Axit folic hay còn gọi là folat có chức năng cần thiết cho sự phát triển và phân chia tế bào. Nhu cầu axit folic trung bình hằng ngày của người trưởng thành là 3mcg/kg trọng lượng cơ thể, tương đương với 180 - 200mcg/ngày. Nhu cầu tăng lên trong khi mang thai cần 400mcg/ngày để đáp ứng: sự phân chia tế bào cũng như tăng kích thước tử cung; sự tổng hợp nhân tế bào AND, ARN và protein; hình thành nhau thai; số lượng tế bào hồng cầu gia tăng theo khối lượng máu tăng; tăng trưởng của bào thai; sự tăng thải folat qua nước tiểu khi mang thai. Hậu quả của thiếu hụt axit folic với phụ nữ mang thai: thiếu máu hồng cầu khổng lồ; nguy cơ sảy thai cao; sinh non, sinh con nhẹ cân. Nguy hiểm nhất là khuyết tật ống thần kinh của thai nhi (nứt đốt sống, não úng thủy...).
Chính vì vậy khi phát hiện có thai mới bắt đầu bảo đảm khẩu phần ăn có 400mcg axit folic thì chưa đủ, phải bổ sung đủ axit folic trước khi thụ thai. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo tất cả các phụ nữ dự định mang thai phải bắt đầu bổ sung đủ axit folic 3 tháng trước thời điểm dự định có thai. Nhất thiết phải bảo đảm đủ khẩu phần hằng ngày có 400mcg axit folic cho tất cả phụ nữ tuổi sinh đẻ bằng các thực phẩm giàu folat, uống bổ sung hay sử dụng các thực phẩm có tăng cường axit folic. Thức ăn giàu axit folic là gan động vật, rau có màu xanh thẫm... Bổ sung bằng dạng thuốc uống với liều 400mcg axit folic/ngày trước khi mang thai ít nhất là 1 - 3 tháng và uống axit folic từ khi phát hiện có thai đến sau khi sinh được một tháng.