duckduck_vitvit

New Member
Cảm nghỉ của em về bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh.





Khoảnh khắc giao mùa có lẽ là khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của tự nhiên ,nó gieo vào lòng người những rung động nhẹ nhàng khiến ta như giao hoà, đồng điệu .Khi chúng ta chưa hết ngỡ ngàng bởi một Xuân Diệu “tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì ” thì đã gặp một Hữu Thỉnh tinh tế ,sâu sắc đến vô cùng qua một thoáng “Sang Thu” .



Bài thơ là những cảm nhận ,những rung động man mác, bâng khuâng của tác giả trước vẻ đẹp và sự biến đổi kỳ diệu của thiên nhiên trong buổi giao mùa .Không phải là sắc “mơ phai” hay hình ảnh “con nai vàng ngơ ngác” mà là hương ổi thân quen nơi vườn mẹ đã đánh thức những giác quan tinh tế nhất của nhà thơ :



Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se,



Câu thơ có hương vị ấm nồng của chớm thu ở một miền quê nhỏ .Tín hiệu đầu tiên để tác giả nhận ra mùa thu là “hương ổi”. Mùi hương quê nhà mộc mạc “phả” trong gió thoảng bay trong không gian .Cảm giác bất chợt đến với nhà thơ : “bỗng nhận ra” -một sự bất ngờ mà như đã chờ đợi sẵn từ lâu lắm .Câu thơ không chỉ tả mà còn gợi liên tưởng đến màu vàng ươm , hương thơm lựng , vị giòn, ngọt, chua chua nơi đầu lưỡi của trái ổi vườn quê .Và không chỉ có thế ,cả sương thu như cũng chứa đầy tâm trạng,thong thả, chùng chình giăng mắc trên khắp nẻo đường thôn :



Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về .



Sương thu đã được nhân hoá ,hai chữ “chùng chình” diễn tả rất thơ bước đi chầm chậm của mùa thu . Nếu ở câu thơ đầu tiên nhà thơ “bỗng nhận ra” thu về khá bất ngờ và đột ngột thì sau khi cảm nhận sương thu ,gió thu, thi sỹ vẫn ngỡ ngàng thốt lên lời thầm thì như tự hỏi :Hình như thu đã về!? Tâm hồn thi sỹ nắm bắt những biến chuyển nhẹ nhàng, mong manh của tạo vật trong phút giao mùa cũng êm đềm, bâng khuâng như bước đi nhỏ nhẹ của mùa thu .

Không gian nghệ thuật của bức tranh thu được mở rộng hơn ,cái bỡ ngỡ ban đầu vụt tan biến đi nhường chỗ cho những rung cảm mãnh liệt trước không gian thu vời vợi :



Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã



Sông nước đầy nên mới “dềnh dàng” nhẹ trôi như cố tình chậm lại ,những đàn chim vội vã bay về phương nam …Không gian thu thư thái , hữu tình và chứa chan thi vị , đặc biệt là hình ảnh :



Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu .



Câu thơ giúp ta hình dung về đám mây mỏng nhẹ ,trắng xốp ,kéo dài như tấm khăn voan duyên dáng của người thiếu nữ thảnh thơi , nhẹ nhàng “ vắt nửa mình sang thu”.Câu thơ có tính tạo hình không gian những lại có ý nghĩa diễn tả sự vận động của thời gian : thu bắt đầu sang , hạ chưa qua hết , mùa thu vừa chớm , rất nhẹ , rất dịu , rất êm , mơ hồ như cả đất trời đang rùng mình thay áo mới …



Khổ thơ thứ ba diễn tả rất rõ sự biến chuyển của không gian và cũng là một thoáng suy tư của nhà thơ trước cảnh vật, đất trời :



Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi .



Vẫn là nắng, mưa, sấm, chớp của mùa hạ vương lại đâu đây , song chỉ là “vẫn còn” , “đã vơi dần”, “ cũng bớt bất ngờ” bởi mùa thu đã đến .Ý thơ còn gợi liên tưởng đến con người khi đã lớn tuổi và từng trải thì những giông gió, thăng trầm của cuộc đời ít làm con người ta bất ngờ, bị động .Những suy tư đó của tác giả có lẽ đã góp phần làm cho “Sang thu” trở nên giàu ý nghĩa .



Hình ảnh thơ đẹp , ngôn từ tinh tế , giọng thơ êm đềm và những rung động man mác ,bâng khuâng của tác giả trong buổi giao mùa đã tạo nên một dấu ấn không dễ phai mờ trong lòng bao độc giả . Có lẽ vì vậy mà sau khi đọc “Sang thu” của Hữu Thỉnh ta càng thấy yêu hơn mùa thu thiết tha, nồng hậu của quê nhà .



