FLC vào rổ ETF, chất xúc tác mới cho thanh khoản
Thứ Hai, 22/09/2014, 10:26
FLC đã trở thành tâm điểm giao dịch trên toàn thị trường và đặc biệt là giao dịch của các tổ chức nước ngoài.
VnEconomy - Tuần sôi động của các giao dịch từ hai quỹ ETF là FTSE và V.N.M đã thúc đẩy thanh khoản toàn thị trường lên mức cao nhất kể từ tuần giao dịch đạt đỉnh cuối tháng 3 vừa qua.
Cổ phiếu siêu thanh khoản FLC đã trở lại với mức giao dịch lớn chưa từng có trong lịch sử niêm yết.
Thanh khoản xấp xỉ 12% toàn thị trường
Tuần giao dịch cân bằng danh mục của hai quỹ hoán đổi chỉ số (ETF) luôn được chờ đợi. Thanh khoản đột biến lớn là dấu ấn đã trở thành bình thường trên thị trường. Với quy mô giao dịch cả ngàn tỷ đồng hai quỹ này tác động rất lớn đến thị trường.
Trong kỳ tái cân bằng danh mục gần nhất vào tuần 16-20/6/2014, giá trị khớp lệnh cả tuần cũng chỉ đạt xấp xỉ 10.280 tỷ đồng và 755,5 triệu cổ phiếu. Với quy mô vốn tăng mạnh ở cả hai quỹ ETF, quy mô giao dịch trong kỳ đảo danh mục lần thứ 3, kết thúc cuối tuần qua, giá trị khớp lệnh cả tuần đã lên tới 24.626 tỷ đồng, tương ứng 1.463,8 triệu cổ phiếu.
Tâm điểm của kỳ đảo danh mục này của cả hai quỹ ETF chính là FLC, khi cổ phiếu này lần đầu tiên lọt vào danh mục đầu tư. Theo đó, quỹ FTSE ước tính cần mua 12,3 triệu FLC và V.N.M cần mua 29,1 triệu FLC. Đây là con số ước tính theo mức độ phân bổ vốn và giá FLC tại thời điểm công bố. Khối lượng thực tế có thể chênh lệch một chút tùy vào biến động giá.
Không ngoài dự đoán, FLC đã trở thành tâm điểm giao dịch trên toàn thị trường và đặc biệt là giao dịch của các tổ chức nước ngoài trong tuần qua. Tổng khối lượng giao dịch của FLC trong tuần lên tới 174,47 triệu đơn vị, chiếm gần 12% tổng thanh khoản cả hai sàn. Nếu so sánh riêng ở HSX, FLC chiếm tới 19% khối lượng.
FLC cũng chiếm một tỷ trọng cực lớn trong các giao dịch mua của nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù không chỉ có hai quỹ ETF thực hiện giao dịch trong tuần, nhưng nhu cầu mua FLC quá lớn đã dẫn đến sự chênh lệch đáng chú ý về dòng vốn này.
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, trong tuần, FLC đã được mua trực tiếp trên sàn khớp lệnh 43,96 triệu cổ phiếu, bán ra 5,91 triệu cổ phiếu. Như vậy FLC đã chiếm trên 40% khối lượng giao dịch mua vào ở toàn thị trường của nhà đầu tư nước ngoài.
Với mức biến động giá không đáng kể trong tuần so với thời điểm hai quỹ ETF công bố kế hoạch mua, khối lượng mua của nhà đầu tư nước ngoài trên thực tế đã cao hơn khối lượng mà hai quỹ cần mua. Điều này đồng nghĩa với nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác cũng đã mua vào FLC.
Tính theo giá trị giải ngân, FLC cũng giữ vị trí số một về giao dịch mua của khối ngoại. Tổng giá trị vốn giải ngân mua trong tuần là 528,1 tỷ đồng và tổng giá trị bán ra là 70,81 tỷ đồng. FLC đã nhận được lượng vốn ròng trong tuần lên tới gần 457,3 tỷ đồng. Đã có khoảng 20% tổng vốn mua vào của các tổ chức nước ngoài rót thẳng vào FLC chỉ trong 5 phiên.
