Nước xương hầm ngon, ngọt và rất bổ. Nó chứa một hàm lượng lớn những thành phần dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người như các loại khoáng chất, canxi, photpho, sắt. Chính vì thế, các chuyên gia y tế khuyên chúng ta nên dùng nước xương hầm hàng ngày để vừa tốt cho sức khoẻ, vừa phát huy tác dụng làm đẹp.
Để được một bát nước xương hầm ngon, bổ dưỡng, có khoa học, trước hết, khi hầm bạn nhớ cho thêm vào một ít dấm ăn. Dấm có tác dụng làm tăng sức hoà tan vào nước của các khoáng chất. Đồng thời, chính dấm lại có khả năng làm giảm sự hao tổn dinh dưỡng cho nước xương khi chế biến trong thời gian lâu.
Khi dùng nuớc xương hầm nên chú ý: Bệnh nhân bị gãy xương uống nhiều nước xương hầm chưa chắc đã tốt, đã có lợi cho sự sinh trưởng của xương.
Lý do là thành phần chủ yếu của xương người gồm canxi và photpho, nhưng giữa những thành phần vô cơ này bao giờ cũng có một tỷ lệ nhất định với một số thành phần hữu cơ khác.
Nếu bệnh nhân uống quá nhiều nước xương hầm sẽ làm mất đi sự cân bằng về tỷ lệ trên, và như vậy sẽ rất bất lợi cho tình trạng xương gãy khi ấy.
Tuy nhiên, với người già bị gãy xương đã lành thì việc uống một lượng vừa đủ nước xương hầm lại rất có lợi.
Chúng ta đều biết rằng khi con người càng già thì công năng tạo máu trong xương càng giảm, tóc sẽ bạc nhiều, móng tay và tóc mọc chậm, lại thường xuyên bị viêm họng, trúng gió. Công năng tạo máu của cốt tuỷ có thể được tăng lên khi tăng cường chất keo xương và chất Anbumin.
Trong khi đó, xương động vật rất giàu hai loại này, vì thế bạn có thể hầm xương theo tỷ lệ nước và xương là 5:1. Bạn nên đập giập xương trước khi cho vào nồi, hầm liền trong 2 tiếng đồng hồ để hai chất kia đủ thời gian tan trong nước. Dùng nước xương hầm thường xuyên vừa bổ lại vừa có công hiệu kéo dài tuổi thanh xuân của bạn.
Theo VTV