langtu87_kr

New Member
Theo Cục trưởng Cục QLLĐNN Nguyễn Thanh Hòa, hiện ở Mỹ đang có nhu cầu rất lớn về y tá, hộ lý và điều dưỡng viên với mức lương thậm chí cao hơn cả bác sĩ. Tuy nhiên, Mỹ hiện không chấp nhận lao động được đào tạo những nghề này tại các cơ sở đào tạo của Việt Nam.

Mỹ, Australia, Canada: lương cao nhưng đi không dễ

Những ngày cuối năm 2006, đầu năm 2007 này, thông tin về một số doanh nghiệp được phép đưa lao động vào những thị trường nhập khẩu lao động với mức thu nhập hàng ngàn USD/ tháng như Australia, Mỹ, Canada đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người đang có nhu cầu đi XKLĐ.

Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, Cục trưởng Cục QLLĐNN, để đạt được mục tiêu đưa 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong năm nay, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai mở thêm thị trường Ma Cao (thu nhập cũng khá cao) và nghiên cứu mở lại thị trường Síp và Cộng hòa Czech. Vậy là, sau những thị trường đã trở nên quen thuộc như Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông, giờ đây người lao động Việt Nam có thêm cơ hội để lựa chọn nơi đi XKLĐ theo khả năng của mình.

Trung tuần tháng 12-2006, Bộ LĐ-TB&XH đã cử đoàn công tác khảo sát thị trường Australia. Hiện đã có 6 doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH cho phép thí điểm cung ứng lao động sang thị trường này. Quan điểm của Bộ là tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở thị trường mới, tất cả các hợp đồng tốt, có tính khả thi cao sẽ được cho phép triển khai. Với mức lương tới hàng ngàn USD/tháng và chế độ hấp dẫn dành cho người thân đi kèm, người lao động trúng tuyển thị trường này (nhất là trong lĩnh vực như làm bánh kẹo, cơ khí) còn có nhiều khả năng tìm được việc làm tốt khi trở về Việt Nam.

Thị trường Canada do Công ty Châu Hưng khai thông cuối năm 2006 mở ra nhiều triển vọng. Ma Cao cũng được dự báo là thị trường hấp dẫn đối với người lao động, nhất là trong lĩnh vực giúp việc gia đình vì theo khảo sát của một số doanh nghiệp, mỗi năm thị trường này cần tới 100.000 lao động nước ngoài. Bộ LĐ-TB&XH cũng cho phép hai doanh nghiệp là Công ty Sona và Công ty Thuận Thảo tiếp cận, khai thác hợp đồng tại thị trường này. Với mức lương cơ bản khoảng 500 USD/tháng, điều kiện và phong tục tập quán tương đối phù hợp với người lao động nhưng chi phí trước khi đi thấp hơn nhiều so với thị trường Đài Loan.

Trong những thị trường mới, thu hút sự quan tâm nhất của người lao động vẫn là Mỹ. Tại đây hiện có khoảng 10 lao động Việt Nam đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng là do họ ký hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ chứ không phải thông qua các doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam. Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã cho phép Công ty AIC (Hà Nội) và Trung tâm XKLĐ Viracimex thí điểm đưa lao động sang Mỹ.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội XKLĐ Việt Nam Nguyễn Xuân An, Mỹ là thị trường rất nhạy cảm, không những thế, theo luật của Mỹ, những lao động giản đơn làm theo thời vụ chỉ được ký hợp đồng 10 tháng, thậm chí ít hơn và thời hạn visa cũng theo thời gian hợp đồng... vì vậy, nhằm đảm bảo được quyền lợi cho người lao động, các cơ quan chức năng còn cần nghiên cứu, tính toán kỹ để có cách làm bài bản, chọn hợp đồng chuẩn... Cho tới thời điểm này, hai doanh nghiệp mới chỉ được phép đưa thí điểm 8 lao động đi Mỹ.

Với thị trường Australia và Canada cũng không dễ. Hiện nay, do cả hai nước này chưa ký hiệp định với Việt Nam về công nhận văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam. Để được công nhận, các doanh nghiệp phải phối hợp với họ đào tạo nghề để họ cấp chứng chỉ rồi mới được cấp visa sang các nước này. Mà để học được chương trình của họ thì yêu cầu người lao động phải có trình độ, nhất là thông thạo tiếng Anh. Đây quả là điều không dễ với phần đông những người đi XKLĐ.

Chính vì vậy, theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân An, năm 2007 này, số lao động đưa sang những thị trường mới sẽ không được nhiều mà chủ yếu mới chỉ là thăm dò thị trường và “tiếp thị”. Do đó, để tránh tình trạng bị lừa như đi XKLĐ sang Hàn Quốc, Nhật Bản những năm qua, người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin từ Cục QLLĐNN về thủ tục, chi phí và tên, địa chỉ những doanh nghiệp được tuyển lao động đi Mỹ, Australia, Canada.

