Theo ông Trần Hải Thọ, người nhiều năm kinh nghiệm thu mua tôm ở Cà Mau, có những người bán đã bơm thêm agar (bột rau câu) hay một số tạp chất khác (các loại bột) vào tôm để làm tăng trọng lượng, kiếm thêm lợi nhuận. ThS Nguyễn Thị Phương Thảo, Trưởng khoa Chế biến thủy sản, Trường trung học Thủy sản TP.HCM, cho biết: thông thường, người ta sẽ bơm agar vào những con tôm lớn, loại trên dưới 30 con/kg, nếu tiêm vào loại nhỏ, tôm sẽ dễ bị gãy đầu. Vì vậy cần đặc biệt lưu ý khi mua tôm lớn. ThS Nguyễn Thị Phương Thảo hướng dẫn thêm về cách phân biệt giữa hải sản nuôi trồng với loại đánh bắt từ thiên nhiên: tôm thiên nhiên vỏ cứng và có màu xanh đậm hơn, nhưng nhìn không sạch bằng tôm nuôi. Cua biển/ghẹ biển có phần bụng láng bóng hơn, chân có vẻ thon thả hơn cua ghẹ nuôi do phải bò nhiều để tìm thức ăn. Cua gạch là cua cái (nhìn yếm dạng hình tròn) nhưng không phải lúc nào cua cái cũng có gạch. Khi có gạch, phần mai phía trên của cua nhìn gồ ghề, không bằng phẳng như cua thịt. Phần chân giòn, bẻ dễ gãy (thường nếu bẻ chóp nhọn hai bên mai cua sẽ gãy giòn). Cua biển (thiên nhiên) khi ôm trứng (cua gạch) người ta thường cho sinh sản để lấy cua giống nên hiếm khi có trên thị trường. Ăn cua gạch vào các tháng Bảy, Tám, Chín âm lịch là ngon nhất vì gạch đầy và béo; cua thịt thì vào tháng Năm, Sáu âm lịch vừa ngon lại rẻ. Dù cua gạch hay cua thịt thì cũng chỉ nên chọn những con có trọng lượng từ 300 - 500g, thịt sẽ ngọt, thơm và chắc. Đặc biệt, từ tháng Chín trở đi, những con cua đực loại to sẽ bị rũ, già, ốp thịt, có mùi khai, thậm chí đắng. "Để đánh giá mực có tươi không nên nhìn các đốm sắc tố trên bề mặt da, nếu rõ ràng, không loang là mực tươi. Ngoài ra, còn có thể kiểm tra thêm phần cơ thịt mực, nếu trắng, đàn hồi tốt thì nhiều khả năng là mực còn tươi" - ThS Nguyễn Thị Phương Thảo hướng dẫn.