* Muốn táo không bị thâm sau khi cắt, bạn ngâm chúng vào nước có hoà cùng vài giọt chanh, hay thoa nước cốt chanh lên bề mặt quả. Táo trông sẽ tươi như mới cắt.
* Muốn giữ được các loại trái cây, bạn nên bọc chúng trong một lớp giấy báo, bạn không nên rửa và cho vào ngăn lạnh.
* Riêng dâu tây, bạn nên cho vào hộp giấy hay hộp nhựa có lỗ thông hơi.
* Nếu nướng bánh khoai tây, bạn phải luộc khoai trước khi chế biến. Tốt nhất bạn nên luộc và cho chúgn vào ngăn lạnh trong một thời gian ngắn.
* Giữ rau thơm trong túi nilông trước khi cho vào tủ lạnh. Chúng sẽ tươi trong thời gian dài.
* Ớt xanh sẽ tươi lâu hơn, nếu bạn cắt bỏ cuống trước khi giữ lạnh.
* Khi lỡ lấy bánh ga tô ra khỏi khuôn mà chưa chín kỹ, bạn đừng chần chừ, hãy nhúng thật nhanh vào sữa lạnh rồi đặt vào trong lò hấp lại.
* Hấp cơm nguội cho ngon: Dùng tay ướt bóp cho hạt cơm rời ra. Khi nấu gần chín, bạn cho cơm nguội vào, hấp được một lúc thì xới lên, trộn hai loại đều nhau. Để một lúc, ăn sẽ ngon hơn.
* Muốn khử mùi tanh của giá đỗ, khi xào, bạn hãy cho một thìa dấm vào. Khi làm dưa góp, muốn món ăn hấp dẫn và ngon hơn, bạn hãy cho một ít rượu vào.
* Muốn xào gan ngon và trên miếng gan không bị dính các hạt cứng, bạn nên làm theo cách sau. Sau khi thái, hãy chần gan qua nước sôi khoảng 2 phút, rồi mới ướp gia vị. Khi xào, nhớ để to lửa và đảo nhanh tay.
* Bạn không ăn được ớt, hạt tiêu, nếu sơ ý ăn phải sẽ thấy cay rát đầu lưỡi. Muốn hết cay, cách tốt nhất là bạn cho vào miệng ít muối ăn (chỉ ngậm thôi, không được nuốt). Sau vài phút, hãy súc miệng.
* Khi cắt, hay tỉa ớt, nếu tay bạn bị dính cay, gây bỏng rát, bạn hãy lấy một ít đường cát xoa vào, rồi rửa sạch. Cũng có thể lấy dấm thay cho đường.
* Ngâm măng khô để ăn dần: Trước tiên bạn cho măng khô vào nồi, đổ đầy nước đun sôi khoảng 30 phút, sau đó chuyển sang lửa nhỏ, để đun tiếp một lúc rồi vớt ra, cắt bỏ những chỗ già và rửa sạch. Tiếp đó, dùng nước gạo hay nước sôi để ngâm ăn dần, 2-3 ngày thay nước một lần.
* Ngâm nấm: Cho nấm đã được rửa sạch vào trong nước ấm, pha với một chút đường trong 1, 2 giờ. Cách này sẽ làm cho nấm vừa hấp thụ nước nhanh, vừa giữ được hương vị, khi ăn lại thấy ngọt.
* Ốc ngon có mày nằm sát bên ngoài, khi đụng tay vào, mày khép lại. Ngược lại, mày thụt sâu vào trong là ốc không ngon. Ốc chết, mùi xông lên rất khó chịu.
* Chọn cua: Muốn chọn cua ngon hãy lấy tay ấn vào yếm, nếu cứng là cua có nhiều thịt. Bạn cũng có thể thử bằng cách nhìn que càng của nó, nếu thấy mọng nước là cua xốp, không ngon.
* Mực ống ngon có màu trong suốt, da nhẵn, dính chặt vào thân. Da bên ngoài sần là lúc mực bắt đầu ươn. Thịt loại hải sản này không dày, không có mùi tanh khó chịu.
* Tôm ngon thân phải săn chắc, vỏ còn cứng, màu trắng trong chứ không đục hay ngả sang đỏ, vàng. Phần đầu dính chặt vào thân, các càng vẫn còn nguyên, không có mùi tanh, ươn.
* Chọn gà: Cần lựa con khỏe mạnh, mào đỏ tươi, chân thẳng, nhẵn, không đóng vảy, ức dày, hậu môn không ướt. Bạn không nên chọn con già quá cũng như con non quá, ăn ngon nhất là gà gần đẻ.
Gà tơ thường da vàng, lông mềm mại, lỗ chân lông nhỏ, cổ và đùi to, cẳng chân nhỏ, mào đỏ chót.
Gà mái già thường chân cứng, đóng vảy, lông bù xù, không óng mềm, lỗ chân lông to, cổ nhỏ và trắng xám. Loại gà này thường nổi nhiều gai sần, hậu môn to. Gà trống già có cựa dài.
* Chọn vịt: Lựa con béo, ức tròn, da cổ và bụng dầy, mọc đủ lông. Bạn chớ chọn vịt non vì ăn rất hôi, tốn nhiều công nhổ lông. Vịt non thì mỏ to và mềm. Vịt già mỏ nhỏ và cứng. Vịt đã đẻ nhiều lứa, bụng dưới xệ. Khác với gà, thịt vịt đực ngon hơn thịt vịt cái.