Câu 1: Hỏi: Thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú được xác định như thế nào? Trả lời: Cá nhân việt nam hay người nước ngoài là đối tượng cư trú tại Việt nam, có thu nhập từ tiền lương, tiền công thì khoản thu nhập này là khoản thu nhập chịu thuế theo qui định của luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Hàng tháng khi phát sinh khoản thu nhập từ tiền lương, cá nhân không phải kê khai thuế mà cơ quan trả thu nhập thực hiện kê khai, khấu trừ và nộp thay. Khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công được tính theo năm, được giảm trừ gia cảnh, trừ các khoản đóng bảo biểm bắt buộc, được trừ khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo. Vì vậy, hàng tháng trước khi tính và khấu trừ thuế cơ quan trả thu nhập cần xác định thu nhập tính thuế, công thức cụ thể như sau: Thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công = Thu nhập chịu thuế - Khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc: BHXH, BHYT, BHTN - Giảm trừ gia cảnh và trừ khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo Trong các khoản giảm trừ trên có khoản giảm trừ đóng góp từ thiện, nhân đạo là khoản tiền các nhân tự đóng góp, nên khi kê khai khấu trừ thuế cơ quan trả thu nhập không thể kê khai khấu trừ ngay khoản này được mà để cuối năm khi quyết toán thuế, nếu cá nhân có duy nhất khoản thu nhập tại cơ quan trả thu nhập và có uỷ quyền cho cơ quan trả thu nhập quyết toán thay thì lúc đó tính khoản giảm trừ này. Chỉ trong trường hợp cá nhân tự khai thuế như cá nhân kinh doanh thì khoản đóng góp này phát sinh tháng nào được kê khai giảm trừ của tháng đó. Câu 2: Hỏi: Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định như thế nào? Trả lời: Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng tiền lương, tiền công, tiền thù lao và các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế, trừ một số khoản thu nhập không chịu thuế được qui định cụ thể tại các câu sau của mục này. Các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công bao gồm: -Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công; -Các khoản phụ cấp, trợ cấp; -Tiền thù lao dưới các hình thức; -Tiền nhận được từ tham gia Hiệp hội kinh doanh, Hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hội đồng quản lý và các tổ chức; -Các khoản thưởng như tháng, quý, năm, thưởng đột xuất, thưởng tháng lương thứ 13 bằng tiền hay không bằng tiền (kể cả thưởng bằng chứng khoán). Thưởng bằng cổ phiếu thì giá trị thưởng được xác định theo mức thưởng ghi trên sổ sách kế toán. - Các khoản lợi ích bằng tiền hay không bằng tiền như: tiền thuê nhà; phương tiện phục vụ đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại; tiền mua bảo hiểm đối với loại không bắt buộc người sử dụng lao động phải mua cho người lao động; các khoản chi vui chơi giả trí, dịch vụ cho cá nhân. Câu 3: Hỏi: Khoản tiền thuê nhà cho cá nhân do đơn vị sử dụng lao động chi trả hộ được xác định thu nhập chịu thuế như thế nào? Trả lời:Thông tư số 62/2009/TT-BTC ngày 27 tháng 3 năm 2009 của Bộ Tài chính quy định: Khoản tiền thuê nhà cho cá nhân do đơn vị sử dụng lao động chi trả hộ phải tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế chi trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà). Ví dụ 1: Theo hợp đồng lao động, Ông X được doanh nghiệp Y chi trả tiền thuê nhà là 20 tr /đ/th; tiền thuê nhà do doanh nghiệp chuyển trả trực tiếp cho chủ nhà cho thuê. Thu nhập thực tế chịu thuế của Ông X là 100 tr/đ/th. Thu nhập chịu thuế thu nhập CN của Ông X bao gồm cả tiền thuê nhà là : 115 tr/đ/th = 100 tr + ( 100 tr x 15%) Ví dụ 2: Theo hợp đồng lao động, Ông A được doanh nghiệp B chi trả tiền thuê nhà là 10 tr /đ/th; tiền thuê nhà do doanh nghiệp chuyển trả trực tiếp cho chủ nhà cho thuê. