Khi đỗ xe, nên kéo phanh tay trước hay về số P trước

Thao tác tưởng chừng rất cơ bản này không phải ai cũng thực hiện đúng về mặt kỹ thuật, dẫn đến những hư hao về lâu dài.

Khi đỗ xe, nên kéo phanh tay trước hay về số P trước

Hiện nay, xe ô tô dùng hộp số tự động đã trở nên rất phổ biến và là phương tiện chủ đạo của nhiều người. Cách vận hành hộp số sao cho đúng không còn quá phức tạp như xe số sàn, dẫn đến việc thao tác chuyển số khi đỗ xe bị xem nhẹ.

Có nhiều người giữ thói quen về P, tắt máy rồi mới kéo phanh tay, đỗ xe. Nhưng theo các chuyên gia, thói quen này về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng xấu cho các chi tiết trong cơ cấu hộp số.

Phanh tay (phanh đỗ) là bộ phận an toàn trên xe hơi, nó được thiết kế để sử dụng trong những tình huống hàng ngày, không phải chỉ khi đỗ xe trên dốc. Xe số sàn thường nhắc tới và sử dụng phanh tay nhiều hơn, trong khi xe số tự động bộ phận này có phần bị coi nhẹ. Thực tế, cơ chế để giữ xe đứng yên của phanh tay và chế độ P trên hộp số hoàn toàn khác nhau. Trong khi, phanh tay tác dụng lực ép guốc phanh vào tang trống hoặc thắng đĩa giúp xe đứng yên, thì chế độ P trong hộp số tự động của ô tô đa phần đều dùng cơ cấu khóa chốt đỗ hay còn gọi là bánh răng cóc (parking pawl) vào các ngàm giữ trên trục ra của hộp số, để giữ cho xe không di chuyển.

Vì vậy Nếu về P trước, vì có khoảng hở dù khá nhỏ giữa bánh răng cóc và ngàm giữ nên trục ra của hộp số sẽ quay, tăng sức ép lên bánh răng cóc, sức ép này càng lớn nếu độ dốc nơi đỗ càng cao. Áp lực này về lâu dài có thể gây mòn chi tiết cơ khí. Khi kéo phanh tay, xe đứng yên, lúc này về P, bánh răng cóc nằm gọn trong ngàm gữ mà xe không bị xê dịch, không có lực ép. Nhờ đó, bánh răng cóc sẽ chia sẻ nhiệm vụ giữ xe đứng yên trên dốc với phanh tay, áp lực làm việc giảm, đỡ bị mài mòn.

Đối với đỗ xe ở mặt phẳng thì việc kép phanh tay trước hay sau cũng không ảnh hưởng nhiều vì xe đã đứng yên. Nhưng đặc biết khi đỗ xe ở chỗ dốc, các bạn bạn nên tuân thủ theo hướng dẫn an toàn của các hãng khi đỗ xe với xe số tự động là đạp phanh chân - kéo phanh tay - về P - tắt máy.