Thị trường truyền thống: Trung Đông đang rộng mở

Trong tổng số 78.855 lao động được các doanh nghiệp đưa đi trong năm 2006, 4 thị trường truyền thống (Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản) chiếm tới 68.000 người, trong đó riêng Malaysia là gần 38.000 người. Vì vậy, trong kế hoạch đưa 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2007, Malaysia vẫn được coi là thị trường chiến lược bởi hiện nay Malaysia đang có nhu cầu tiếp nhận thêm khoảng 100.000 lao động Việt Nam.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, việc tuyển lao động cho thị trường này sẽ ngày càng khó bởi lương thấp (hiện nay, ngoài một vài ngành kỹ thuật đạt khoảng trên dưới 10 triệu đồng/tháng, còn mức lương bình quân của người lao động mới chỉ ở mức 2 đến 3 triệu đồng/tháng). Trong khi đó với việc Việt Nam gia nhập WTO, những năm tới đầu tư nước ngoài sẽ tăng nhanh nên các khu công nghiệp trong nước cũng cần một nguồn nhân lực rất lớn. Do đó, với các đơn hàng thu nhập dưới mức 3,5 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp sẽ rất khó tuyển lao động.

Dự báo sự phát triển của thị trường mới trong năm 2007 thì sôi động nhất sẽ là thị trường Trung Đông, đặc biệt là Qatar. Theo nhận định của Cục QLLĐNN, Hiệp hội XKLĐ Việt Nam và các doanh nghiệp XKLĐ có kinh nghiệm, trong các nước thuộc khu vực Trung Đông, Qatar hiện là thị trường rất lớn với nhiều ưu thế (thu nhập tốt, nhu cầu lớn, nhiều hợp đồng và không lo đông kết).

Quốc gia này có nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt rất lớn nên mức sống của người dân khá cao (thu nhập bình quân tới hơn 17.000 USD/năm). Với số dân chưa tới 1 triệu người (hơn 90% theo đạo Hồi), nên để phục vụ cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, Qatar đang rất “khát” lao động nước ngoài.

Ông Nguyễn Xuân Vui, Giám đốc Trung tâm XKLĐ Airserco, doanh nghiệp có tới hơn 3.000 lao động tại Trung Đông, cho biết tại Qatar hiện nay đang rất cần lao động trong các lĩnh vực xây dựng, công xưởng, khách sạn với thu nhập từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng mà không phải nộp thuế thu nhập và được sống trong điều kiện khá tốt.

Điều đáng mừng là “cộng đồng người lao động Việt Nam” đang có uy tín với chủ sử dụng tại Qatar và có thể nói đất nước này không hết việc cho người lao động làm (hiện Airserco đang có chủ trương sẽ tuyển những người từng đi làm xây dựng ở Maylaysia về đưa sang Trung Đông làm đốc công với mức lương khá cao, đặc biệt người lao động sẽ chỉ mất tiền mua vé lượt đi, ngoài ra không phải đóng một khoản chi phí nào cho doanh nghiệp). Uy tín của lao động Việt Nam còn truyền sang Dubai, do đó thị trường Dubai đang có chủ trương tăng lương để thu hút lao động Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng.

Cuối tháng 1-2007, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Phó thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Al-Thani cho biết, Qatar sẵn sàng tiếp nhận số lao động của Việt Nam từ 6.000 hiện nay lên 60.000 trong thời gian tới. Đây là thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp và người lao động. Bởi với chi phí ban đầu từ 1.100 USD tới 1.500 USD tùy theo công việc, người lao động sẽ được ký hợp đồng 2 năm, làm tốt được gia hạn thêm 1 năm với mức lương cơ bản 800 Qatar ryal và thêm 200 Qatar ryal trợ cấp tiền ăn (khoảng 4,4 triệu đồng tiền VN), ngoài ra còn được thưởng nếu vượt khoán và tiền làm thêm giờ.

Với việc tiếp cận, khai thông nhiều thị trường, mục tiêu đưa 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm nay sẽ không phải quá khó. Đây cũng là cơ hội để người lao động xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, người lao động cần tự biết lượng sức mình, cả về tài chính và trình độ, để lựa chọn nên đi đâu cho phù hợp, tránh để cò mồi lợi dụng, lừa đảo mà “tiền mất nợ mang”.
 
Các chủ đề có liên quan khác
Tạo bởi Tiêu đề Blog Lượt trả lời Ngày
N Xuất khẩu lao động tại công ty dịch vụ và thương mại Luận văn Kinh tế 0
B Nâng cao hiệu quả sử dụng lao động tại công ty cổ phần dụng cụ cơ khí xuất khẩu Luận văn Kinh tế 2
N biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng lao động tại công ty Sản xuất – xuất nhập khẩu đầu tư thanh niên Hà Nội Luận văn Kinh tế 0
V Nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động và chuyên gia của Công ty Quan hệ Quốc tế - Đầu tư sản xuất Công nghệ thông tin 0
N Các kiến nghị và giải pháp hướng tới công tác tạo động lực từ hệ thống trả công cho người lao động tại xí nghiệp may xuất khẩu thanh trì Luận văn Kinh tế 0
M Nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động ở Việt Nam Luận văn Kinh tế 0
D Xuất khẩu lao động của Việt Nam thập kỉ 90 - Thực trạng và giải pháp Luận văn Kinh tế 0
I Thực trạng hạch toán tài sản cố định của công ty CP may và xuất khẩu lao động Phú Thọ Hà Nội Luận văn Kinh tế 0
N Xuất khẩu lao động giải pháp tạo việc làm ở tỉnh Bắc Giang Luận văn Kinh tế 0
D Xuất khẩu lao động – Giải pháp tạo việc làm cho người lao động trong tiến trỡnh hội nhập kinh tế quốc tế Luận văn Kinh tế 0

Các chủ đề có liên quan khác

Top