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương của Ông A là 100 tr/đ/th. Trong trường hợp này tiền thuê nhà 10 tr là thấp hơn 15% thu nhập chịu thuế nên thu nhập chịu thuế của Ông A sẽ được tính trên cơ sở thu nhập chịu thuế và tiền thuê nhà thực tế . Thu nhập chịu thuế thu nhập CN của Ông A là : 110 tr/đ/th = 100 tr + 10tr Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu nhập chịu thuế căn cứ vào tiền thuê nhà, hay chi phí khấu hao, tiền điện, nước và các dịch vụ khác tính theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng với diện tích trụ sở làm việc. nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế. Câu 4: Hỏi: Thu nhập chịu thuế đối với trường hợp người lao động được đưa đón bằng phương tiện xe cơ quan từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại được xác định như thế nào? Trả lời: Thông tư số 62/2009/TT-BTC ngày 27 tháng 3 năm 2009 của Bộ Tài chính quy định: Đối với khoản chi về phương tiện phục vụ đưa đón tập thể người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại thì không tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động; trường hợp chỉ chuyên đưa đón riêng từng cá nhân thì phải tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân được đưa đón. Đơn vị chi trả thu nhập căn cứ vào thời gian sử dụng phương tiện, chi phí nhiên liệu phục vụ đưa đón cá nhân, tự xác định thu nhập cá nhân thụ hưởng để kê khai vào thu nhập chịu thuế của cá nhân đó; đồng thời thông báo cho cá nhân thụ hưởng biết để cá nhân đó kê khai vào thu nhập của mình khi quyết toán thuế (CV 451/TCT-TNCN ngày 08 tháng 02 năm 2010 hướng dẫn Quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2009) Ví dụ: Anh B là giám đốc Công ty TNHH, Anh có xe đưa đón đi làm hàng ngày. Công ty tính chi phí tiền đi lại cho anh A như sau :quãng đường từ nhà đến Công ty là 10 km x 2 lần x 22 ngày = 440 km. Với 8 lit xăng cho 100 km thì lượng tiêu hao xăng một tháng là 35,2 lit x 20.000 đ/lit = 704.000 đồng. Khoản thu nhập 704.000 đồng /tháng là khoản thu nhập chịu thuế của Anh B. Câu 5: Hỏi: Khoản tiền ăn giữa ca của người lao động được xác định vào thu nhập chịu thuế như thế nào? Trả lời: Không tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động nếu người sử dụng lao động trực tiếp tổ chức bữa giữa ca cho người lao động (ăn giữa ca bằng hiện vật) Trường hợp, đơn vị chi trả thu nhập không trực tiếp tổ chức bữa ăn ca mà chi tiền ăn ca trực tiếp cho người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế thuế của người lao động nếu mức chi phù hợp với hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Trường hợp chi cao hơn mức hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì phần chi vượt mức phải tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động. Mức chi cụ thể áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức, đơn vị được phép hoạt động kinh doanh thuộc cơ quan hành chính, sự nghiệp, đảng, đoàn thể, các hội không quá mức quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước và các tổ chức khác, mức chi do thủ trưởng đơn vị thống nhất với chủ tịch công đoàn quyết định nhưng mức tối đa cũng không vượt quá mức áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước. Theo đó: Từ ngày 1/5/09 đến ngày 14 tháng 6 năm 2011 mức ăn giữa ca không chịu thuế TNCN là không quá 550.000 đ/tháng (quy định tại TT số 10/2009/TT-BLĐTBXH ngày 24/4/09 có hiệu lực từ 1/5/09) . Từ ngày 15 tháng 6 năm 2011, mức chi tiền ăn giữa ca cho người LĐ không chịu thuế TNCN là không quá 620.000 đ/tháng (TTSố: 12/2011/TT-BLĐTBXH ngày 26/04 /2011 có hiệu lực từ 15 tháng 6 năm 2011. Mức chi ăn giữa ca trên 550.000 đ/tháng hay 620.000 đ/tháng tương ứng với thời gian trên phải chịu thuế TNCN.