫn để đi bộ dắt theo ngựa hay là quất cho nó mấy roi để nó phi thật nhanh làm anh bạn rơi xuống còn mình ung dung leo lên lưng ngựa cỡi một mạch về nhà???

Chuyến đi Tây Bắc lần này, được thưởng thức những món đặc sản Tây Bắc độc đáo cả về phong vị và mỹ vị. Mùi thơm ấy, vị ngọt ấy sẽ đọng lại mãi trong ký ức về vùng rừng núi xinh đẹp này.
 

s0ic0nmafja

New Member
Đi Hà Giang đi bạn, phong cảnh đẹp, lên Mã Pì Lèng nhìn xuống phê như con tê tê mà lại không mệt như là leo Fan. Mù Cang Chải thì tháng 9,10 mới đẹp vì đó là mùa lúa chín.
 

vukien23

New Member
Đi Hà Giang đi bạn. Mình mới đi Hà Giang đợt 30/4 về xong, phong cảnh mê li luôn.Đi theo công ty lữ hành họ lo hết cho mình, mình chỉ phải lo đi chơi thôi Xin kinh nghiệm du lịch Hà Giang Bạn tham khảo công ty mà lần trước mình đi này: http://pystravel.com/vi/tour-mien-bac/tour-ha-giang/991-ha-giang-hung-vi.htmlNói chung là giá tốt, hướng dẫn viên vui tính, nhiệt tình.
 

papyuyen

New Member
Nếu yêu thích phong cảnh núi non, chắc chắn bạn nên đến Hà Giang ít nhất một lần. Ở vùng đất cực bắc này, đường sá hầu hết là đường đèo, cứ nối nhau quanh co uốn lượn.

Cái cảm giác bò loanh quanh một quả núi rất thú vị, bạn cứ thấy mình trèo lên từng tầng một của con đường, thoắt một cái thì đoạn đường vừa qua đã nằm ở tầng dưới.

Ăn gì ở cao nguyên đá Đồng Văn Khám phá những chốn thần tiên ở Hà Giang

1. Phương tiện đi lại

Đi bằng ôtô:

Từ Hà Nội, bạn đi xe khách Hà Nội - Hà Giang từ bến xe Mỹ Đình, sau đó đi xe Quản Bạ - Đồng Văn từ bến xe Hà Giang.

Đến Đồng Văn thì thuê xe ôm để khám phá các điểm du lịch của Đồng Văn (ở Đồng Văn không có dịch vụ cho thuê xe máy)
Nếu bạn có ý định phượt Hà Giang bằng xe máy thì chú ý mang theo đầy đủ giấy tờ xe

Đi bằng xe máy:

Tuyến đi thứ nhất: Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phú Thọ - Tuyên Quang. Đường này thì nhiều người biết và đông xe đi lại.

Tuyến đi thứ hai: Hà Nội – Sơn Tây – Cầu Trung Hà – Cổ Tiết – Cầu Phong Châu – Phú Thọ - Đoan Hùng – Tuyên Quang.

Từ Hà Nội bạn đi theo Đại lộ Thăng Long. Sau đó gặp đường 21 đi theo đường 21 lên Sơn Tây (Chú ý: điểm giao nhau này ngày trước là ngã 3 nay đã làm cầu vượt qua đường 21 nên các bạn chú ý rẽ phải trước cầu vượt). Tiếp theo bạn đi Từ Sơn Tây qua cầu Trung Hà đến Cổ Tiết, đến Cổ Tiết qua cầu Phong Châu, qua cầu Phong Châu đi theo đường vên sông (đường 320) đi lên Phú Thọ.

Từ Phú Thọ các bạn theo quốc lộ 2 đi lên Đoan Hùng rồi đến Tuyên Quang, đi theo đường cao tốc bên ngoài Tuyên Quang bạn sẽ không phải đi qua thành phố Tuyên Quang.

Theo đường Quốc lộ 2 đi tiếp: TP. Tuyên Quang – Hàm Yên - Bắc Quang – Vị Xuyên – TP. Hà Giang

Tuyến đi thứ nhất dài hơn khoảng 30km so với tuyến thứ hai

* Lưu Ý: Nếu bạn có ý định phượt Hà Giang bằng xe máy thì chú ý mang theo đầy đủ giấy tờ xe, xe có giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS phù hợp, người ngồi trên xe phải đội mũ bảo hiểm đầy đủ, nên có kính mắt, đi giầy nhẹ hay giầy thể thao. Nên trang bị điện thoại có hệ thống google map, mạng Vina, Viettel, Mobi hoạt động tốt ở vùng này.

2. Nên đến Hà Giang vào thời điểm nào?

Hà Giang đi mùa nào cũng thấy đẹp,mỗi mùa có một vẻ đẹp khác nhau. Tuy nhiên, Nếu đến với Hà Giang trong khoảng tháng 7 và tháng 8 thì nên mang theo sẵn áo mưa hay ô dù vì đó là thời điểm mùa mưa, bạn có thể găp những ngày mưa liên tục hay những cơn mưa rào bất chợt.
3. Khách sạn, nhà nghỉ

Tại Hà Giang các bạn có thể nghỉ tại các khách sạn có giá trung bình 170.000- 350.000 như khách sạn Huy Hoàn, khách sạn Công đoàn, khách sạn Khánh Linh, khách sạn Cao Nguyên Đá (ở thị trấn Đồng Văn).