 

Arthur

New Member
K biết liệu có cảm ngĩ về một tác phẩm truyện lớp 9 kì 1 k nhỉ???? e tìm hoài mà k có...:(( mai thi z còn đâu:)|
 

haivan13_6

New Member
mìh cũg có 1 pàj fân tj'k sag thu đây, pàj nầy mìh đk 8,5 đấy các pạn đọk và cko ý kjến nka





PHÂN TÍCH BÀI THƠ SANG THU CỦA HỮU THỈNH



A - DÀN BÀI

1. Mở bài : - Giới thiệu tác giả tác phẩm

- Giới thiệu chủ đề của tác phẩm

2. Thân bài : - Nêu ra luận điểm khái quát

- Phần 1(2 khổ thơ đầu): Biến chuyển trong không gian lúc sang thu của làng quê

+ Hình ảnh tiêu biểu: "hương ổi'', ''gió se'', ''sương chùng chình'', ''thu đã về''

+ "Sông - dềnh dàng'', ''chim - vội vã''

=>Tiểu kết: Cảm nhận tinh tế, nhẹ nhàng của tác giả khi đất trời sang thu

- Phần 2(Khổ cuối): Cảm xúc của tác giả khi đất trời sang thu + 2 câu đầu: Đất trời thiên nhiên khi vào đầu thu + 2 câu cuối: Sự chiêm nghiệm của tác giả về cuộc đời => Tiểu kết: Dòng thơ vẫn tả cái bước đi êm đềm của thiên nhiên, nhưng lại gợi ra những suy ngẫm về con người, về thời thế

- Tổng kết lại các ý vừa phân tích

3. Kết bài : - Tổng kết nghệ thuật

- Khẳng định lại nội dung

- Nêu suy nghĩ của bản thân





B - BÀI LÀM



Chẳng biết tự bao giờ, thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà văn, nhà thơ. Mỗi một dòng viết nên là ẩn chứa một cảm xúc, một tâm trạng riêng biệt. Và có lẽ khoảnh khắc giao mùa là khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của thiên nhiên, nó gieo vào lòng người những rung động nhẹ nhàng khiến ta như giao hòa đồng điệu. Ghi lại thời khắc đó, Hữu Thỉnh - một nhà thơ chuyên viết về con người và cuộc sống của nông thôn - đã gửi gắm tâm trạng của mình khi thiên nhiên chuyển mùa qua bài thơ "Sang thu". Đọc bài thơ, ta cảm nhận được cảm xúc tinh tế của tác giả khi đất trời đang giao chuyển từ cuối hạ sang đầu thu.

Tác phẩm được sáng tác năm 1977, khi đất nước đã trở về hòa bình. Giữa chốn yên bình, thanh tĩnh của đất trời, của vùng làng quê Bắc Bộ, Hữu Thỉnh đã khơi nguồn cảm hứng từ thời điểm giao mùa và đã sáng tác bài thơ "Sang thu", bài thơ cất lên như một lời báo hiệu cho đất trời vạn vật, rằng mùa thu đã về.

Cảm xúc ấy của tác giả xuyên suốt bài thơ, mở đầu là những dấu hiệu của mùa thu được nhà thơ miêu tả rất rõ trong hai khổ thơ đầu:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về



Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Mùa thu đến không phải với sắc vàng đặc trưng hoa cúc, không phải là mùa của cốm non thơm lừng, mà mùa thu trong thơ của Hữu Thỉnh lại đến bằng hương ổi thơm dịu phảng phất quanh đây. Hương hoa ổi phả vào trong gió se, thứ gió heo may dễ chịu mà chỉ mùa thu mới có. Nó là thứ gió chỉ khiến ta cảm giác hơi lạnh một chút và rồi lại thảnh thơi đón nhận cả một luồng không khí mát rượi trong lòng. Thu đến không chỉ có vậy mà còn bởi những hàng sương mờ mờ ảo ảo của buổi sớm mai.

"Sương thu" cũng có cái nét đặc biệt riêng của nó. Nó không tan nhanh như sương mùa hạ, cũng chẳng dầy dặc như sương mùa đông. "Sương thu'' là những làn khói mỏng manh bay vờn nhẹ trên nóc nhà, ngoài vườn. "Sương thu" không vô cảm mà nó cũng mang hồn người, sương chờ ai, đợi ai mà "chùng chình'', lưu luyến, đủng đỉnh, rề rà như muốn níu giữ.

Phải chăng vì thu sang quá tự nhiên mà Hữu Thỉnh đã không biết thu sang tự bao giờ. Cho đến khi cảm nhận hết vẻ đẹp đầu thu, tác giả mới sực nhớ ra là ''bỗng" và thốt lên "hình như thu đã về". Cảm giác ấy tuy mơ hồ nhưng lại thể hiện một tâm trạng sẵn sàng chào đón mùa thu mới.

