nguyenngoc575

New Member
Nắm được điểm yếu thiếu hiểu biết luật của người có nhu cầu xuất khẩu lao động, bọn lừa đảo đã dựng lên nhiều kiểu lừa đảo khác nhau. Hàng chục tỷ đồng bị chúng chiếm đoạt còn hàng trăm người lao động lại rơi vào cảnh cùng quẫn do nợ nần.

Gần 6.000 người lao động đã trở thành nạn nhân
Theo Bộ CA, từ 2006 đến nay, bình quân mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 83.000 lao động ra nước ngoài làm việc. Tình hình xuất khẩu lao động (XKLĐ) nở rộ giúp không ít gia đình thoát nghèo. Nhưng cũng từ đó nảy sinh nhiều tổ chức cá nhân lợi dụng hoạt động XKLĐ của nhà nước để công khai hay ngấm ngầm đứng ra thông báo tuyển người có nhu cầu đi nước ngoài lao động rồi lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

Với lời hứa lo thủ tục đi làm việc ở các thị trường lương cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Australia...hơn 5.400 người đã chấp nhận vay mượn tiền để có thể xuất ngoại. Nhưng tiền mất, người thì chẳng đi được.

Vụ Công ty cổ phần tập đoàn công nghệ mới (Từ Liêm, Hà Nội), do Đinh Hồng Quảng làm giám đốc không có chức năng xuất khẩu lao động, nhưng đã lừa đảo, chiếm đoạt của 76 lao động với số tiền 800.000 USD và trên 1 tỷ đồng, là một điển hình.
Hay vụ việc PC15 CA Quảng Ngãi phát hiện Cty TNHH Nguyễn Hồng Cường do Nguyễn Tấn Hồng làm tổng giám đốc cũng không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng đã lừa đưa người sang Nga, chiếm đoạt của người lao động 63.500 USD và gần 150 triệu đồng.

Thủ đoạn hoạt động của tội phạm trong lĩnh vực XKLĐ rất linh hoạt. Các đối tượng này thường làm giả hồ sơ, hợp đồng lao động đi làm việc tại nước ngoài có dấu giả và chữ ký của lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước hay Trung tâm LĐNN để tạo lòng tin với người lao động.

Bên cạnh đó, một số đối tượng giả danh là cán bộ của các doanh nghiệp XKLĐ hay có mối quan hệ với Bộ LĐ-TB&XH... đứng ra tuyển lao động. Khi thu tiền của người lao động, bọn tội phạm thường ghi biên nhận với nội dung mập mờ như: Để góp vốn kinh doanh, vay tiền làm ăn hay không ghi lý do thu tiền với chữ ký người nhận tiền không rõ ràng để đối phó với cơ quan pháp luật khi bị phát hiện.
Theo thông báo từ cơ quan CA, việc tổ chức học và thi cấp chứng chỉ tiếng Hàn (EPS) cho người đi lao động tại Hàn Quốc hiện nay đang là một trong những sơ hở để bọn tội phạm lợi dụng. Trước nhu cầu cấp thiết của nhiều người lao động muốn đi làm việc tại Hàn Quốc, ở một số địa phương như Hà Nội, TPHCM, Quảng Ngãi... đã xuất hiện nhóm lừa đảo làm giả các phiếu dự thi, tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Hàn (EPS), làm giả chứng chỉ tiếng Hàn để thu hàng ngàn USD của người lao động. Chúng còn tổ chức các Trung tâm đào tạo tiếng Hàn và quảng cáo: Nếu học qua các Trung tâm này chắc chắn sẽ được đi XKLĐ tại Hàn Quốc.

Bọn tui phạm còn tổ chức cho người lao động ra nước ngoài bằng hộ chiếu phổ thông, visa du lịch ngắn ngày theo đường du lịch, du học, tham gia hội chợ Quốc tế...rồi bán cho chủ sử dụng lao động ở nước ngoài.

Tinh vi hơn có doanh nghiệp lừa đảo còn móc nối với một số đối tượng người nước ngoài để lừa đảo quảng cáo các chương trình du học, đi lao động nước ngoài, có chủ sử dụng lao động trực tiếp tuyển lao động. Có trường hợp chúng còn tổ chức cho người nước ngoài thu tiền trực tiếp của người lao động, thuê người nước ngoài đến phỏng vấn và ký hợp đồng lao động trực tiếp với người lao động để tạo lòng tin.

Siết chặt quản lý là giúp người lao động

Theo Bộ Công an, quá trình đấu tranh chống tội phạm trong xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn, như thông tin về chỉ tiêu xuất khẩu của từng thị trường, danh sách doanh nghiệp được phép tuyển dụng để đưa người đi làm việc ở nước ngoài chưa được thông báo rộng rãi; chưa có sự trao đổi thông tin thường xuyên giữa công an và ngành lao động.

Nhiều người biết mình bị lừa đã không chủ động khai báo cho công an mà tìm cách tự đòi lại tiền; đến khi đòi không được, kẻ lừa đảo bỏ trốn thì người bị hại mới báo, gây khó khăn cho việc bắt đối tượng và thu hồi tài sản. Cụ thể trong số 37 tỷ đồng và 1,4 tỷ USD thiệt hại từ những vụ án lừa đảo, trị giá tài sản đã thu hồi rất ít, chỉ 4,1 tỷ đồng và 5.300 USD.

Để khắc phục tình trạng này Bộ CA đã kiến nghị lên Chính phủ cho phép Bộ LĐ-TB&XH xây dựng các trung tâm đào tạo XKLĐ ở các khu vực trên cả nước để nâng cao chất lượng lao động cũng như đảm bảo tính tập chung, chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho các DN XKLĐ tuyển chọn lao động theo yêu cầu của thị trường , không để bọn tội phạm lợi dụng lừa đảo.

Bên cạnh đó, cần thiết phải có thêm những chế tài chặt chẽ từ phía Bộ LĐ-TBXH nhằm quản lý, kiểm tra vấn đề này.
 

Các chủ đề có liên quan khác

Top