jomyolovejulyes

New Member
Có những giá trị sẽ bị quy luật thời gian đào thải nhưng có những giá trị mà thời gian càng khẳng định giá trị tồn tại vĩnh hằng. Những bài ca dao dân ca hay trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam đã thể hiện được giá trị bất chấp bụi thời gian. Cho nên Bác Hồ khi phát biểu về ca dao – dân ca đã nói rằng “ca dao dân ca là những viên ngọc quý".

Thế nào là viên ngọc quý? Ngọc là loại trang sức rất đẹp, có màu sắc tươi đẹp, chất trong sáng lấp lánh khiến mọi người thích ngắm. Nhất là khi nó qua tay người thợ thiên tài thì nó không còn một khuyết điểm nào, nó không còn một tì vết nào, và trở thành hoàn hảo, vô giá.

Ca dao dân ca hay cùng như viên ngọc quý được trau chuốt bởi bàn tay, khối ốc của nghệ sĩ nhân gian đầy tài năng, nên nó có giá trị nội dung và nghệ thuật tinh vi mà vẫn giữ được cái vẻ tự nhiên, vẫn giữ được bản sắc giản dị mà đẹp đẽ của nó,

Thử chọn vài bài ca dao đã học để khẳng định giá trị hoàn hảo về cả hai mặt nội dung và nghệ thuật của ca dao dân ca Việt Nam.

Bài “Nụ tầm xuân” là một bài ca dao hay về ý đẹp về lời.

Với thể thơ lục bát gián thất biến thể, bài thơ không tuân thủ một quy tắc nào về thi luật nhưng lại có một ưu điểm nổi bật vì nó đã góp phần tạo nên tính phong phú về nhạc điệu trong bài thơ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc diễn xướng, vì đặc trưng của ca dao dân ca là hát lên, nhưng nhịp thay đổi từ nhịp chẵn: 4/2 (trèo lên cây bưởi / hái hoa), 4/4 (bước xuống vườn cà / hái nụ tầm xuân) chuyển sang nhịp lẻ chẵn 3/4 (nụ tầm xuân / nở ra xanh biếc) và từ vần bằng của lục bát chuyển sang hiệp vần trắc song thất: hoa/cà (lục bát) biếc / tiếc (thất bát). Tác giả lại bồi thêm cách láy ở câu thứ ba “nụ tầm xuân/nụ tầm xuân" và các câu sau cùng theo kết cấu vần điệu mới mẻ như thế làm cho bài thơ có âm điệu ngọt ngào tha thiết làm xúc động người nghe.



Những bài ca dao là những viên ngọc quý của dân tộc Việt Nam

Hình ảnh thơ là chất liệu lấy từ cuộc sống dân dã đời thường ở nông thôn: cây bưởi, vườn cà, nụ tầm xuân, chim, cá… nên tạo cảm giác rất thân quen. Rất quen nhưng cũng rất lạ lẫm mới mẻ vì nụ tầm xuân hồng, trắng thường ngày trở nên màu xanh biếc. Cho nên tuy nói đơn giản nhưng rất ẩn dụ, chỉ nói “nụ tầm xuân” thôi cùng đã ẩn dụ cho tình yêu, cho vẻ đẹp của người con gái rồi, huống chi “nụ tầm xuân xanh biếc”, càng gợi lên cái vẻ tươi non hồn nhiên, vậy mà “em đã có chồng” rồi. Cho nên cảm giác “tiếc” càng xót xa đến tận tâm can. Cái màu xanh ấy mới trở nên lãng mạn trữ tình biết bao! Cái màu xanh ấy sao xuyến gợi thương, gợi nhớ. Cái thương nhớ một thời trẻ trung nhiều kỉ niệm của đôi trai làng gái quê cùng xóm cùng làng. Vậy mà họ không kịp lấy nhau vì chàng trễ nãi, không ngờ nàng phải chịu gả chồng ngay trong cái độ chưa chín, cái độ non tơ “xanh biếc”, “tiếc lắm thay” mối tình xanh ngời ngợi! Câu thơ buông xuống như tiếng thở dài nghẹn ngào cho nên chàng trai không thế nói thêm được lời nào. Cái im lặng của chàng trai ở đây đã thể hiện trình độ nghệ thuật tinh tế của người nghệ sĩ nhân gian… là cả một sự trải nghiệm về tình yêu và cuộc đời. Có những lúc sự im lặng là vàng. Nó nói lên tất cả mọi điều mà ngôn từ không còn khả năng biểu hiện. Tuyệt hay, đó không phải là chất ngọc vẻ ngọc sao?

Biện pháp tu từ so sánh, kết hợp với lối điệp liên hoàn và song hành ở cuối bài thơ góp phần khẳng định cái chất ngọc của ca dao, nó gợi lên một cách đầy đủ và sống động cuộc đời bất hạnh của người phụ nữ Việt Nam xưa: có chồng theo sự ép buộc của gia đình hay theo sự cường đoạt của nhà giàu, người phụ nữ xưa phải sống không tự do, không hạnh phúc, bị trói buộc như nô lệ. Cách so sánh quen thuộc nhưng rất hay. Bởi “chim lồng, cá móc câu” thì còn mong ước gì tự do, còn mong gì được sống theo ý mình! Tâm trạng đau khổ, tiếc hận cuộc đời bế tắc không lôi thoát, không ánh sáng tương lai thể hiện rất rõ trong lời than của cô gái làm não lòng người nghe, làm nhức nhối tim gan chàng trai.

Chỉ có mười câu ca dao mà người xưa đã gợi lên cả một vấn đề lớn, tình yêu lứa đôi và thân phận con người. Sự đồng cảm của tác giả đã tạo nên một giá trị nhân đạo cho ca dao, lời tiếc nuối của chàng trai và lời than thân trách phận của cô gái tạo nên giá trị nhân bản cho ca dao. Các biện pháp nghệ thuật tinh tế nâng cánh cho bài ca dao mang những giá trị hiện thực, nhân bản, nhân đạo quý giá ấy vượt bức tường thời gian để đến với chúng ta ngày nay.

Bài “Tát nước đầu đình” có cái hay về nội dung, thế hiện trí thông minh, tình cảm chân thành nghiêm túc của người bình dân.

Cái hay nghệ thuật; hình ảnh chọn lọc phù hợp vừa có tính truyền thống vừa có sự sáng tạo. Biện pháp tu từ ẩn dụ được tận dụng nhiều lần: “cái áo”, “cành sen”, “cái áo trên cành hoa sen”, “áo sứt chỉ đường tà", “áo sứt chí đã lâu”. Biện pháp liệt kê và hoán dụ cùng đã được vận dụng tập trung và linh hoạt ở đoạn cuối góp phần tạo nhạc cho thơ khiến bài ca dao hết sức sôi nổi, hào hứng, khẩn trương. Cách dẫn dắt vấn đề, cách dùng từ là một thành công xuất sắc của bài ca dao trữ tình này: linh hoạt, tinh tế, nói lên được cái chất thông minh, khỏe mạnh về tinh thần, hoạt bát về ứng đối, trẻ trung duyên dáng trong giao tiếp.

Bài ca dao còn để lại cho những thế hệ sau này một minh chứng bằng văn bản về phong tục cưới xin của dân tộc ngày xưa.

Qua hai bài ca dao, ta hiểu được đời sống, những sinh hoạt cộng đồng lành mạnh ngày xưa của tuổi trẻ Việt Nam. Đó là một viên ngọc lấp lánh, vẻ tài hoa, trí tuệ, trừ tình của nhân dân ta ngày xưa.
 

Các chủ đề có liên quan khác

Top