Ngoài FLC, trong tuần cũng chứng kiến nhiều cổ phiếu được giao dịch ròng với quy mô cực cao theo cả hai chiều. Phía mua ròng, xếp thứ hai sau FLC là KDC với 281,9 tỷ đồng, PPC đứng thứ 3 với 113,4 tỷ đồng, IJC đứng thứ tư với xấp xỉ 85 tỷ đồng. Phía bán ròng, đứng đầu là GMD với 332 tỷ đồng, VIC thứ hai với 269,3 tỷ đồng, DPhần mềm thứ ba với 118 tỷ đồng, BVH thứ tư với 107,1 tỷ đồng.
Khẩu vị mới của dòng vốn ngoại
Việc cả hai quỹ ETF đưa FLC vào danh mục đầu tư cho thấy bất kỳ một cổ phiếu nào cũng có cơ hội trở thành điểm đến của dòng vốn này, nếu thỏa mãn các tiêu chí. Thâm nhập thị trường chứng khoán Việt Nam từ khá lâu nhưng rõ ràng sự biến động rất ít trong danh mục đầu tư của hai quỹ này thể hiện một điều: Có không nhiều lựa chọn cho dòng vốn đầu tư bị động, vốn chỉ quan tâm đến khả năng bám sát vận động của chỉ số.
Thực tế khá buồn đã chứng minh điều này: Loanh quanh vài chục mã nhắc đi nhắc lại qua các lần tái cân bằng danh mục của hai quỹ. Hai lần gần đây, hết IJC rồi lại KDC cứ vào và ra khỏi danh mục. Thậm chí các phân tích trước kỳ đảo danh mục cũng chỉ rõ, lựa chọn hoàn hảo cho các cổ phiếu là không có, nhưng rốt cục các quỹ cũng phải chọn ứng cử viên ít thiếu sót nhất.
FLC lọt vào rổ đầu tư này trước hết là nhờ các đợt tăng vốn thành công gần đây, đưa mức vốn hóa lên đủ lớn, trở thành một blue-chips trên thị trường và có ảnh hưởng nhất định đến chỉ số giá.
FLC làm việc với 7 quỹ đầu tư nước ngoài tại Singapore
Điểm thứ hai là thanh khoản phải đủ lớn. Thanh khoản đã trở thành đặc trưng của FLC, thậm chí được giới đầu tư gọi là “vua thanh khoản” với hàng trăm tỷ đồng giá trị giao dịch hàng ngày. Điểm thứ ba là tính đại chúng rất cao, thỏa mãn mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định.
Cùng với việc vào rổ đầu tư của hai quỹ ETF, FLC cũng đang trở thành mối quan tâm mới cho các tổ chức nước ngoài khác. FLC đầu năm nay đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Quỹ Global Emerging Market (GEM) với khoản đầu tư 200 tỷ đồng, hồi đầu tháng 9 này FLC đã tiếp xúc với hàng loạt quỹ tại Singgapore như Lion Global Investors Limited, Polunin Capital Partners Limited, Khazanal Nasionl Bhd, Diam Asset Management, Tokyo Marine Asset Management, Nomura Asset…
Từ dòng vốn đầu tư bị động của các quỹ ETF đến cơ hội hợp tác lâu dài với các quỹ đầu tư khác cho thấy sức ảnh hưởng nhất định của FLC trên thị trường, cũng như triển vọng cơ bản của công ty. Với hình thức đầu tư bám theo chỉ số, các quỹ ETF ít quan tâm đến yếu tố hoạt động của doanh nghiệp. Tuy vậy, dòng vốn thông minh của các quỹ đầu tư dạng “equity” luôn nhìn nhận cơ hội dài hạn.
Theo VnEconomy