Khổ thơ thứ hai tiếp tục trong cảm xúc mênh mang ấy của nhà thơ:

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Thu sang cũng là lúc dòng nước trôi chậm lại, nước không còn cuồn cuộn, chảy mạnh, chảy xiết như trong mùa hè mà nước trở nên êm ả, hiền hòa, dịu dàng. Nhưng khác hẳn với sông dềnh dàng ấy lại là hình ảnh của những chú chim vội vã bay về phương Nam tránh rét. Sử dụng hai câu thơ trái lập như thế, người đọc cảm nhận được nét vẽ mùa thu thật chân thực, sinh động.

Trên bầu trời, có đám mây vẫn còn lưu luyến mùa hạ, mới chỉ kịp "vắt nửa mình sang thu". Ở đây, tác giả đã sử dụng nghệ thuật "lấy không gian miêu tả thời gian" làm câu thơ và bức tranh mùa thu thêm phần sống động.

Chỉ bằng hai khổ thơ mà tác giả Hữu Thỉnh đã khắc họa một bức tranh thiên nhiên mùa thu thật đẹp, thật diệu kì. Nếu như Xuân Diệu nhận ra mùa thu với ''áo mơ phai'' trong câu thơ trích từ "Đây mùa thu tới":

Đây mùa thu tới, mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt là vàng

thì Hữu Thỉnh lại cảm nhận mùa thu bằng những dấu hiệu thật quen thuộc của làng quê Việt.

Sự thống nhất cảm xúc của tác giả không chỉ thể hiện ở hai khổ thơ đầu mà còn được tiếp tục ở khổ thơ cuối. Đồng thời, khổ thơ cuối còn được thể hiện như một lời kết:

Vẫn còn bao nhiêu nằng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi

Vẫn còn chút nắng, vẫn còn chút mưa, dù thu đã sang nhưng dấu ấn mùa hạ vẫn chưa qua hết. Đó là những dấu ấn cuối cùng còn xót lại khi đã chuyển mùa, nắng, mưa phải chăng là tặng phẩm, là chút dư vị cuối cùng của mùa hạ gửi sang mùa thu?

Hai dòng kết không dừng lại ở cảm xúc của tác giả trước mùa hạ sang thu nữa mà còn là suy ngẫm của ông về nhân tình thế thái, về cuộc đời:

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi

"Sấm" không chỉ là sấm, "hàng cây" không chỉ là hàng cây, mà hai hình ảnh này là hình ảnh ẩn dụ cho những biến chuyển của thời đại. Con người đã bước vào giai đoạn "đứng tuổi", cái tuổi mà đã không còn bị ảnh hưởng bởi vòng quay của thế giới bên ngoài. Họ là những con người từng trải với những mưa nắng của cuộc đời thì họ đón nhận những thử thách ấy một cách thật vững vàng, bình tĩnh. Hai dòng thơ tuy vẫn tả cái bước đi êm đềm của thiên nhiên nhưng lại gợi ra những suy ngẫm về con người, về thời thế.

Bài thơ không chỉ dừng lại ở đó, nếu chú ý hơn, ta sẽ nhận ra bài thơ còn gửi gắm một tình yêu thiên nhiên vô hạn của tác giả. Bài thơ được viết năm 1977, khi mà người lính vừa bước ra từ chiến tranh. Họ yêu biết bao, trân trọng biết bao cái không gian yên bình không còn tiếng bom, tiếng súng, cuộc sống với cỏ cây, hoa lá, đất trời. Chính vì vậy mà khi được thư thái nghe dấu hiệu của mùa thu thì quả là quý giá vô cùng. Và phải có tấm lòng yêu thiên nhiên đến nhường nào thì nhà thơ mới có cảm nhận tinh tế bay bổng đến vậy.

Bài thơ đã khép lại, song dư âm của nó thì vẫn còn mãi. Bằng việc sử dụng ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, giọng thơ nhẹ nhàng, tinh tế, được viết theo thể thơ năm chữ với giọng điệu khoan thai, êm ái, trầm lắng, thoáng chút suy tư cùng với việc sử dụng thành công nghệ thuật ẩn dụ và nhân hóa, Bài thơ "Sang thu'' là một bức tranh thu trong sáng, đáng yêu ở vùng nông thôn Bắc Bộ. Đôi khi chúng ta cũng hãy tìm cảm giác thư thái khi được hòa vào cùng thiên nhiên, đất trời như nhà thơ Hữu Thỉnh, hãy thử lắng mình xuống và cảm nhận vẻ đẹp của mùa thu, chúng ta sẽ thấy thiên nhiên, cuộc sống tươi đẹp đến nhường nào.







No Avatar


chotdamtriples 10:10, 17th Mar 2012 #9143 
bài này hay đấy







 

Các chủ đề có liên quan khác

Top