Lao màng bụng là tình trạng tổn thương viêm đặc hiệu của màng bụng do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis, thường là thứ phát sau ổ lao khác. Bệnh thường gặp nhiều ở tuổi thanh niên, nữ giới. Trong giai đoạn sớm, bệnh khó phát hiện vì các triệu chứng cùng kiệt nàn. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển phức tạp với nhiều biến chứng nặng nề, có thể đe dọa tính mạng.
Điều kiện thuận lợi cho lao phát triển là nghiện rượu nặng, suy giảm miễn dịch, làm việc quá sức, nhất là trong điều kiện thiếu vệ sinh, chế độ ăn thiếu đạm và sinh tố. Tùy theo thể bệnh và giai đoạn của bệnh mà có các triệu chứng sau:
Thể cổ trướng: Biểu hiện đầu tiên là sốt, thường sốt về chiều, có thể sốt cao hay sốt nhẹ, thậm chí có bệnh nhân không nhận ra là có sốt. Người bệnh ăn uống kém, chán ăn, đầy bụng, mệt mỏi, gầy sút, đau bụng âm ỉ với vị trí đau không rõ ràng, ra mồ hôi trộm, đại tiện phân táo lỏng thất thường. Bụng to dần lên ở mức độ vừa, cảm giác tức nặng.
Thể bã đậu hoá: Có các triệu chứng tương tự thể cổ trướng nhưng triệu chứng rối loạn tiêu hoá rầm rộ hơn: thường đau bụng, chướng hơi, sôi bụng, đi ngoài phân lỏng, màu vàng.
Thể xơ dính: Rất hiếm gặp, thường gây xơ dính toàn bộ phúc mạc với các tạng trong ổ bụng.Thể này thường diễn biến nặng, dễ dẫn đến tử vong.
Hiện có rất nhiều thuốc để cân nhắc điều trị. Tuy nhiên, việc sử dụng phối hợp thuốc phải tùy thuộc vào thể bệnh và giai đoạn của bệnh, nhất thiết phải có ý kiến của bác sĩ. Ngoài chế độ dùng thuốc, cần kết hợp chế độ ăn giàu đạm và sinh tố. Trường hợp của bạn, cần tuân thủ triệt để chế độ ăn uống cũng như điều trị mà bác sĩ đã đề ra, bệnh sẽ khỏi hẳn và không để lại di chứng.
BS. Nguyễn Bạch Đằng
(Theo baodatviet.vn)