Vitamin E:
1. Tác dụng chống ô xy hoá
Vitamin E là một loại chất chống oxy hoá rất mạnh, bảo vệ tế bào khỏi tổn thương. Do vitamin E phòng chống được ô xy hoá, tức là cũng có thể “tiêu trừ” được những tổn thương do chất mỡ ô xy hoá gây ra.
2. Duy trì tính hoàn chỉnh của tế bào hồng cầu
Khi vitamin E không đủ, số lượng tế bào hồng cầu giảm thấp, thời gian sinh tồn bị rút ngắn.
Lượng vitamin E trong cơ thể trẻ mới sinh, đặc biệt là trẻ sinh non (có hệ thống tiêu hoá chưa hoàn chỉnh nên khó hấp thụ vitamin E) thường thấp, chỉ bằng khoảng 1/3 của người lớn (trẻ đẻ non lại càng thấp), từ đó dễ dẫn tới thiếu máu.
Bổ sung vitamin E kịp thời có thể giảm nhẹ chứng thiếu máu. Trên lâm sàng vitamin E thường được dùng để trị bệnh thiếu máu do máu loãng.
3. Quan hệ giữa vitamin E và lão hoá
Một số học giả cho rằng, quá trình lão hoá là các gốc tự do phá hoại các tế bào trong cơ thể. Vitamin E và các loại chất chống ô xy khác sẽ trung hòa các gốc tự do và sửa chữa các tế bào bị tổn thương, làm chậm lại quá trình lão hoá.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chứng cứ khoa học chính xác để chứng minh vitamin E có thể kéo dài tuổi thọ.
4. Các tác dụng khác
Thực nghiệm trên động vật cho thấy vitamin E có tác dụng bảo vệ đối với tổn thương do các chất độc hại gây nên như: oxy hoá nồng độ cao, phản ứng oxy hoá gây ra hôi thối và khí SO2.
Thí nghiệm trên chuột cho thấy thiếu vitamin E sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển, tăng trưởng.
Tác dụng chống ung thư của vitamin E chưa rõ nhưng vitamin E có thể phá hủy chất màu nitroso (chất sinh ra trong các thực phẩm muối gây ung thư).
Vitamin A:
Vitamin A và tiền chất của nó (beta-carotene) thể hiện vai trò chủ yếu ở da và niêm mạc. Thức ăn có nguồn gốc động vật như dầu cá, bơ, sữa, lòng đỏ trứng, gan cá là nguồn chủ yếu cung cấp vitamin A. Các loại rau có lá xanh đậm như rau ngót, rau đay, rau dền, rau muống, rau lang, rau thơm… hay các loại quả màu vàng cam như gấc, đu đủ chín, cà rốt, cà chua… có chứa nhiều beta-carotene. Tiền chất này sẽ được men trong thành ruột và gan chuyển hóa thành vitamin A.
Nhu cầu vitamin A hàng ngày: người lớn 3.000 – 5.000 đơn vị mỗi ngày; trẻ em <10 tuổi 1.500 – 4.000 đơn vị mỗi ngày. Lượng vitamin A dự trữ trong cơ thể người lớn bình thường là 1,2 triệu đơn vị và chủ yếu ở gan. Mỗi ngày dùng nhiều nhất là 5.000 đơn vị. Như thế lượng dự trữ này đủ để duy trì nồng độ vitamin A bình thường cho cơ thể trong thời gian khá dài.
Vitamin A có tác dụng giữ cho lớp biểu mô được toàn vẹn, điều hòa sự phát triển và biệt hóa của các tế bào biểu mô da. Như vậy vitamin A có tác dụng nuôi dưỡng lớp da. Hơn thế nữa, vitamin A và tiền chất của nó có tác dụng bảo vệ da chống tia cực tím thông qua việc khử các gốc tự do. Do đó, ngày nay vitamin A được nói nhiều trong các chế phẩm bổ sung uống hay bôi để giúp làm chậm tiến trình lão hóa da, đặc biệt là lão hóa da ngoại sinh.
Cơ thể không tổng hợp được vitamin A mà phải lấy từ thức ăn, do đó trong bữa ăn hàng ngày chúng ta cần chọn các thực phẩm có chứa vitamin A và beta-carotene từ động vật hay thực vật. Bữa ăn đủ chất đạm và dầu mỡ sẽ giúp tăng hấp thu và chuyển hóa vitamin A vì đây là loại vitamin tan trong dầu.
Với chế độ ăn phong phú và bao gồm những thực phẩm có chứa đầy đủ vitamin A hay beta-carotene như chúng ta đã biết, thì ở người khỏe mạnh bình thường không cần đặt ra vấn đề bổ sung vitamin A qua đường uống.
Chúc bạn luôn mạnh khỏe!