Theo các tài xế xe khách và một số khách du lịch "bụi". khách sạn tốt nhất ở Đồng Văn là khách sạn Hồng Ngọc nằm ngay thị trấn gần chợ phiên Đồng Văn, giá phòng từ 120.000 đồng đến 180.000 đồng/phòng (phòng có hai hay 3 giường). Nhà UBND thị trấn cũ ở cuối dãy phố cổ nay cũng là nhà nghỉ bình dân (có thể ngủ với giá 20.000 đồng/người) . Có khoảng 6 - 7 nhà nghỉ quanh đó giá rẻ hơn, dao động từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng/phòng.

4. Ăn uống

Món ngon nên thưởng thức ở Đồng Văn là: thịt gà, thịt bò khô, rau cải mèo, măng nứa và uống rượu ngô.

Tối ở Đồng Văn còn có chè nóng, ngô nướng, mía nướng… Ngoài ra bạn cũng có thể thứ các món ăn dân tộc ở chợ như mèn mén (ngô xay đồ chín), xôi màu, thắng cố, bánh ngô.

5 . Các điểm du lịch và khám phá

Chúng tui đưa ra danh sách một số điểm không thể bỏ qua khi đến Đồng Văn. Bạn có thể tự sắp xếp lịch trình để đến các điểm mà bạn đánh giá là thú vị nhất theo thời gian của mình.

- Cổng trời Sà Phìn, cách Đồng Văn 15km về phía Yên Minh (đường 4C) là điểm bạn cần đến. Từ Sà Phìn, bạn nên đi thăm điểm cực bắc của Việt Nam là Cột cờ Lũng Cú 26km nữa, dưới chân cột cờ là làng văn hóa Lô Lô, bạn có thể đi dạo vòng quanh.

- Từ Sà Phìn đi đến cửa khẩu Phó Bảng 7km, bạn có thể thăm Thị Trấn Cổ trên Cao Nguyên Đá.

- Từ cồng trời Sà Phìn nhìn xuống lòng thung lũng là di tích lịch sử nổi tiếng: nhà vua Mèo Vương Chí Sình.

- Chợ phiên Đồng Văn họp vào sáng thứ 7 hàng tuần, rất đông bà con dân tộc xuống chợ, chợ vui và vô cùng náo nhiệt.

- Khu vực phố cổ Đồng Văn với những ngôi nhà tường trình, mái ngói nung và tường rào bằng đá, vào ngày rằm hàng tháng cũng treo đèn lồng như phố cổ Hội An.

- Nếu có nhiều thời gian thì bạn có thể leo núi Đồn Cao nằm ngay phía sau khu chợ phiên, trên đó có thể ngắm toàn cảnh thị trấn Đồng Văn.

- Từ thị trấn Đồng Văn đi về phía Mèo Vạc khoảng 15km là Thiên hạ đệ nhất đèo Mã Pí Lèng, còn đèo đẹp và hùng vĩ nhất miền núi phía bắc, bên dưới thung sâu, có dòng Nho Quế bé xíu như một sợi chỉ xanh cắt ngang giữa những dãy núi đá tai mèo nhọn hoắt.

- Chợ Mèo Vạc cách Đồng Văn 28km họp vào sáng Chủ nhật hàng tuần.
Hà Giang có nhiều cảnh đẹp, bạn nhớ mang theo chiếc máy ảnh du lịch để lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng.

6. Mang gì khi du lịch Hà Giang

Bạn nên mang theo quần áo ấm khi lên đến khu vực vùng cao vì khi hậu thay đổi đột ngột và thời tiết càng về đêm càng lạnh.

Chuẩn bị sẵn một số thuốc tây chữa các bệnh thông thường như cảm cúm nhức đầu vì du khách có thể mắc phải khi chưa thích ứng được với bình độn cao và khí hậu lạnh.

Túi thuốc cá nhân ít nhất phải có dầu gió, thuốc đau bụng, thuốc trị nhức đầu, kem thoa da chống muỗi, thuốc trị côn trùng cắn, kem thoa da trị bỏng hay dị ứng... Tùy theo sức khỏe cá nhân, cần mang theo đường ăn kiêng hay thuốc đặc trị riêng.

Du lịch Hà Giang chắc chắn sẽ cần đi bộ nhiều, bạn phải chú ý chọn loại giày êm, nhẹ, tất cotton mềm. Mang theo loại kem thoa chân dùng vào buổi tối để làm mềm da, giúp thư giãn và phục hồi mỏi mệt cho chân.

Những vật dụng khác như bộ kim, chỉ với chiếc kéo nhỏ, kim khâu tay, chỉ, nút áo, kim băng, có thể sẽ trở nên rất hữu dụng trong các trường hợp bất ngờ.

Ngoài ra, nếu có dự định dã ngoại và qua đêm trong rừng thì phải chuẩn bị thêm các bộ lều dã ngoại, diều, nồi nấu đa năng... để thỏa mãn nhu cầu tận hưởng không khí thiên nhiên hoang dã, tự thưởng thức bữa ăn theo ý mình.
 

trinhhoa85

New Member
Bạn xem qua Kinh Nghiệm Du Lịch của 2 điểm Hà Giang và Mù Căng Chải tại đây nhé. Hai điểm này dân Phượt đi khá nhiều rồi, không thiếu thông tin đâu Kinh nghiệm du lịch Hà Giang Chúc bạn và bạn bè có chuyến đi vui vẻ nhé
 

Các chủ đề có liên quan khác

Top