Một nghiên cứu ở Nhật cho thấy, tốc độ ăn chính là chìa khóa giải quyết nguy cơ béo phì đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới hiện nay.
Các nhà khoa học tại Đại học Osaka đã nghiên cứu thói quen ăn uống của 3.000 người và đăng tải kết quả thu được trên tạp chí British Medical Journal. Theo đó, việc ăn quá nhanh sẽ tăng gấp đôi khả năng béo phì của người ăn và đề xuất rằng việc ăn chậm lại sẽ có tác dụng đáng kể đến việc tăng cân.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người đàn ông ăn nhanh có tới 84% khả năng béo phì trong khi phụ nữ ăn nhanh có khả năng béo phì cao gấp đôi những người ăn chậm.
Giáo sư Ian McDonald cho rằng, tốc độ ăn nhanh sẽ tác động không chính xác tới hệ thống báo hiệu nên dừng ăn của cơ thể bạn. “Nếu bạn ăn nhanh, về cơ bản bạn làm đầy bụng của mình trước khi nhận được các tín hiệu phản hồi từ bụng bảo bạn nên ngừng ăn”, giáo sư McDonald cho biết.
Nghiên cứu này đề xuất rằng, nếu có thể, trẻ em nên được khuyến khích ăn chậm, và cho phép chúng dừng lại khi cảm giác no để tránh béo phì lúc còn bé. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy việc giảm tốc độ ăn ở trẻ sẽ có tác động đến việc béo phì khi trưởng thành.
Thu Minh (Theo BBC)