battu89

New Member
Vào một ngày nắng, hắn thấy ngứa đầu, nghi mình có chí, bèn nghĩ phải tắm bằng xà bông. Thế nhưng, khi trong tình trạng Adam bước vào phòng tắm thì cục xà bông biến đâu mất. Cuộc tìm kiếm bắt đầu, kéo dài cả thảy mười chín ngày. Trong thời gian đó, để tồn tại hắn ăn cây trường sanh, rồi lại "chiến đấu" với chuột cống để có "thực phẩm" cầm cự. Cuộc tìm kiếm kéo dài khiến nhiều lúc hắn quên mình đang tìm gì, hắn thấy ngôi nhà là rừng, còn mình là một mảnh thiên nhiên...



Ðọc những truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Thuần gần đây, và trong tác phẩm này, có thể thấy nổi lên một điều là tác giả ưu tư nhiều đến sự không còn thuần chất của con người cũng như môi trường sống. Ở thiên truyện này, Nguyễn Ngọc Thuần gọi trực diện sự thay đổi đó là sự biến thái. Một kẻ chuyên rình mò, quấy rối vợ người khác. Một kẻ nghiện ngắm nghía cơ thể mình và lấy việc xem tivi là niềm vui sướng nhất trần gian. Thật và giả, tào lao xen lẫn nghiêm trọng, lý trí không thắng được những bất an... Sự biến thái không phải tiệm cận từng chút một, mà như sự tùy hứng gần xa của một chiếc ống nhòm. Sự biến thái được hỗ trợ bởi những công cụ sẵn có. Mặc dù chủ ý bằng một giọng hài hước, nhưng trang viết của Nguyễn Ngọc Thuần vẫn tạo nên những dấu vết buồn khó phai. Hình ảnh anh chồng đá con mèo, đạp vào mặt nó như muốn giết bằng chết, chỉ vì con mèo gặm hư cái điều khiển từ xa, không phải là trường hợp cá biệt nữa. Sự hung bạo của con người như một cái gì đó chực tràn ra và luôn trong tình trạng không thể ngăn cản được. Nếu như soi vào cuộc sống ở góc cạnh như vậy, thì cuộc tìm kiếm cục xà bông trong suốt mười chín ngày cũng là một cơn hung bạo kiểu khác. Không có sự lãng mạn, không có cả lý trí, chẳng có ý nghĩa gì, nhưng vẫn cứ muốn làm cho hả hê một cơn. Như một cầu thủ giỏi "rê dắt", Nguyễn Ngọc Thuần luôn có lối viết cuốn hút người đọc. Cái lôgic trong truyện của anh không thể hiện ở tình huống mà chủ yếu ở tâm trạng, một kiểu "bứt dây động rừng" nội tâm rất thú vị. Mặc dù vậy, Nguyễn Ngọc Thuần vẫn còn vướng vào những vụn triết lý lặp lại, khiến tác phẩm chưa tạo nên một sắc vóc mạnh mẽ. Hay là, những triết lý ấy cũng là một kiểu tào lao theo chủ ý của Nguyễn Ngọc Thuần trong cuốn sách này?!
TRẦN NHÃ THỤY
 
Top